Đêm 2/8 đến rạng sáng 3/8, trên địa bàn huyện Mường La có mưa lớn xảy ra, gây ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng của nhân dân. Chia sẻ với người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”; bà con nhân dân đoàn kết, cùng nhau vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống.
Đoàn viên thanh niên và nhân dân bản Hua Nậm, xã Nặm Păm tham gia
làm đường tạm để di chuyển dân và tài sản ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Ảnh: Việt Anh
Ngay khi lũ xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng thiên tai. Dòng suối Nặm Păm lũ cuồn cuộn thành thác dữ, cuốn trôi 2 đầu cầu Nặm Păm, cắt đứt tuyến đường huyết mạch quốc lộ 279D, phá hủy toàn bộ kè đá hai bên, nhiều đoạn bờ bị lũ xói sâu hàm ếch và cuốn trôi nhiều nhà cửa ở dọc bên suối; 4 chiếc ô tô tải trọng tải vài chục tấn cũng bị cuốn trôi. Thiệt hại nặng nhất là xã Nặm Păm, đến cuối chiều ngày 3/8 vẫn bị cô lập. Phóng viên Báo Sơn La theo đoàn công tác của tỉnh, huyện Mường La đi đường vòng bằng xe máy, rồi đi bộ để tiếp cận nhưng chỉ tiếp cận được bản đầu tiên Hua Nậm cũng đã thấy cảnh tượng tan hoang. Qua thông tin từ lãnh đạo xã Nặm Păm: Xã có 3 người bị chết, 8 người mất tích, 100 nhà bị cuốn trôi, riêng bản Huổi Hiếng toàn bộ 43 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn. Theo người dân khu vực thiên tai, đây là cơn đại hồng thủy kinh hoàng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn, gây thiệt hại nghiêm trọng tại xã Chiềng Hoa, Chiềng San, Nặm Păm, thị trấn Ít Ong. Bà Quàng Thị Phách, 85 tuổi, bản Hua Nậm vẫn còn hốt hoảng: Chưa từng thấy trận lũ nào lớn như thế này. Khoảng 12 giờ đêm 2/8, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng lũ giật mình tỉnh dậy, chạy thoát thân lên đồi. Toàn bộ nhà và tài sản đã bị cuốn trôi. Vợ chồng anh Lường Văn Khoanh và chị Đinh Thị Thủy, cùng giáo viên Trường tiểu học và Trung học cơ sở xã Chiềng Ân, trú tại bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong, tích cóp bao nhiêu năm mua được suất đất 200 triệu đồng, vừa xây xong nhà hơn 600 triệu đồng, mới ở gần chục ngày, nay bị lũ cuốn trôi hết cả đất và nhà cùng tài sản. Ôm đứa con nhỏ hơn 2 tuổi, chị Thủy than thở: Khoảng 1 giờ đêm 2/8, nước dâng lên cao, nghe thấy loa cảnh báo lũ, chúng tôi phấp phỏng quan sát lũ ở suối. Nhà tôi cách kè suối gần 200 m, không ngờ lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản của gia đình. Tôi chỉ kịp ôm con và dắt chiếc xe máy ra ngoài. Vợ chồng tôi tích cóp bao nhiêu năm bây giờ đã trắng tay, không còn nơi ở. Các cấp, các ngành của tỉnh, huyện, thị trấn và nhà trường đã đến thăm hỏi, động viên. Nhà trường sắp xếp cho gia đình tôi ở nhờ nhà của giáo viên cùng trường. Còn gia đình anh Sồng A Lanh, bản Búng Quài, xã Chiềng San có 6 người, gồm vợ chồng, 1 con và 3 đứa cháu (anh trai mất nên nuôi các cháu): Khoảng 2 giờ sáng, nghe tiếng lũ lớn, vợ chồng anh giật mình tỉnh dậy ôm con chạy ra ngoài, 3 đứa cháu ngủ giường bên đã bị bùn đất, đá đổ ập lên. Vợ chồng anh chỉ kịp cứu được 2 đứa cháu, còn đứa nhỏ nhất 9 tuổi không cứu nổi, hiện 2 cháu nhỏ bị thương nặng đang cấp cứu trong Bệnh viện Đa khoa huyện.
Huy động các phương tiện vận chuyển người và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng lũ. Ảnh: Huy Ngoan
Theo thông tin của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Mường La, đến 15 giờ ngày 3/8, mưa lũ đã làm 6 người chết, 10 người mất tích, 3 người bị thương; cuốn trôi 144 nhà ở, 44 nhà hư hỏng, 4 ô tô tải đầu kéo và 3 nhà kho chứa vật liệu xây dựng; cuốn trôi điểm trường Tiểu học bản Pá Piệng và Trạm Y tế xã Nặm Păm, thiệt hại 119 ha lúa, 20 ha ao, 121 ha ngô, 23 con trâu, bò, 8 lồng cá, khoảng 800 con gia cầm, 17 con lợn... tổng thiệt hại ước tính 375 tỷ đồng.
Ngay khi xảy ra lũ bão, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư tỉnh ủy và Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, huyện đã trực tiếp đến địa bàn xảy ra thiên tai tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên các hộ dân, gia đình bị thiệt hại. Thành lập Sở chỉ huy ngay tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai, chỉ đạo sát sao công tác khắc phục hậu quả.
Nhân dân sở tại giúp đỡ các gia đình có nhà bị sập do bão lũ tại Thị trấn Ít Ong. Ảnh: Huy Ngoan
Tại huyện Mường La, các đồng chí lãnh đạo huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các thành viên phụ trách cơ sở phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, tránh mưa lũ trên địa bàn huyện. Huy động lực lượng tại chỗ tham gia ứng cứu người và tài sản, nêu cao tinh thần phòng, tránh, ứng phó thiên tai và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Huy động nhân dân, thanh niên trong xã nạo vét đất đá sạt lở tràn vào nhà, mở đường tạm và làm cầu để nhân dân có đường đi tạm. Giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực sạt lở, triển khai bơm thoát lũ tại tiểu khu 5. Huy động lực lượng di chuyển đồ đạc, vận động bà con giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại các cơ sở. Chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Mường La cho biết: Huyện Mường La đã huy động 1.000 người thuộc các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ, cán bộ, công chức giúp các hộ tháo dỡ, di chuyển tài sản đến nơi an toàn; bố trí sắp xếp cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà ở tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện. Huy động máy móc thiết bị, nạo vét đất đá tại các điểm sạt lở bùn, đất; hỗ trợ cho các gia đình bị cuốn trôi nhà 20 triệu đồng/hộ, hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ đối với các hộ phải di dời tháo dỡ nhà ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao; hỗ trợ ban đầu cho các hộ có người mất 5,4 triệu đồng/người; hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương. Chỉ đạo lực lượng y tế sơ cứu người bị thương; tổ chức tiêu độc khử trùng phòng dịch vùng thiên tai. Bố trí lực lượng công an trực tại các nút giao thông để phân luồng, hướng dẫn giao thông. Khắc phục điểm sạt lở bằng các rọ đá.
Các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến địa phương đã có mặt tại nơi xảy ra thiên tai tích cực tham gia công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên bà con. Ngành Điện, Bưu chính viễn thông, Giao thông vận tải... tập trung lực lượng khẩn trương khắc phục, đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông. Lực lượng Công an, Bộ đội huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ trực tiếp xuống khu vực ảnh hưởng giúp đỡ nhân dân di chuyển tài sản, dựng lán tạm nơi ở cho các hộ bị mất nhà cửa.
Đại tá Hoàng Mạnh Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang chỉ đạo lực lượng giúp bà con vùng ảnh hưởng thiên tai, cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lực lượng với 150 cán bộ, chiến sỹ, 150 áo phao, phao bơi, 30 nhà bạt; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường La huy động 30 cán bộ, chiến sỹ và 10 nhà bạt để kịp thời giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn. Đơn vị đã cử 20 cán bộ, chiến sỹ tham gia tìm kiếm cứu nạn trên hồ thủy điện Sơn La.
Trong cơn hoạn nạn, bà con nhân dân đã tích cực tham gia giúp đỡ các gia đình bị nạn di chuyển nhà ở, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Chị Cầm Hoài My, chủ quán cơm tại bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong nói: Gia đình tôi mới chuyển đến đây bán hàng từ tháng 5/2017. Lũ khiến bà con ở bản Chiềng Tè bị ảnh hưởng nặng nề. Từ sáng 3/8, gia đình tôi treo biển phục vụ miễn phí cơm cho bà con tại địa bàn và các lực lượng đến tham gia khắc phục hậu quả.
Thiệt hại do cơn đại hồng thủy gây ra trên địa bàn huyện Mường La rất lớn về người và tài sản. Để khắc phục được hậu quả, trước mắt, cần tập trung các giải pháp chăm lo, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân vùng lũ. Về lâu dài, cần có sự chung tay ủng hộ của cộng đồng và nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, đất ở, đất sản xuất cho nhân dân. Ngay trong ngày, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.
Nhóm P.V
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!