Cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đo lường mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Thời gian qua, các cơ quan, địa phương của tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp nâng cao chỉ số này. Tuy nhiên, thứ hạng chỉ số không ổn định, tính bền vững của các chỉ số thành phần chưa cao, đặt ra yêu cầu cần triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số một cách hiệu quả thực chất và bền vững hơn.

Năm 2021, Chỉ số PAPI tỉnh Sơn La đạt 40,14 điểm, đứng thứ 50/63 tỉnh, thành phố (trước đó, năm 2019 xếp thứ 11/63, năm 2020 xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố). Trong 8 chỉ số nội dung của chỉ số PAPI, tỉnh Sơn La chỉ có 1 chỉ số nội dung tăng hạng, đứng trong nhóm các tỉnh cao nhất cả nước là quản trị môi trường; 1 chỉ số nội dung giữ hạng, đạt nhóm điểm trung bình cao là tham gia của người dân cấp cơ sở. Có đến 6/8 chỉ số nội dung giảm hạng, đứng ở nhóm đạt điểm thấp nhất và giảm điểm so với năm 2020, gồm: Công khai minh bạch trong việc đưa ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử.

             

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Sơn La đi vào hoạt động góp phần phát triển chính quyền điện tử.

             

Bà Cầm Thúy Vân, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Nguyên nhân thứ hạng chỉ số giảm là do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ, thông tin tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công. Ngoài ra, số lượng phiếu điều tra ít, bộ câu hỏi điều tra, khảo sát đối với người dân dài, nội dung phỏng vấn rộng và khó, đối tượng phỏng vấn nhiều thành phần. Trong khi đó, mức độ hiểu biết của người dân còn hạn chế đối với một số nội dung về quản trị điện tử, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn dân cư vùng sâu vùng xa... nên đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chỉ số PAPI của tỉnh.

             

Sự giảm điểm chỉ số PAPI cũng phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan, như: Việc nắm bắt, quan tâm đến chỉ số PAPI trong một bộ phận cán bộ, công chức nhất là cấp xã vẫn còn hạn chế. Một số nơi, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ chưa cao, kết quả giải quyết TTHC chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn tổ chức, cá nhân, để người dân còn phải đi lại nhiều lần. Việc công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều, nhất là công khai, chia sẻ thông tin với người dân về quy hoạch sử dụng đất, công khai các dự án, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân. Tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thấp...

             

Ngay sau khi công bố kết quả chỉ số PAPI năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAPI; khẩn trương xây dựng kế hoạch giữ vững các chỉ số thuộc nhóm điểm cao; khắc phục những chỉ số thuộc nhóm điểm thấp theo chức năng, nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền về các chỉ số nội dung liên quan đến người dân và chính quyền cơ sở.

             

Năm 2021, Thành phố Sơn La là một trong 3 địa phương được chọn khảo sát chỉ số PAPI. Ông Đỗ Mạnh Cường, Trưởng phòng Nội vụ Thành phố, thông tin: Thành phố đã chủ động tuyên truyền tới người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số; tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm khảo sát thực hiện điều tra, phỏng vấn người dân trên địa bàn. Nhìn chung, đợt khảo sát đã đạt được mục tiêu về số lượng mẫu điều tra, bảo đảm tiến độ, tính khách quan.

             

Thời gian qua, Thành phố đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Thành phố tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại với hộ dân thuộc diện GPMB; tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cho thấy vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc giải trình, hướng dẫn của cán bộ, công chức với người dân về chủ trương, chính sách còn hạn chế; dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá của người dân về chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” và “Trách nhiệm giải trình với người dân” chưa thật sự khách quan. Năm 2022, Thành phố đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời cập nhật, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời trên Cổng thông tin điện tử Thành phố, trụ sở UBND cấp xã; thông báo cụ thể kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư để người dân biết, giám sát...

             

Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thuận Châu.

             

Còn tại huyện Thuận Châu, để cải thiện chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công”, huyện thường xuyên thực hiện rà soát, công khai các TTHC; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các thủ tục: Đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng. Chị Lường Thùy Dung, Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho biết: UBND huyện đã phát 255 phiếu đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện, cấp xã để giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức đến giao dịch. Tiếp tục niêm yết số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC. Hàng tháng, đánh giá công chức, viên chức trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; theo dõi, kịp thời chấn chỉnh những hành vi không đúng chuẩn mực, gây phiền hà, sách nhiễu người dân.

             

Với những giải pháp cụ thể, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, nỗ lực phấn đấu cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới