Những điểm cần chú ý trong Luật Phí, lệ phí

Ngày 25/11/2015, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phí, lệ phí và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, đồng thời bãi bỏ Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10. Đây là một đạo luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý phí, lệ phí.

 

Luật Phí và lệ phí được xây dựng với mục tiêu là thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí, khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí.

Luật Phí, lệ phí gồm 6 chương, 25 điều với một số nội dung thay đổi như sau:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Luật quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước (bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Như vậy, so với Pháp lệnh Phí, lệ phí thì Luật không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.

Danh mục phí, lệ phí: Để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ Phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Trong đó, có một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, theo quy định tại danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật sẽ bao gồm 89 khoản phí, 64 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí, được quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí.    

Về miễn, giảm phí, lệ phí: Các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm: trẻ em; hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác... Đồng thời, để tăng cường phân cấp quản lý phí, lệ phí, Luật Phí, lệ phí đã bổ sung thêm về thẩm quyền miễn, giảm phí, lệ phí như sau: Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật này.

Nội dung quản lý, sử dụng phí, lệ phí: Đã được cụ thể hóa trong Luật và đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi. Cụ thể, luật quy định rõ: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách Nhà nước; trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện, được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước theo quy định sau: Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí cơ quan có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí. Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hằng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu theo quy định của pháp luật. Ngoài những nội dung nêu trên, luật còn quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí, người nộp phí, lệ phí và của các cơ quan Nhà nước về quản lý phí, lệ phí.

Để cụ thể hóa các nội dung của Luật, Chính phủ đã ban hành các Nghị định triển khai thực hiện; Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về từng loại phí và lệ phí; HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết về một số khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền trên địa bàn tỉnh.

Thu Mây (Cục thuế tỉnh)


BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới