“Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Đúng 5h, đang chìm trong giấc ngủ, chúng tôi bị đánh thức bởi khẩu lệnh của chỉ huy tàu. Nghe nói giờ này ngắm bình minh trên biển đẹp lắm, tôi vội cầm máy ảnh chạy lên boong tàu. Cảnh tượng hùng vĩ hiện ra trước mắt, những tia nắng vàng xuyên qua những đám mây, đảo Song Tử Tây dần hiện ra dưới ánh bình minh. Khoảnh khắc yên bình, bức tranh ngày mới độc đáo nơi đảo xa dần hiện.
Đảo Song Tử Tây.
Xuồng CQ chở hàng hóa chuẩn bị rời tàu.
Chụp thêm mấy kiểu ảnh nữa ghi khoảnh khắc bình minh trên biển, tôi quay về phòng để chuẩn bị rời tàu lên đảo. Sau 2 đêm 1 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã rất gần hòn đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa. Trong tôi bỗng trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Trước mắt tôi là đảo, là biển, là trời mà tôi mới chỉ biết đến qua những trang sử, những khúc bi tráng về Trường Sa. 6h30, thủy thủ đoàn bắt đầu hạ 3 chiếc xuồng CQ xuống mặt biển, rồi cần mẫn chuyển hàng hóa cùng đoàn công tác gần 200 người vào đảo. Tất cả anh em phóng viên các cơ quan báo, đài của các tỉnh, thành, trong đó có tôi, được ưu tiên lên đảo trước để tác nghiệp. Xuồng vào gần đảo đã thấy các cán bộ, chiến sỹ và một số nhân dân trên đảo đứng chờ đón. Xuồng cập bến, mọi người ùa tới, người thì cởi giúp áo phao, người thì xách đồ đạc, số khác lại ân cần hỏi thăm sức khỏe sau hải trình dài. Thật cảm động! Những người con của đất liền đang làm nhiệm vụ ở đảo xa nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi. Họ có nước ra cháy nắng, nhưng rắn rỏi và ai nấy luôn nở nụ cười rạng rỡ. Sau những cái bắt tay thật chặt, ấm áp, chúng tôi được dẫn vào thăm đảo. Chính giữa khuôn viên của đảo, sừng sững tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, gợi nhớ hào khí của cha ông thời đi mở mang bờ cõi giữa trùng khơi sóng cả. Cách đó không xa là những “cối xay gió” cao vút vươn ra đón gió biển, rồi chuyển đổi thành năng lượng điện phục vụ sinh hoạt, đời sống trên đảo. Mới sáng sớm, nhưng nắng gió ở đây đã như thiêu, như đốt, vậy mà những cây phong ba - một loại cây chịu được nắng và bão tố của biển - cứ xanh mướt, căng tràn nhựa sống. Dưới bàn tay khéo léo của các chiến sỹ nơi đảo xa, những cây bàng vuông, cây phong ba được trồng theo hàng lối rất đẹp, khiến nhiều nam thanh, nữ tú trong đoàn công tác không quên lấy ngay các loại điện thoại thông minh ra “tác nghiệp”. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn là những vườn rau xanh của bộ đội. Rau ở đây cũng có đủ loại: Rau muống, các loại cải, rau ngót, rau rền, cà pháo... tất cả được chăm sóc, che chắn cẩn thận để những cơn gió biển và ánh nắng thiêu đốt không thể làm hỏng vườn rau...
Giây phút gặp gỡ giữa các chiến sỹ hải quân và cán bộ đoàn công tác.
Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây.
Duyệt binh trên đảo Song Tử Tây
Sau những lời chia sẻ, hỏi thăm ân cần, các thành viên đoàn Sơn La tham gia các hoạt động tặng quà cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Những tủ cấp đông, tivi, máy tính, nhu yếu phẩm; đặc biệt là những chiếc khăn piêu, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc... được chuyển đến tận tay các chiến sỹ. Trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây, anh bảo, so với mấy năm trước, Song Tử Tây bây giờ khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện đáng kể. Điện ở đây chủ yếu sử dụng điện chạy bằng năng lượng gió hoặc pin năng lượng mặt trời. Đảo cũng đã được đầu tư hệ thống máy lọc nước biển, hệ thống bể chứa nước mưa, do đó không còn tình trạng thiếu nước dài ngày như trước kia.
Tôi may mắn gặp được anh Huỳnh Văn Toàn, một ngư dân trên đảo, nói là may mắn bởi chúng tôi chỉ có 2 tiếng đồng hồ để tác nghiệp trên đảo. Anh Toàn chia sẻ: Cũng như nhiều hộ dân trên đảo, chúng tôi được cấp ủy, chính quyền xã đảo luôn quan tâm, cùng với sự hỗ trợ từ đất liền nên cuộc sống rất ổn định; việc chăm sóc sức khỏe, học hành của con em trên đảo cũng thường xuyên được quan tâm. Đảo đã được đầu tư xây dựng âu tàu kiên cố nên có nhiều ngư dân từ đất liền đi đánh cá thường xuyên vào tránh bão, vì thế mà chúng tôi được gặp người thân thường xuyên hơn. Ở đây lâu cũng quen dần, không còn nỗi nhớ đất liền da diết như hồi đầu mới ra. Hằng ngày, ngoài thời gian ra khơi đánh bắt cá; thời gian rảnh, chúng tôi còn tranh thủ trồng rau, chăn nuôi bò, lợn, gia cầm hoặc tham gia các hoạt động đoàn thể, văn hóa văn nghệ, thể thao...
Năng lượng điện gió trên đảo Song Tử Tây
Song Tử Tây có diện tích khoảng 3 ha, lòng đảo trũng, xung quanh cao hơn so với mực nước biển từ 4-6m. Khi đứng trên boong tàu, nhìn từ xa, đảo hệt một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương mênh mông. Màu xanh của cây cối nổi lên giữa màu xanh của biển tạo nên một bức tranh thanh bình, gần gũi. Dường như biển cả đã bao dung, ưu ái cho con người nơi đây vị ngọt ngào, chân chất của đất liền để bù lại những con sóng dữ mỗi khi biển động. Vì thế, quân và dân trên đảo có thể chăn nuôi, trồng được nhiều rau xanh tươi tốt quanh năm. Song Tử Tây là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Đảo có nhiều công trình dân sự, văn hóa tâm linh, như Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa, nhà văn hóa, trường tiểu học, trạm khí tượng thủy văn của Nam Trung Bộ, âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn; đảo còn có một trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu cá ngư dân với giá bán chỉ bằng giá ở đất liền và nước ngọt miễn phí.
Phút chia tay.
Chỉ vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ trên đảo, nhưng chúng tôi cảm nhận sâu sắc cuộc sống của những con người nơi đảo xa nắng gió, tiền tiêu của Tổ quốc. Rời đảo, vẫn những cái bắt tay nhưng chặt hơn, lâu hơn, lưu luyến hơn, bởi không ai muốn nói lời chia tay. Xin chúc tất cả cán bộ, chiến sỹ cùng người dân trên đảo luôn vững vàng và mạnh mẽ như cây phong ba nơi đảo xa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!