Ngày 20/3, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Dự Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2022 tăng trung bình 11,6%/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 4.667 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2022. Giai đoạn 2021-2023 đã thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, cấp chủ trương đầu tư mới 5 dự án đầu tư. Giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân trên 8%/năm; năm 2022, giá trị hàng hoá nông sản tham gia xuất khẩu đạt 149,6 triệu USD, chiếm 91,7% giá trị nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu năm 2022.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả. Nhận thức của các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nâng lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giá so sánh) ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2022 đạt 8.358 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021; giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng 5-10%/ha/năm; giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao nhiều hơn 1,5 - 2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Toàn tỉnh công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận về các nội dung: Kết quả rà soát, hoàn thiện các quy hoạch; kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai các nhiệm vụ của Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu đảm bảo hoạt động có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lò Minh Hùng giao Ban cán sự UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Đối với Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Đề án thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao Sơn La; đề án xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, xây dựng, phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...
|
"Thực hiện Nghị quyết 08, Huyện ủy Mộc Châu đề xuất thành lập Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Đề xuất đầu tư triển khai mô hình ứng dụng công nghệ sinh học (theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị). Thực hiện nghiên cứu, chuyển giao quy trình và phát triển các hình thức ứng dụng công nghệ sinh học đối với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn huyện Mộc Châu. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi và xử lý nguồn nước thải; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, giúp nâng cao năng xuất, chất lượng cây trồng".
|
"Thực hiện Nghị quyết 06, 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Mai Sơn đề nghị tỉnh quan tâm bố trí vốn phát triển hạ tầng tại khu công nghiệp. Có chính sách, cơ chế phát triển làng nghề; hỗ trợ đầu tư hạ tầng xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có chính sách thu hút đầu tư để tăng cường hệ thống kỹ thuật phục vụ sản xuất ứng ụng công nghệ cao, như: điện, đường, nước. Quan tâm phát triển dược liệu và cơ sở chế biến dược liệu, coi đây là ngành quan trọng để nâng cao thu nhập cho nhân dân".
|
"Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 06, 08 của Ban Chấp hành, cấp ủy, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, để nông nghiệp phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tuyên truyền về cấp mã số vùng trồng, xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; diện tích nhà lưới, nhà kính. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân theo hướng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản".
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!