“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thực hiện lời Bác dạy, nhiều năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện Thuận Châu đã thu hút cán bộ viên chức, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân hưởng ứng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Tạo sự lan tỏa và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, hàng năm, UBND huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện bồi dưỡng, tổng kết nhân rộng điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng… Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng. Nội dung các phong trào thi đua yêu nước bám sát nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Từ đó, khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong huyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hàng năm, huyện đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua: “Thuận Châu chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021-2025”; “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020-2025”; “Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và nông dân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi”; “Dân vận khéo gắn với thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và ở cơ sở”… Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chọn nội dung thi đua thiết thực, phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả tại đơn vị mình.
Bà Lò Thị Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, chia sẻ: Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới 2021-2025”, xã đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huy động nhân dân đóng góp hơn 12,4 tỷ đồng, trên 26.300 ngày công lao động, hiến 8.500 m2 đất xây dựng đường giao thông. Đồng thời, tích cực đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cuối tháng 12/2022, Tông Cọ cán đích nông thôn mới. Hiện nay, xã đang hoàn thiện các tiêu chí và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Phong trào thi đua “Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và nông dân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi”, được triển khai sâu rộng và bám sát nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua thực hiện phong trào, đã phát huy tính năng động, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường và theo định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, trên địa bàn huyện duy trì 11 chuỗi liên kết sản xuất, với tổng diện tích 1.017,5 ha; 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 6 mã số vùng trồng với tổng diện tích là 72 ha; 107 ha cây trồng theo hướng hữu cơ; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy chế biến nông sản Doveco với 103,8 ha...
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, cho hay: Các thành viên HTX tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và nông dân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi”. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua trên 2.000 tấn chè búp tươi của nhân dân trong khu vực, chế biến được 400-500 tấn chè, xuất bán cho một số doanh nghiệp ở thành phố Hà Nội. Thu nhập bình quân đạt 5-7 triệu đồng/thành viên/tháng. Đặc biệt, sản phẩm chè Trọng Nguyên của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, HTX đang hoàn thiện thủ tục hành chính về tư vấn, thiết kế Khu trải nghiệm nông nghiệp Bình Thuận Fam.
Hưởng ứng phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cơ quan, đơn vị LLVT, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống. Trong đó, huy động các nguồn lực kinh phí trong và ngoài huyện, vận động nhân dân góp công lao động hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm. Trong năm 2022 và 3 tháng năm nay, toàn huyện đã hỗ trợ được 765 hộ xóa nhà tạm. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể nhận tín chấp với các ngân hàng cho hàng nghìn lượt hộ dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn hơn 32%, hộ cận nghèo còn trên 16%.
Các phong trào thi đua: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Sơn La” giai đoạn 2021- 2025, “Dân vận khéo gắn với thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và ở cơ sở”... đã được cán bộ CCVC các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện tích cực hưởng ứng. Trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tích cực nghiên cứu đề xuất các mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính. Nhất là các sáng kiến, giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Năm 2022, huyện Thuận Châu có 7 tập thể được UBND tỉnh tặng cờ thi đua; 5 tập thể và 38 cá nhân được tặng bằng khen; 75 tập thể đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 2.370 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen cho 376 tập thể và 1.135 cá nhân… Kết quả này là động lực để phong trào thi đua trên địa bàn huyện tiếp tục lan rộng trong các cấp, các ngành và nhân dân, tạo được phong trào “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, góp phần xây dựng huyện phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!