Tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19

Sau 5 tháng triển khai mạnh mẽ các giải pháp, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến giải pháp chuyên môn, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…, cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta đã có những tín hiệu tích cực. Các địa phương từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và cả nước chuẩn bị chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với đại dịch.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ vi-rút trong dịch đường hô hấp cao gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2 - 3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ từ 5 - 7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng, gây khó khăn cho việc phát hiện.

Nếu như ba đợt dịch trước, cả nước chỉ có 2.852 ca mắc thì riêng đợt thứ tư này đã là hơn 805 nghìn ca. Tuy nhiên tỷ lệ dân số Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 155 trên thế giới về tỷ lệ số ca nhiễm/triệu dân.

Tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19  -0Từ sự hiệu quả trong phòng chống dịch nhịp sống hằng ngày của người dân Thủ đô dần trở lại bình thường. Ảnh: ĐĂNG ANH 

Thống kê số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày cho thấy trong tháng 9/2021, cả nước ghi nhận 328.323 ca mắc tại 52 tỉnh, thành phố (tăng 3,9% so với tháng 8). Tuy nhiên trong bảy ngày qua, số ca mắc mới đã giảm xuống dưới 10 nghìn ca/ngày, trong đó hai ngày 2 và 3/10 chỉ ghi nhận 5.477 và 5.367 trường hợp. Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tại tâm dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ nhiễm và tử vong giảm sâu. Đi liền với đó, các vấn đề an sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đợt dịch lần thứ tư tại Việt Nam bắt nguồn từ các ca bệnh nhập cảnh mang theo biến thể Delta, sau hai tuần, đã lan ra 26 tỉnh, thành phố và bùng phát dữ dội ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam. Một số tỉnh, thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh như ở Vĩnh Phúc là nơi ca nhập cảnh bị nhiễm biến thể Delta, có hành trình di chuyển phức tạp, là nguồn lây cho nhiều ổ dịch; tỉnh đã kiểm soát dịch nhanh nhất, chỉ trong một tháng, với 234 ca nhiễm và ba ca tử vong.

Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, dịch bùng phát chủ yếu trong các khu công nghiệp, lan dần ra cộng đồng; sau gần ba tháng, Bắc Giang và Bắc Ninh đã quay lại bình thường mới, mặc dù tiếp tục phát hiện các ca bệnh rải rác nhưng đều kiểm soát được. Đà Nẵng: Dịch bắt nguồn từ các ca nhiễm từ các địa phương khác di chuyển tới Đà Nẵng, bùng phát trong cộng đồng từ giữa tháng 6. Tới nay, trên địa bàn có hơn 5.000 ca nhiễm và 70 ca tử vong. Cũng sau gần 3 tháng, Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh.

Bình Dương là tỉnh có số ca nhiễm/100 nghìn dân cao nhất, nhưng lại có tỷ suất tử vong/ca nhiễm thấp (0,95%), nhờ vào chương trình tiếp cận điều trị sớm để giảm tăng nặng và tử vong, đồng thời do người nhiễm chủ yếu là công nhân còn trẻ tuổi. TP Hồ Chí Minh là địa phương có số ca nhiễm cao nhất (gần 400 nghìn) và tử vong (hơn 15 nghìn) cao nhất trên toàn quốc; tỷ suất tử vong/ca nhiễm cũng cao nhất (3,8%). Tuy nhiên số ca nhiễm, ca nặng và tử vong đang trên đà giảm.

Song song với các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch, công tác điều trị cũng được đẩy mạnh. Nhiều trung tâm hồi sức tích cực được thành lập tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam để tiếp nhận, điều trị cho những trường hợp mắc Covid-19 nặng. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các nhà chuyên môn liên tục cập nhật kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn điều trị để tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, bổ sung các loại thuốc mới vào điều trị.

Trong cập nhật mới nhất ngày 21/9, Bộ Y tế chính thức đưa ra các quy định về thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc kháng vi-rút trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện hai loại thuốc kháng vi-rút là Remdesivir và Molnupiravir đang được sử dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với những chỉ định khác nhau, trong đó, Remdesivir đã được bổ sung vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nặng, thực hiện theo đường tiêm truyền tại các cơ sở y tế. Molnupiravir là thuốc kháng vi-rút được Bộ Y tế cấp phát điều trị miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 qua đường uống. Từ cuối tháng 8, thuốc được sử dụng có kiểm soát đối với những người có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.

Những ngày qua, số người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh đều cao hơn nhiều lần số ca mắc mới. Đến ngày 3/10, số ca khỏi bệnh được công bố là 693.797 trường hợp, chiếm hơn 85% tổng số ca mắc. Báo cáo trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, còn 6.498 bệnh nhân nặng đang điều trị; trung bình số tử vong ghi nhận trong bảy ngày qua là 155 ca/ ngày.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.715 trường hợp, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34 trong số 223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136 trong số 223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm rất cao so với các nước trong khu vực trong giai đoạn tháng 7, tháng 8 nhưng đã giảm mạnh từ nửa cuối tháng 8 đến nay nhờ biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và điều trị sớm.

Mặc dù xuất phát điểm chậm, tỷ lệ người dân được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép tám loại vắc-xin phòng Covid-19 và cả tám loại vắc-xin này đều đã có mặt ở Việt Nam. Tổng số vắc-xin có hợp đồng mua, thỏa thuận viện trợ và tài trợ trong năm 2021 là 189,8 triệu liều, đến nay đã tiếp nhận hơn 61 triệu liều từ nhiều nguồn khác nhau (thương mại, qua cơ chế COVAX và nguồn từ các nước hỗ trợ) và tiến hành phân bổ hơn 56 triệu liều về các địa phương, đơn vị.

 Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm để tăng độ bao phủ vắc-xin. Cập nhật từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 tính đến hết ngày 2/10 là gần 45,2 triệu người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó hơn 10 triệu liều là mũi 2. Riêng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có hơn 90% số người dân từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng 54 triệu liều vắc-xin được nhập về để tiêm phòng cho người dân. Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, mặc dù số ca nhiễm gia tăng trở lại sau khi nới lỏng giãn cách và trở lại bình thường mới, việc tiêm đủ liều vắc-xin giúp duy trì tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp so với trước khi có vắc-xin.

Nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. Đến ngày 1/10, toàn bộ 23 tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện nới lỏng giãn cách, trong đó có: TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị số 18/CT-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/9; 11 tỉnh, thành phố thực hiện theo các chỉ thị 16, 15, 19 theo phân vùng nguy cơ; tám tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn xuống áp dụng Chỉ thị 15 toàn địa bàn; ba tỉnh, thành phố nới lỏng từ áp dụng Chỉ thị 16 xuống áp dụng Chỉ thị 19 toàn địa bàn. Đối với 40 tỉnh, thành phố còn lại, 18 tỉnh đã dỡ bỏ hết khu vực phong tỏa, 18 tỉnh áp dụng các chỉ thị 16, 15, 19 theo phân vùng nguy cơ; một tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 toàn tỉnh và tỉnh không có khu vực phong tỏa trên địa bàn.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 cơ bản đang từng bước kiểm soát nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát. Do vậy các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và thường xuyên xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm, xử trí kịp thời.

Đáng chú ý, các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới được xây dựng trên cơ sở yêu cầu chuyển hướng chiến lược sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” từ tháng 10/2021, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục thực hiện các nguyên tắc trong phòng, chống dịch theo nguyên tắc “4 tại chỗ” đã được kế thừa, đúc kết trong đợt dịch thứ tư: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới