Kỳ 17: Hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

● Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập như thế nào? ● Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thành lập như thế nào? ● Người tham gia làm thành viên Ban bầu cử này có được đồng thời tham gia kiêm nhiệm thành viên Ban bầu cử khác nữa không? ● Ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào? ● Tổ bầu cử được thành lập như thế nào? ● Tổ bầu cử ở đơn vị vũ trang nhân dân được thành lập như thế nào? Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung khu vực bỏ phiếu thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào? ● Việc thành lập Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác được thực hiện như thế nào? ● Ở những đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào? ● Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào? ● Các tổ chức phụ trách bầu cử hoạt động theo nguyên tắc nào?

Câu 64: Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập như thế nào?

           

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử đó.

           

Chậm nhất là ngày 14 tháng 3 năm 2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp phải ra quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội.

           

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9 đến 15 thành viên gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

           

Danh sách Ban bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

           

Câu 65: Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thành lập như thế nào?

           

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp (tỉnh, huyện, xã) được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử đó.

           

Chậm nhất là ngày 14 tháng 3 năm 2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

           

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có từ 9 đến 11 thành viên. Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có từ 7 đến 9 thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

           

Danh sách Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào thì phải được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp với Ủy ban bầu cử đó nhằm bảo đảm thực hiện công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử và kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

           

Câu 66: Người tham gia làm thành viên Ban bầu cử này có được đồng thời tham gia kiêm nhiệm thành viên Ban bầu cử khác nữa không?

           

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ thành phần tham gia các Ban bầu cử phải có đại diện của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tương ứng với từng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan khác.

           

Luật không quy định thành viên của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là thành viên của Ban bầu cử khác mà chỉ có quy định về những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử, trong đó bao gồm các Ban bầu cử (nếu là người thuộc danh sách ứng cử tại đơn vị bầu cử thuộc phạm vi phụ trách của Ban bầu cử đó). Do đó, tùy tình hình nhân sự và thực tiễn của địa phương, các cơ quan nói trên có thể xem xét, phân công người thích hợp tham gia vào các Ban bầu cử, bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định của Luật.

           

Câu 67: Ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?

           

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có chung những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

           

1. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.

           

2. Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.

           

3. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu.

           

4. Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử.

           

5. Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử.

           

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

           

7. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

           

8. Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ủy ban bầu cử cùng cấp.

           

9. Tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

           

Câu 68: Tổ bầu cử được thành lập như thế nào?

           

Tổ bầu cử được thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

           

Chậm nhất là ngày 03 tháng 4 năm 2021 (50 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

           

Câu 69: Tổ bầu cử ở đơn vị vũ trang nhân dân được thành lập như thế nào? Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung khu vực bỏ phiếu thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào?

           

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì chỉ huy đơn vị quyết định thành lập một Tổ bầu cử có từ 5 đến 9 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Danh sách Tổ bầu cử phải được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu vực bỏ phiếu đó và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đơn vị đóng quân.

           

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương tổ chức chung thành một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.

           

Câu 70: Việc thành lập Tổ bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác được thực hiện như thế nào?

           

Ngoài đơn vị vũ trang nhân dân (như đã nêu tại Câu 69), tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác như bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, trại tạm giam (quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân) thì việc thành lập Tổ bầu cử vẫn do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện như đối với các khu vực bỏ phiếu thông thường khác.

           

Câu 71: Ở những đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào?

           

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không được chia thành các đơn vị hành chính cấp xã (ví dụ như tại một số huyện đảo) thì Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

           

Câu 72: Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?

           

Trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

           

1. Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu.

           

2. Bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu.

           

3. Nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từ các Ban bầu cử tương ứng; phát Thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của Tổ bầu cử cho cử tri.

           

4. Thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 22 tháng 5 năm 2021).

           

5. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu.

           

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp và các khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử.

           

7. Kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng.

           

8. Chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu khi kết thúc việc kiểm phiếu.

           

9. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên.

           

10. Thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).

           

Câu 73: Các tổ chức phụ trách bầu cử hoạt động theo nguyên tắc nào?

           

Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

           

Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (bao gồm các Ủy ban bầu cử, các Ban bầu cử, các Tổ bầu cử) hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

           

Các quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia, của các Ủy ban bầu cử ở các đơn vị hành chính được thông qua và thể hiện dưới hình thức nghị quyết.

           

NGUỒN: ỦY BAN BẦU CỬ QUỐC GIA

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.