Sáu mươi năm kể từ mùa thu năm 1959, những thanh niên trí thức miền xuôi đang ở lứa tuổi thanh xuân phơi phới, nghe lời kêu gọi của Bác Hồ, chia tay gia đình, bạn bè, hăng hái tình nguyện lên đường phục vụ sự nghiệp giáo dục miền núi.
Phóng viên Báo Sơn La trò chuyện với các giáo viên năm 59.
Những người giáo viên ấy đã bám bản, bám dân, nỗ lực hết mình, góp phần tạo nên sức bật mới cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng ấy cho đến tận sau này. Chúng tôi may mắn được gặp gỡ với những giáo viên đã từng lấy miền núi làm quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như anh em ruột thịt. Họ đều đã vào tuổi xưa nay hiếm, song những tháng ngày gian khó nhưng tự hào được góp phần mang con chữ đến với đồng bào dân tộc vẫn luôn là kỷ niệm không thể phai mờ.
Người đầu tiên mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện là nhà giáo Trần Quang Tuyến, hiện ông đang sinh sống tại tiểu khu 14, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn). Bước sang tuổi 81, nhưng câu chuyện 60 năm trước được gặp Bác như những thước phim quay chậm, dần tái hiện qua lời kể của ông. Sinh ra và lớn lên tại xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), năm 1959, khi ấy ông đang theo học 1 năm tại Trường sư phạm liên khu III (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam). Nghe lời Bác Hồ kêu gọi thanh niên lên Tây Bắc phục vụ sự nghiệp giáo dục, ông xung phong tham gia ngay. Trước khi lên đường, tất cả thanh niên tập trung tại Trường bổ túc văn hóa công nông Trung ương nghiên cứu, học tập 1 tuần. Tại đây, vinh dự và may mắn, ông được gặp Bác, hình ảnh Người giản dị, gần gũi, cùng những lời căn dặn chân thành “Các cháu đã xung phong lên Tây Bắc thì xung phong đến nơi, đến chốn, phải quyết tâm bền bỉ hoàn thành nhiệm vụ”, là nguồn động lực lớn lao giúp ông luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, gắn bó, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Sơn La. Những ngày đầu lên Sơn La còn bỡ ngỡ, hành trang ông Tuyến mang theo chỉ vài bộ quần áo cũ, dẫu biết miền núi còn nhiều khó khăn nhưng khi viết đơn xung phong lên Sơn La ông ghi rõ “xin đi nơi khó khăn nhất”. Theo phân công, ông về công tác tại xã Pá Lông, một trong những xã vùng cao của huyện Thuận Châu. Lúc này, tại Thuận Châu đã thành lập khu vùng cao, gồm các xã: Pá Lông, Co Tòng, É Tòng, Long Hẹ, Co Mạ. Các giáo viên lên nhận công tác cũng thành lập một tổ vùng cao để sinh hoạt hằng tháng. Lớp học đầu tiên của xã chỉ có 10 học sinh, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Để mở lớp, anh chị em giáo viên phải đến từng gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đi học. Thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thì giáo viên đã huy động nhân dân đóng góp tre, nứa để dựng lớp học, cưa gỗ thành các tấm ván làm bàn, ghế cho học sinh. Cứ như vậy, sau một thời gian, thế hệ nhà giáo các ông đã góp phần đào tạo được những giáo viên người dân tộc tại chỗ; trường sở từng bước được xây dựng, tăng cường. Sau đó, ông Tuyến chuyển về giảng dạy tại Trường THCS Mường Chanh (Mai Sơn), rồi Trường Sư phạm cấp 2 Tây Bắc (nay là Trường Đại học Tây Bắc) và làm Hiệu trưởng Trường THPT Mai Sơn. Ở bất kỳ cương vị nào, nhà giáo Trần Quang Tuyến cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ông tự hào vì mình đã làm đúng những lời Bác dạy.
Người thứ hai mà chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện là ông Nguyễn Xuân Dần, quê gốc ở Hải Phòng, cũng xung phong lên Sơn La năm 1959. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 tại thị trấn Hát Lót (Mai Sơn), ông chậm rãi kể: Ngày đó, tôi vừa được kết nạp Đảng và cũng vừa tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Nhớ mãi trước hôm lên Sơn La, chúng tôi được Bác đến thăm, động viên. Chính những điều Bác dạy đã ghi sâu không chỉ bản thân tôi mà còn cả thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy. Lên Sơn La, những ngày đầu vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng chúng tôi không nản, vẫn từng ngày, từng ngày bám dân, bám bản chiêu sinh. Cái khó nữa là không chỉ các em mù chữ, lại còn không biết tiếng phổ thông. Lúc bấy giờ, Tây Bắc mới giải phóng, mọi thứ đều thiếu thốn, bà con hằng ngày vẫn phải lo ăn từng bữa. Khi đó, tôi được phân công giảng dạy tại xã Bó Mười (Thuận Châu), lớp học có 25 học sinh, học kiến thức từ lớp vỡ lòng đến lớp 3. Trên 1 chiếc bảng được chia thành các phần khác nhau để dạy học sinh trình độ khác nhau. Ngoài dạy kiến thức, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động học sinh thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước; tham gia các hoạt động xã hội; tổ chức lao động giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn...
Ông Dần cũng đã trải qua nhiều vị trí công tác, như: Giảng dạy tại các xã Tông Cọ, Tranh Đấu và Chiềng Bôm (Thuận Châu); công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Trung cấp Nông lâm Sơn La (nay là Trường Cao đẳng Nông lâm Sơn La), Trường bổ túc văn hóa cán bộ khu tự trị Tây Bắc và từ năm 1980 công tác tại Trường cao đẳng sư phạm cấp I Sơn La (nay là Trường Cao đẳng Sơn La) cho đến năm 1990, ông về nghỉ hưu trí.
60 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của những nhà giáo già vẫn tràn đầy niềm tự hào. Bởi họ đã góp phần đem trí tuệ, sức lực của tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng quê hương Sơn La, thắp lên ngọn lửa của lòng hiếu học trong đồng bào các dân tộc. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, sau này trở thành những cán bộ chủ chốt của tỉnh và Trung ương. Bây giờ, Sơn La đã có 285/828 trường đạt chuẩn quốc gia; 12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục THCS mức độ 1... thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của các ông - những nhà giáo năm 59.
Nguyễn Yến - Phan Trang
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!