Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua (3/8), diễn biến giá phân hóa bao trùm trên thị trường hàng hóa nguyên liệu. Tuy nhiên, lực mua mạnh trên thị trường năng lượng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,46% lên 2.286 điểm, cắt đứt chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục tăng nhẹ, đạt gần 4.200 tỷ đồng.
Mức tăng mạnh của các mặt hàng nhóm năng lượng đã đóng góp chủ yếu vào đà hồi phục của toàn thị trường trong ngày hôm qua với 4 trên 5 mặt hàng đóng cửa ghi nhận lực mua tích cực.
Trong đó, khí tự nhiên dẫn dắt xu hướng với mức tăng 3,55% lên 2,57 USD/MMBtu. Đáng chú ý, 2 mặt hàng dầu thô cũng bất ngờ tăng mạnh trở lại sau 2 phiên suy yếu, ngay trước thềm cuộc họp quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào hôm nay 4/8.
Rủi ro thâm hụt trong nửa cuối năm tiếp tục gia tăng sau những động thái cắt giảm sản lượng mạnh mẽ từ hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Nga và Saudi Arabia ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào hôm nay đã giúp giá dầu đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm qua.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,59% lên mức 81,55 USD/thùng và dầu Brent đóng cửa với mức giá trên 85 USD/thùng, cao hơn 2,33% so với phiên trước đó.
Nguy cơ nguồn cung dầu toàn cầu sụt giảm
Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 9, theo hãng thông tấn nhà nước SPA trích dẫn một nguồn tin chính thức tại Bộ năng lượng. Đồng thời, nguồn tin cho biết thêm rằng kế hoạch có thể được gia hạn hoặc giảm sâu hơn, đánh dấu khả năng thắt chặt thị trường.
Theo đó, sản lượng của Saudi Arabia dự kiến sẽ vào khoảng 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Còn từ phía Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết quốc gia này sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9, sau khi thông báo cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8. Mặc dù Nga không cho biết tháng cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng, nhưng các dữ liệu gần đây cho thấy một vài tín hiệu suy giảm trong hoạt động xuất khẩu dầu từ Nga, từ đó hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu trong phiên.
Cụ thể, trên cơ sở hàng ngày, tổng xuất khẩu các loại dầu Urals, Siberian Light và KEBCO trong tháng 8 tại cảng Novorossiisk của Nga dự kiến sẽ giảm khoảng 3,3% so với tháng 7, theo tính toán của Reuters.
Xuất khẩu dầu từ các cảng lớn khác bao gồm Baltic, Primorsk và Ust-Luga của Nga trong 10 ngày đầu tháng 8 dự kiến sẽ giảm 11% xuống 1,6 triệu tấn từ mức 1,8 triệu tấn trong cùng kỳ tháng 7. Như vậy, xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía Tây đã giảm khoảng 100.000 - 200.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu ổn định và triển vọng giá dầu
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vẫn khá tích cực đã góp phần thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường. Thống kê cho thấy, nhập khẩu dầu thô của châu Á đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 7/2023 do 2 khách hàng lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua một lượng lớn dầu giảm giá của Nga. Tổng cộng 27,92 triệu thùng/ngày đã đến châu Á trong tháng 7, đánh bại mức cao kỷ lục trước đó 27,53 triệu thùng trong tháng 6.
Hiện các chuyên gia đầu ngành dầu mỏ đang cho thấy một số dự báo trái chiều về giá dầu cuối năm nay. Giám đốc điều hành của Tập đoàn Pioneer Natural Resources cho biết, giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng khi liên minh OPEC+ mở rộng cắt giảm sản lượng. Trong khi tỷ phú tiên phong về dầu đá phiến Harold Hamm của Tập đoàn Continental Resources cho rằng giá dầu sẽ kết thúc năm ở mức cao 70 USD hoặc 80 USD/thùng khi nền kinh tế Mỹ và một số quốc gia khác tăng trưởng chậm lại.
MXV nhận định, động thái gia hạn việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia và hạn chế xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 9 cho thấy nỗ lực duy trì giá dầu ở mức cao của các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu. Rủi ro nguồn cung thắt chặt gia tăng có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc vượt qua các vùng giá quan trọng là 86-90 USD/thùng đối với dầu WTI sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh tăng trưởng của các nước tiêu thụ dầu hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, khu vực EU.
Hiện tại đang là mùa tiêu thụ cao điểm của Mỹ, nên giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi bước vào các tháng cuối năm, nhu cầu hạ nhiệt nhiều khả năng sẽ khiến yếu tố cung-cầu cân bằng hơn, đà tăng của giá dầu vì thế cũng sẽ hạn chế hơn giai đoạn hiện tại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!