Bưu điện văn hóa xã góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn

Thực hiện chủ trương của Bưu điện tỉnh về việc tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các điểm bưu điện - văn hóa xã (BĐ-VHX), những năm qua, Bưu điện huyện Mai Sơn đã xây dựng điểm BĐ-VHX phủ kín ở tất cả 18 xã, giúp người dân khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông tốt hơn, góp phần phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí.

Khách hàng đến giao dịch tại Điểm BĐ-VHX Chiềng Mung (Mai Sơn).

Trên địa bàn huyện Mai Sơn, hầu hết các điểm BĐ-VHX có đủ các trang thiết bị đảm bảo hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng; trở thành điểm cung cấp thông tin văn hoá, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh ở nông thôn; phát hành các ấn phẩm sách phổ biến kiến thức pháp luật, vấn đề giống cây trồng, vật nuôi, kế hoạch hóa gia đình... Ngoài ra, đến điểm BĐ-VHX còn tạo cho bà con thói quen giao tiếp tiếng phổ thông, đẩy mạnh hoạt động giao tiếp thông qua việc sử dụng các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, điện thoại và các dịch vụ mới của Bưu chính - Viễn thông. Hiện nay, nhiều điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn huyện Mai Sơn còn được trang bị Internet phục vụ nhân dân sử dụng tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, pháp luật miễn phí. Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Bưu điện Mai Sơn cho biết: Ngoài số đầu sách, báo được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cấp đến các điểm BĐ-VHX, Bưu điện Mai Sơn còn phối hợp với các ngành chức năng phát động cán bộ, công nhân viên, sinh viên, học sinh trên địa bàn quyên góp và ủng hộ sách báo, tạp chí để chuyển đến các điểm BĐ-VHX, giúp nhân dân và thiếu nhi vùng đặc biệt khó khăn có nhiều sách, báo đọc miễn phí, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống tinh thần cho bà con.

Các điểm BĐ-VHX trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện nay đa phần chuyển sang hoạt động đa dịch vụ, ngoài các dịch vụ bưu chính công ích, chuyển phát thư, báo, hàng hóa... còn phục vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), thu bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân. Đồng thời, kinh doanh một số dịch vụ bán bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm nhân thọ, hàng tiêu dùng... Sau khi triển khai mô hình điểm BĐ-VHX sang hoạt động đa dịch vụ, tăng trưởng doanh thu mạnh qua các năm; nếu năm 2016, doanh thu của tất cả các điểm BĐ-VHX trên địa bàn huyện Mai Sơn chỉ là hơn 1 tỷ đồng, đến năm 2018 đã tăng lên hơn 4,1 tỷ đồng. Thu nhập nhân viên BĐ-VHX được cải thiện rõ rệt, năm 2016 từ mức 1,5 triệu đồng/điểm/tháng, đến nay đã tăng lên 3-6 triệu đồng/điểm/tháng.

Hiện nay, hệ thống điểm BĐ-VHX trên địa bàn huyện Mai Sơn rất hữu ích đối với nhân dân, điển hình tại các xã vùng 3 của huyện là Nà Ớt, Phiêng Cằm, nhân viên giao dịch đã thực hiện thành thạo máy tính, ứng dụng các phần mềm tiện ích vào xử lý công việc nhanh gọn, như: thu – chi only, chuyển tiền only qua tài khoản, theo dõi bưu phẩm đi, đến bằng phần mềm tiện ích, có thể kiểm tra các bưu phẩm đang nằm ở bưu cục nào để sẵn sàng giải đáp cho khách hàng nếu có thắc mắc... những việc làm này, đã giúp người dân đỡ mất thời gian giao dịch.

Chị Hoàng Thị Thảo, nhân viên điểm BĐ-VHX Chiềng Mung (Mai Sơn) cho biết: Nhờ thay đổi cung cách phục vụ và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ, đến nay trung bình mỗi tháng điểm BĐ-VHX Chiềng Mung tiếp đón khoảng 300 lượt người dân đến sử dụng dịch vụ cũng như nhận lương hưu, không còn cảnh chỉ mở cửa cho đúng giờ. Thu nhập cũng được tăng lên đáng kể, giúp tôi yên tâm gắn bó với nghề.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Bưu điện văn hóa xã Chiềng Sung nói: Điểm BĐ-VHX Chiềng Sung đã khẳng định được sự thiết thực, tính đa mục tiêu của loại hình cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, văn hóa gắn với địa bàn nông thôn. Hiện nay, doanh số bình quân của Bưu điện văn hóa xã đạt hơn 40 triệu đồng/tháng, nâng thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao mức độ hưởng thụ về văn hóa và dân trí ở nông thôn.

Để đạt được mục tiêu 100% điểm BĐ-VHX trên địa bàn cung cấp đa dịch vụ, Bưu điện huyện Mai Sơn đang tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các chuyên quản dịch vụ và chuyên quản điểm BĐ-VHX, quy định rõ vai trò và chức năng của chuyên quản dịch vụ, thúc đẩy kinh doanh tại điểm BĐ-VHX. Đồng thời, đề nghị cấp ủy chính quyền quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng mặt bằng xây dựng, sửa chữa các điểm BĐ-VHX; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện tại; tăng cường nghiên cứu, khảo sát thị trường, triển khai các dịch vụ mới phù hợp với điều kiện của từng điểm, từng vùng, nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới