Những bưu tá phát căn cước công dân nơi biên giới

Trong chuyến công tác tại bản vùng cao Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, chúng tôi gặp nhân viên Bưu điện huyện Sốp Cộp cùng chiếc xe máy chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh đang trên đường từ bản Huổi Hịa sang Hua Lạnh. Mặc dù giữa trưa, nắng oi ả nhưng họ vẫn tranh thủ phát nốt số thẻ căn cước công dân còn lại.

Chị Vì Thị Mai, nhân viên Bưu điện huyện và chồng là anh Lường Văn Thoản. Đã hơn hai tháng nay, thương vợ vất vả nên cứ cuối tuần, anh Thoản lại đưa vợ lên các bản vùng cao để phát trả thẻ căn cước công dân. Chị Vì Thị Mai nói: Đường lên các bản vùng cao rất khó khăn, dốc cao, suối sâu, vắng vẻ, nên chồng tôi cố sắp xếp công việc để cùng vợ đi phát thẻ căn cước công dân. Đa số bà con đồng bào Mông ở các bản vùng cao những ngày trong tuần thường đi làm nương đến tối mịt mới về, chỉ có cuối tuần mới ở nhà đông đủ, nên giữa tuần tôi tranh thủ phát thẻ ở những bản vùng thấp, ngày nghỉ thì chồng đưa lên các bản vùng cao. Từ tháng 6 đến nay, tôi đã phát hơn 2.200 thẻ căn cước công dân cho bà con.

           

Nhân viên Bưu điện huyện Sốp Cộp chuyển CCCD cho người dân bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh.

           

Xã Nậm Lạnh có 4 bản vùng cao, gồm: Cang Kéo, Pá Vai, Huổi Hịa, Hua Lạnh, 100% là đồng bào dân tộc Mông, cách trung tâm xã từ 15-20 km, chủ yếu là đường đất, dốc cao, phải mất từ 1 đến 2 giờ mới đến bản, khi gặp trời mưa thì chỉ còn cách đi bộ, mất nửa ngày. Nhanh tay lật giở danh sách giúp vợ phát thẻ căn cước công dân, anh Lường Văn Thoản, chia sẻ: Không yên tâm để vợ đi một mình, nên cuối tuần vợ chồng tôi lại rong ruổi khắp các bản. Có bản đi một lần chưa phát hết, hôm sau lại phải lên. Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng kiểm tra xe, chuẩn bị đồ dùng cần thiết, thực phẩm... để tránh gặp bất trắc trên đường.

           

Việc phát căn cước công dân ở Nậm Lạnh đã khó khăn, ở Mường Lèo, Sam Kha lại khó hơn gấp bội. Anh Lò Văn Thuấn, nhân viên bưu điện xã Mường Lèo, kể: Thường ngày, bà con ở đây đi làm nương từ sáng sớm đến chiều mới về. Vì vậy, chúng tôi phải đợi phát vào lúc chập tối. Các bản nằm cách xa nhau, đi lại rất vất vả, hôm trước, tôi đến phát căn cước công dân ở Pá Khoang, cách trung tâm xã 27 km, quay về được 5 km thì đã nửa đêm, xe lại hỏng nên phải xin ngủ nhờ lán nương.

           

Chị Lò Thị Sen, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Sam Kha, chia sẻ: Sam Kha có 9 bản thì 5 bản chỉ có đường đất, nhỏ hẹp, khó đi. Vì thế, tôi phải nhờ chồng có tay lái cứng chở đi, nhiều hôm xe bị thủng săm, hai vợ chồng dìu nhau 11 giờ đêm mới về đến nhà.

           

Với mục tiêu không để căn cước công dân tồn đọng, có những lúc cao điểm, Bưu điện huyện Sốp Cộp huy động toàn bộ 22 nhân viên, người lao động tăng cường xuống các xã chuyển phát thẻ căn cước công dân. Bà Tòng Thị Hải, Giám đốc Bưu điện huyện Sốp Cộp, cho biết: Khi nhận căn cước công dân từ Công an huyện, bất kể ngày, đêm, ngày nghỉ, chúng tôi đều thực hiện phân loại, chia theo từng xã, bản để kịp phát đến tận tay từng người dân, hoặc nắm lịch họp của các bản thì đến phát cho bà con. Đi một lần không được, thì đi hai lần, rồi ba lần cho đến khi trao tận tay người dân mới yên tâm. Đơn vị cũng khuyến khích nhân viên, người lao động tăng ca, thêm giờ làm việc tất cả các ngày trong tuần để chuyển phát thẻ căn cước công dân đến tay người dân sớm và an toàn nhất.

           

Đến nay, Bưu điện huyện Sốp Cộp đã nhận và chuyển phát được 26.470 thẻ căn cước công dân cho nhân dân, đạt 88,84% số người dân đăng ký sử dụng dịch vụ. Mặc dù đang vào mùa mưa, nhưng những bước chân bưu tá ở Sốp Cộp không ngừng nghỉ, họ đang ngày đêm đưa thẻ căn cước công dân đến với người dân kịp thời, an toàn.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới