Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đến ngày 20/7 đã vượt mốc 60 nghìn người. Số ca mắc mới vẫn tập trung ở các tỉnh, thành phố phía nam.
Do vậy, bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, tăng tốc bóc tách F0, làm sạch ổ dịch..., các địa phương cần tập trung cho công tác điều trị để giảm tác hại của dịch.
Vấn đề lo ngại nhất của TP Hồ Chí Minh là số ca F0 tiếp tục gia tăng sau 11 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị cũng như mục tiêu giảm số bệnh nhân nặng, hạn chế tử vong. Căn cứ vào yêu cầu, đề nghị cụ thể của TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các địa phương đang tăng cường đội ngũ y, bác sĩ hỗ trợ, nhất là bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Thành phố cũng đã tiếp nhận nhiều ý kiến, đề xuất của các chuyên gia đầu ngành về điều trị, dự phòng, góp phần điều chỉnh, bổ sung vào tổng thể các giải pháp phòng, chống dịch nhằm mục tiêu kéo giảm các ca F0, tăng năng lực điều trị F0 nặng, giảm tử vong và nhiều giải pháp về cách ly, quản lý F1 tại khu cách ly và gia đình.
Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình dịch là hết sức lo ngại. Số ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Ðồng Tháp… vẫn đang tăng cao. Nguy cơ dịch lan rộng giữa các địa phương, vùng lân cận với nhau và lan xa ra các tỉnh phía nam, kể cả các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Bộ. Từ thực tế đó, công thức chống dịch "Phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch và thu dung điều trị" chỉ còn hiệu quả đối với những tỉnh còn tương đối ít, có thể kiểm soát, truy vết những trường hợp liên quan ca bệnh. Nay dịch "nổ như đom đóm" khắp nơi, tỷ lệ truy vết được các ca F1 quá ít… thì công thức cũ không hoàn toàn phù hợp. Việc truy vết chưa cần đặt nặng trong giai đoạn hiện nay mà cần tập trung giảm tác hại của dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để giảm nhẹ thiệt hại do Covid-19, cần tăng cường hệ thống nhân lực; tăng cường trang thiết bị, vật tư y tế, kể cả hệ thống ô-xi, khí nén cho các cơ sở điều trị và tăng khả năng thu dung điều trị ca bệnh nặng. Hiện việc điều trị các ca F0 vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng lên. Tại TP Hồ Chí Minh và Ðồng Tháp, tỷ lệ ca bệnh nặng phải hỗ trợ ô-xi, thở máy chức năng cao, ECMO ngày một nhiều. Tỷ lệ tử vong tại hai địa phương này cũng đang tăng lên, gần tương đương tỷ lệ tử vong trên thế giới. Hy vọng, với những thay đổi về giảm thời gian cách ly F0, F1, cho cách ly F0, F1 tại nhà, test nhanh mẫu gộp ba và sử dụng phác đồ điều trị mới với các thuốc chống đông, kháng thể đơn dòng… sẽ giúp hệ thống điều trị bớt quá tải và giảm gánh nặng cho các khu cách ly.
Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cùng các trang thiết bị khác, vật tư tiêu hao cho kho dự trữ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, chắc chắn số lượng không thể như mong muốn của các địa phương (có địa phương đề xuất mức hỗ trợ trang thiết bị rất lớn). Do đó, các địa phương cần phát huy tinh thần "bốn tại chỗ", không lệ thuộc hoàn toàn vào Trung ương. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hệ thống cơ sở điều trị từ tuyến huyện trở lên cũng phải chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận điều trị người mắc Covid-19. Bộ Y tế cũng lập hai trung tâm điều trị tích cực (ICU) tại Ðồng Nai và Cần Thơ để phục vụ theo khu vực. Do vậy, các tỉnh cần phải liên hệ để hỗ trợ nhau, tránh lãng phí nguồn lực vì hiện nay không có đủ nhân lực để hỗ trợ làm các kỹ thuật cao như ECMO.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang tiếp tục cử các đoàn công tác hỗ trợ các địa phương ứng phó dịch. Trong đợt kiểm tra mới đây, đoàn công tác Bộ Y tế đề nghị tỉnh Ðồng Tháp chuẩn bị nhân lực, vật lực để đáp ứng với từng cấp độ dịch, trong đó mấu chốt nhất là vấn đề điều trị và xét nghiệm. Tỉnh cần đẩy mạnh hơn việc xét nghiệm sàng lọc tại các bệnh viện, các cơ sở kinh doanh thiết yếu, các khu vực chợ đầu mối, các trường hợp về từ vùng dịch… Các cơ sở y tế tăng cường tầm soát phát hiện bệnh nền, phát hiện sớm bội nhiễm (mệt nhiều lên, ho có đờm đục…) để chuyển tuyến điều trị cao hơn…
Do số ca F0 đang gia tăng tại Bình Dương (có thể tăng lên từ 8 đến 10 nghìn trường hợp), Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, Tổ thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương nhanh chóng thành lập và kích hoạt tháp điều trị "ba tầng" và tập trung nguồn lực đúng trọng tâm. Tầng thứ ba, tầng cao nhất trong mạng lưới (thường là Trung tâm hồi sức Covid-19), là nơi sẽ dốc nhiều nguồn vật lực và nhân lực nhất nhằm bảo vệ tối đa người bệnh. Nhân lực ở tầng thứ ba phải là những người có kinh nghiệm điều trị, tinh nhuệ, có thể thiết lập hệ thống thở máy, chạy ECMO… Tại đây, tập trung những bệnh nhân nặng (khoảng 5 đến 10% tổng số người bệnh), do đó ngoài lực lượng bác sĩ tinh nhuệ cần đội ngũ điều dưỡng. Trung bình một người bệnh Covid-19 nặng cần một bác sĩ và ba điều dưỡng để bảo đảm chăm sóc và điều trị 24/24 giờ.
Ngày 20/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch giữa các bệnh viện. Tổ công tác có nhiệm vụ nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 và các bệnh viện điều trị Covid-19; làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh. Mặt khác, tổ công tác kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu nếu có. Hiện công tác điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang thực hiện theo thứ tự bốn tầng với 38 bệnh viện tham gia và hầu hết đã sử dụng gần hết công suất. Cho nên việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối sẽ hỗ trợ cho công tác chuyển viện giữa các bệnh viện được thuận lợi, nhanh chóng và là một nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.
Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, công tác điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hiện đang trôi chảy với ba yếu tố thuận lợi. Trước hết, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thông qua cơ chế mua sắm thiết bị y tế sao cho tiết kiệm và nhanh nhất có thể trên tinh thần công khai, minh bạch. Thứ hai là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, cho mở kho dự trữ phòng, chống dịch của Bộ tại TP Hồ Chí Minh và vận chuyển toàn bộ thiết bị trong kho về bệnh viện. Ðây là giải pháp rất kịp thời trong thời điểm số bệnh nhân nặng đang gia tăng. Bộ Y tế cũng đang vận chuyển trang thiết bị tại nhiều nơi tập hợp tại kho dã chiến của Bộ ở phía nam và giao quyền cho bác sĩ Nguyễn Tri Thức chủ động điều động khi cần thiết. Thứ ba là nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp đang dồn tâm, dồn lực tài trợ các thiết bị vật tư y tế, thuốc, suất ăn hỗ trợ các bệnh viện trong công tác điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức cho biết thêm, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hiện tập hợp nhiều bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện trong thành phố đến bệnh viện trung ương như Chợ Rẫy và đội ngũ bác sĩ từ Thanh Hóa, Hải Phòng… vào hỗ trợ. "Giờ đây chúng tôi đoàn kết thành một khối dốc tâm, hết sức vì sức khỏe nhân dân TP Hồ Chí Minh", bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!