Tổ quốc nơi đầu sóng Kỳ 4: “Đảo ngọc” giữa biển Đông

Sau những hải trình tràn đầy cảm xúc với các cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo Tiên Nữ, Tốc Tan C, Thuyền Chài, An Bang, Tàu HQ 571 thả neo bên đảo Trường Sa Đông khi trời tờ mờ sáng. Khi ánh bình minh hắt lên từ phía chân trời, Trường Sa Đông nổi bật giữa muôn trùng sóng nước như một “Đảo ngọc” bởi sự xanh mát của nhiều bóng cây trồng, minh chứng cho sức sáng tạo, chinh phục thiên nhiên của con người để tạo ra một môi trường sống xanh, sạch, đẹp...

Toàn cảnh đảo Trường Sa Đông.

 

Chiếc xuồng máy chở chúng tôi từ tàu HQ 571 vào đảo, ấn tượng đầu tiên khi bước chân lên đảo Trường Sa Đông là một màu xanh của sự sống với nhiều loại cây khác nhau. Ngoài các loại cây như bàng vuông, bàng ta, cây tra, cây dừa, phong ba, bão táp, từ cột mốc chủ quyền, đến sân trung tâm và từng khu ở, khu làm việc của cán bộ, chiến sĩ, còn rất nhiều loại cây che bóng mát và cả cây ăn trái như dừa, sa kê... Được biết, mỗi năm đảo đều có kế hoạch trồng mới cây xanh. Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, đảo đã triết và trồng mới 185 cây bàng vuông, tra, dừa để tạo màu xanh cho đảo.

Binh nhất Lê Hoàng Hà và Nguyễn Hoàng Dũng ngồi đọc truyện dưới tán bàng dâm mát, thấy chúng tôi liền vồn vã mời ngồi cùng trò chuyện. Rồi các em kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống ở trên đảo. Hà tâm sự: Quê em ở Hải Phòng, em ra đảo mới 3 tháng; việc trồng và chăm sóc cây xanh trên đảo luôn được chúng em quan tâm; chúng em coi cây xanh như người bạn, vừa che nắng, chắn gió bão. Trận bão năm 2017 vừa qua, đảo bị gãy đổ nhiều cây xanh, nhưng ngay sau đó, toàn đơn vị đã phát động phong trào trồng bổ sung các loại cây xanh thay thế. Hiện, các cây mới trồng đang phát triển tốt.

Tìm hiểu được biết, đảo Trường Sa Đông là rạn san hô vòng, cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 260 hải lý. Đảo nằm trên bãi san hô ngập nước, bề mặt san hô không bằng phẳng, nên độ nông sâu thất thường dễ gây nguy hiểm cho tàu ra vào. Đảo có chiều dài khoảng 200m, nơi rộng nhất khoảng 60m. Theo nhiều nguồn tài liệu, Trường Sa Đông là đảo có lớp mùn san hô mỏng, nên chất đất cằn cỗi, rất khó trồng cây xanh. Song nói về hải sản thì ở khu vực này lại khá phong phú về số lượng và chủng loại, như: cá ngừ, hải sâm, rùa biển và nhiều loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao... Có ngư trường thuận lợi về khai thác, nên hàng năm nhiều ngư dân ở các vùng Nam - Trung bộ ra đánh bắt hải sản. Đặc biệt là vài năm gần đây, khi quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp các Âu tàu ở một số đảo lân cận, tạo thuận lợi nơi tránh, trú bão cho tàu được an toàn, đi kèm theo đó là các chính sách quan tâm, ưu đãi cho ngư dân như khám chữa bệnh, cung cấp nước ngọt, sửa chữa tàu hư hỏng không tính tiền, giá bán dầu chỉ tính bằng ở đất liền... nên số lượng tàu ngư dân khai thác ở khu vực này đã tăng lên nhiều lần. Năm 2017, đảo đã hướng dẫn cho 687 lượt tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản ven đảo; giúp đỡ, khám cấp thuốc cho 36 lượt ngư dân; phẫu  thuật cấp cứu 4 ca mổ ruột thừa bảo đảm an toàn.

Cùng với cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan môi trường ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp thì hệ thống điện mặt trời, điện gió, lọc nước cũng để lại ấn tượng rất khó phai mờ khi đặt chân đến Trường Sa Đông. Đây là kết quả từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông nói riêng, quần đảo Trường Sa và biển đảo đất nước nói chung. Trên đảo có các tua bin gió được bố trí xây dựng xung quanh đảo đón gió nhiều hướng để biến thành điện năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Hệ thống điện gió và điện mặt trời được kết nối với Trạm năng lượng Trường Sa Đông. Nguồn điện sinh ra từ năng lượng mặt trời và sức gió được sử dụng trực tiếp cho toàn bộ hoạt động trên đảo.

Sau điện, vấn đề nước ngọt cũng đã được giải quyết. Từ năm 2014,  đảo được trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đơn giản và tiện lợi. Thiết bị này đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả khá tốt. Nguồn nước đầu vào (nước biển) và đầu ra (nước ngọt) đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hiện nay, mỗi giờ thiết bị có thể lọc được 50 lít nước ngọt, hỗ trợ rất tốt nguồn nước sinh hoạt trên đảo. Có điện, có nước, hoạt động phối hợp của các lực lượng trên các đảo diễn ra chặt chẽ và hiệu quả hơn, từ công tác tuyên truyền, dân vận, hậu cần, văn hóa văn nghệ đến hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển... đều thuận lợi.

Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Đông, cho biết:  Trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng này, cuộc sống sinh hoạt của anh em chiến sĩ rất vất vả, vừa thiếu điện lại vừa thiếu nước. Cán bộ, chiến sĩ luôn được quán triệt sử dụng tiết kiệm. Điện thì chủ yếu sử dụng máy nổ, nhưng rất hạn chế. Khi đó, các hoạt động trên đảo bị ảnh hưởng rất lớn. Từ khi chủ động được nguồn điện, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện rất nhiều.

Chia tay với những người chiến sĩ trên đảo Trường Sa đông, chúng tôi càng cảm phục thêm tinh thần và ý chí vượt khó khăn, vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ. Những người lính nơi đây đã và đang xây dựng hòn đảo: mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về đoàn kết quân dân, để Trường Sa Đông trở thành một điểm sáng, một hòn đảo xanh mát trên quần đảo Trường Sa.

(Còn nữa)

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Thể thao -
    Qua 2 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24-11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024, do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chủ trì và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Đồng Xoài, Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức, Tập đoàn Trường Tươi là nhà tài trợ chính của giải, đã diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông; khoảng đêm 25/11 được tăng cường mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ít thay đổi. Thời tiết: Nhiều mây, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trời lạnh, vùng núi cao trời rét.
  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).