Kỳ 20: Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

● Quyền bầu cử của các cử tri có giống nhau hay không? ● Những trường hợp nào cử tri chỉ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh? ● Những trường hợp nào cử tri chỉ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện? ● Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp?

Câu 98: Quyền bầu cử của các cử tri có giống nhau hay không?

           

Tùy thuộc thời gian cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể là:

           

- Cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu và cử tri là người đăng ký tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).

           

- Cử tri là người đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện ở nơi mình tạm trú nếu có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại nơi tạm trú.

           

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

           

Câu 99: Những trường hợp nào cử tri chỉ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh?

           

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

           

- Cử tri vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì làm thủ tục để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.

           

- Cử tri thuộc danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu được tổ chức trên địa bàn các quận của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng (nơi tổ chức mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).

           

Câu 100: Những trường hợp nào cử tri chỉ được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện?

           

- Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi mình đang tạm trú.

           

- Cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

           

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú và tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

           

- Người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

           

- Cử tri thuộc danh sách cử tri ở các khu vực bỏ phiếu được tổ chức trên địa bàn thành phố Thủ Đức, địa bàn các quận, thị xã của thành phố Hà Nội (nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân phường).

           

Câu 101: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp?

           

Cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã khi thuộc các trường hợp sau đây:

           

- Cử tri là người thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.

           

- Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên.

           

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ đã làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú.

           

- Người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc và đã làm thủ tục để được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú.

           

Câu 102: Quyền bầu cử của người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện được thực hiện như thế nào?

           

Khoản 5 Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Như vậy, quy định này chỉ áp dụng đối với cử tri là người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

           

Đối với cử tri là người tự nguyện xin vào cai nghiện, chữa trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc bảo đảm thực hiện quyền bầu cử được xác định như đối với cử tri là người tạm trú quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, nếu đến trước ngày bầu cử những cử tri này trở về nơi thường trú thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã. Trường hợp đến ngày bầu cử họ vẫn đang thực hiện việc cai nghiện, chữa trị ở cơ sở cai nghiện, nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử chưa đủ 12 tháng thì những cử tri này được tham gia bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; nếu thời gian từ khi bắt đầu cai nghiện, chữa trị tại cơ sở đến ngày bầu cử là từ đủ 12 tháng trở lên thì họ được tham gia bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở cai nghiện.

           

Câu 103: Cử tri là người di cư tự do, chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa phương thì có quyền tham gia bầu cử đại biểu ở cấp nào?

           

Về nguyên tắc, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Trên thực tế, ở một số địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có một số lượng khá lớn người di cư tự do sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương do nhiều lý do khác nhau (ví dụ như chưa có chỗ ở hợp pháp, chưa hoàn thành thủ tục hành chính hoặc không thực hiện việc đăng ký do không hiểu luật…). Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của cử tri là người di cư tự do, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền cơ bản của công dân, thì theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia từ cuộc bầu cử năm 2016, Ủy ban nhân dân cấp xã cần thông tin cho cử tri trên địa bàn biết về cách thức thực hiện quyền bầu cử và việc lập danh sách cử tri để cử tri quyết định nơi mình đăng ký thực hiện quyền bầu cử (có thể là trở về nơi họ đang đăng ký thường trú hoặc tạm trú). Trường hợp cử tri vẫn có nguyện vọng được thực hiện việc bầu cử tại địa phương nơi họ đang thực tế sinh sống thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên những cử tri này vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng nơi họ đang thực tế sinh sống và thực hiện quyền bầu cử như đối với cử tri là người tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng (do không có cơ sở để xác định thời gian bắt đầu cư trú tại địa phương).

           

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức để cử tri là người di cư tự do chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu của địa phương được xác định trên cơ sở các thôn, bản, cụm dân cư hiện có trên địa bàn.

           

Câu 104: Cử tri đăng ký thường trú ở địa phương nhưng đi lao động, học tập ở địa phương khác nên thường xuyên không có mặt ở nơi thường trú dài ngày thì việc bảo đảm quyền bầu cử cho họ được thực hiện như thế nào?

           

Trường hợp cử tri đã đăng ký thường trú ở địa phương, nếu đã làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì được coi là không thường trú tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi công dân đăng ký thường trú không ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri. Trong trường hợp này, công dân có quyền đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đang tạm trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi tạm trú.

           

Trường hợp cử tri trở về nơi thường trú trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú để đề nghị được bổ sung tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

           

Trường hợp công dân đã đăng ký thường trú ở địa phương nhưng chưa làm thủ tục khai báo tạm vắng trước khi đi lao động, học tập tại địa phương khác thì dù trên thực tế đã vắng mặt dài ngày ở nơi thường trú, Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn phải ghi tên công dân đó vào danh sách cử tri để họ thực hiện quyền bầu cử ở địa phương, trừ trường hợp bản thân cử tri hoặc người thân của cử tri đó đã thông báo nguyện vọng của cử tri về việc không tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Đồng thời cần có có biện pháp thông tin phù hợp để cử tri biết về việc danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử của mình.

           

Câu 105: Cử tri là sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học hoặc là công nhân khu công nghiệp có thể được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu nơi có cơ sở giáo dục hoặc nơi có khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp để tiện cho việc tham gia bỏ phiếu có được không?

           

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định: “Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, về nguyên tắc, cử tri là sinh viên, công nhân cần đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

           

Trường hợp trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là cán bộ, giáo viên, sinh viên, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của khu công nghiệp mà có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường đại học, cao đẳng hoặc khu công nghiệp (để thuận lợi hơn cho công việc và sinh hoạt của bản thân) có quyền xin cấp giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.

           

Câu 106: Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày danh sách cử tri được niêm yết cho đến ngày bỏ phiếu vì các lý do khác nhau thì thực hiện quyền bầu cử ở đâu?

           

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri (ví dụ như đi công tác, đi học, du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thăm thân…) thì có thể xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

           

Trường hợp người đã được ghi tên vào danh sách cử tri ở 01 khu vực bỏ phiếu nhưng gần đến ngày bầu cử được chuyển đi cách ly y tế tập trung ở địa phương khác cho đến hết ngày bầu cử theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và không thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận để đi bỏ phiếu ở nơi khác như đã nêu ở trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động cấp giấy chứng nhận và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để đề nghị bổ sung người này vào danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri mới nhằm giúp họ thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân nơi đã lập danh sách cử tri ban đầu có trách nhiệm cập nhật vào danh sách cử tri cùng dòng với họ và tên của người bị đưa đi cách ly tập trung nội dung ghi chú “bỏ phiếu ở nơi khác do cách ly y tế”.

           

NGUỒN: ỦY BAN BẦU CỬ QUỐC GIA

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
  • 'Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Kinh tế -
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản.