Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo cách mạng vĩ đại trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người trực tiếp sáng lập ra nhiều tờ báo và là cây bút xuất sắc với hàng nghìn bài báo có giá trị to lớn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân.
Hồ Chí Minh đã trực tiếp sáng lập, cho ra đời 9 tờ báo cách mạng, đó là: Người cùng khổ (1922); Quốc tế Nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công nông (1925); Lính Kách mệnh (1927); Việt Nam tiền phong (1927); Thân ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam độc lập (1941); Cứu quốc (1942). Trong số hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh thì 2/3 những tên gọi trong số đó được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình. Từ tác phẩm đầu tay “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) ngày 2/8/1919 cho đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Risớt M. Níchxơn” được Người đề ngày 25 tháng 8 năm 1969 và đăng trên báo Nhân dân số 5684, ngày 7 tháng 11 năm 1969, đã cho chúng ta thấy, Hồ Chí Minh đã làm báo cả cuộc đời và đã để lại 2226 bài báo các loại, gần 300 bài thơ và gần 500 trang truyện và ký. Báo chí thực sự trở thành một người đồng chí cùng chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng thực sự là một di sản lý luận quan trọng. Theo Người:
Thứ nhất, báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng của Đảng và Nhà nước tuyên truyền về đường lối độc lập dân tộc, về chủ nghĩa xã hội. Nhà báo phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.
Thứ hai, báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân.
Thứ ba, báo chí phải luôn khách quan, chân thực, tôn trọng sự thật.
Thứ tư, báo chí nói chung và người làm báo nói riêng cũng phải luôn có thái độ tự phê bình và phê bình.
Thứ năm, người làm báo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện suốt đời.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành cùng với Đảng ta, nhân dân ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Báo chí và những người làm báo đã góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước. Báo chí đã trở thành đội quân chủ lực trong việc định hướng, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Hệ thống báo chí đã có bước phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng và chất lượng. Báo chí đã thực hiện tốt các chức năng định hướng, thông tin, giáo dục chính trị, tư tưởng, giám sát, phản biện xã hội, giải trí... phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong xã hội; tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Báo chí góp công lớn trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, đưa Việt Nam đến với thế giới và thế giới đến với Việt Nam.
Tuy nhiên, báo chí Việt Nam còn nhiều vấn đề tồn tại, khi một bộ phận không nhỏ người làm báo chưa thực sự hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình; suy thoái về phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức nghề báo; đưa thông tin không đúng, xuất hiện xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí... Vì vậy, học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại có giá trị lý luận và thực tiễn cấp thiết. Học tập Người, đặc biệt chú trọng những vấn đề sau:
Một là, cơ quan quản lý báo chí định hướng, chỉ đạo tòa soạn báo, các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Lấy Luật Báo chí làm định chế pháp lý để điều chỉnh các hành vi sai phạm trong công tác báo chí.
Hai là, phát huy trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, tôn vinh đạo đức nghề nghiệp báo chí, những tấm gương “bút sắc, lòng trong”, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm khắc những nhà báo, phóng viên sử dụng báo chí để trục lợi, làm phương hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước và nhân dân, đó là nhân tố quyết định tính chính trị, tính thuyết phục, tính hiệu quả xã hội của mỗi sản phẩm báo chí.
Ba là, phát huy cao nhất vai trò của tổ chức Hội Nhà báo trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục nhà báo nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm báo. Hội cần phải thực sự là “Mái nhà chung” đoàn kết đội ngũ người làm báo Sơn La. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư Trung ương về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”. Làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà báo Sơn La. Kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức Hội, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò của Hội nhà báo trong đời sống xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, khắc phục hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hơn nữa chất lượng ngôn luận trên báo chí, làm cho báo chí sắc sảo hơn trong việc bình luận, phân tích, nhận định, hướng dẫn dư luận xã hội trước những vấn đề mới, vấn đề lớn.
Báo chí Sơn La là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, đồng thời là diễn đàn của nhân dân Sơn La; luôn kịp thời và phản ánh toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh để đưa Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống. Đội ngũ những người làm báo luôn xác định trách nhiệm của mình đồng hành, động viên, cổ vũ những kết quả to lớn của dự án thủy điện Sơn La. Đây là những đóng góp tích cực sức người, sức của của nhân dân trong vùng lòng hồ; sự nỗ lực cố gắng, chung tay góp sức của nhân dân tại các điểm tái định cư. Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của nhân dân, những thành quả, thành tích đó thuộc về nhân dân các dân tộc Sơn La.
Đội ngũ những người làm báo cần đi sâu tuyên truyền những chính sách đặc thù và sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với đời sống người dân ở vùng lòng hồ, các điểm tái định cư vùng cao, biên giới. Khai thác, phản ánh một cách chân thật, hấp dẫn và sâu sắc những gương người tốt, việc tốt. Nêu gương, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến. Phê phán những việc làm chưa tốt, phát hiện, đấu tranh với những phần tử lợi dụng chính sách quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với người dân để trục lợi cá nhân, làm giàu bất chính và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, chấn hưng dân tộc, báo chí cách mạng và người làm báo càng phải ra sức học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng: “Báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: Lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc làm rất cần thiết”..., thắng lợi trên mặt trận báo chí sẽ góp phần quan trọng trong thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!