3.000 lá cờ Tổ quốc được trao cho ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vươn khơi bám biển. Đồng thời cũng là hành động thiết thực hưởng ứng Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh tế biển và khuyến khích, động viên ngư dân tham gia phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày 28/9, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị liên quan đã tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020" và trao quà cho các ngư dân bám biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Điều này hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng. Song, với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, Chiến dịch năm nay mang ý nghĩa lan tỏa lớn, bởi chính từ đại dịch COVID-19, nhân loại thấm thía hơn bài học phải đối xử tốt hơn với môi trường sống.
Những lá cờ Tổ quốc trao ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu vươn khơi bám biển. (Ảnh: Khương Trung) |
Tại lễ ra quân, Ban Tổ chức đã trao tặng 300 bồn chứa nước ngọt chuyên dùng với dung tích 1.000 lít và 3.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vươn khơi bám biển. Đây là hành động thiết thực hưởng ứng Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời động viên, khuyến khích các ngư dân tham gia phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường biển và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phát biểu tại Lễ ra quân Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Hiện rác thải nhựa chưa được coi là tài nguyên để có phương thức quản lý và sử dụng phù hợp. Rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được sử dụng nhiều và thải ra môi trường, trôi nổi trên các triền sông, suối, vùng biển… gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đã trở thành vấn đề bức xúc.
Nhận thức rõ những vấn đề quan trọng nêu trên, thời gian qua, Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương trên cả nước đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, sản xuất; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, hiện nay Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới. Trong đó có chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phân nhóm các loại chất thải rắn; bổ sung quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, công nghệ xử lý chất thải… nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất thải, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
“Với quyết tâm của toàn xã hội, chúng ta tin tưởng vào một tương lai bền vững hơn khi toàn xã hội đồng lòng thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững trong việc xác định lại giá trị, cách thức sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa. Mong rằng, không chỉ có một ngày hôm nay, mà hàng giờ, hàng ngày, làm sạch môi trường biển là trách nhiệm, là tinh thần tự giác trong mỗi chúng ta, bằng những hành động nhỏ nhất để hạn chế rác thải nhựa”, Thứ trưởng cho biết.
Tại buổi Lễ, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng, đồng thời cũng là thông điệp khẳng định với thế giới về trách nhiệm của Việt Nam nói chung và của Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng trong việc cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tấn Quốc cũng phân tích: Ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nhận thức rõ vấn đề trên, thời gian qua, về phía địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chính sách, ban hành kế hoạch, chương trình hành động kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển, đặc biệt ô nhiễm do sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Với ý nghĩa trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Quốc kêu gọi mỗi cán bộ, chiến sỹ, ngư dân, nông dân và du khách hãy chung tay hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương vì một đại dương xanh, cuộc sống trong lành của mỗi người và cả hành tinh.
Ngay sau Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tấn Quốc cùng các vị đại biểu và người dân Long Điền đã trực tiếp tham gia dọn rác thải làm sạch bãi biển tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!