Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại "gay trăm bề" ?

"Nghị quyết thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề"-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng “lẩy Kiều” như vậy để chỉ ra những khó khăn, yếu kém trong xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Đây chính là vấn đề thực tiễn cấp bách, đòi hỏi Trung ương và mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải dồn sức lãnh đạo, khắc phục, nhằm không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Bài 1: Nghị quyết hay bị “đắp chiếu”

Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, sau 15 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, mới đây, Đảng ta đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là: “Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế”.

Nghị quyết dài dòng, “vòng đời” ra sao?

Theo Quy định số 66-QĐ/TW ngày 6-2-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “Về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng” có 25 loại văn bản của Đảng, bao gồm: Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chiến lược, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định, thông tri, hướng dẫn, thông báo, thông cáo, tuyên bố, lời kêu gọi, báo cáo, kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án, phương án, dự án, tờ trình, công văn, biên bản.

Minh họa: QUANG CƯỜNG 
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Nghị quyết là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể. Nói đến vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng trước hết là nói đến việc xây dựng, ban hành nghị quyết. Kể từ khi Đảng lãnh đạo đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, phần lớn các nghị quyết của Đảng cơ bản được chuẩn bị công phu, chặt chẽ. Nhiều chiến lược, chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng được ban hành cơ bản bám sát thực tiễn cuộc sống, bám sát sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xu hướng phát triển của thế giới và thời đại, từ đó góp phần tạo ra những cú hích, đòn bẩy, từng bước làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà trong một số hội nghị gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von rằng: “Nghị quyết thì thật rằng hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”!

“Nghị quyết hay” thường được hiểu là nghị quyết đúng về mặt văn phong, nội dung chỉn chu. Ở khía cạnh khác, “nghị quyết hay” còn bao hàm cả ý nghĩa chưa hẳn tích cực vì chứa đựng những từ ngữ “kêu như chuông”, mà khi đọc xong ai cũng cảm thấy nhiều câu từ “hay như chim hót”, “ngọt như mía lùi”,  nghe rất “bùi tai” nhưng mục tiêu lại xa rời thực tiễn cuộc sống.

Một trong những lĩnh vực được Đảng ta quan tâm trong khoảng 3 thập niên gần đây là lĩnh vực văn hóa. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ban hành năm 1998 được coi là “Cương lĩnh thứ hai” của Đảng về văn hóa (sau “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo). Tại nghị quyết này, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra những quan điểm rất mới mẻ, rất khoa học về văn hóa, trong đó có quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.

Nếu “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” gói gọn trong khoảng 1.500 chữ thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” dài khoảng 9.800 chữ (dung lượng gấp hơn 6,5 lần). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dù Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII có nhiều luận điểm thể hiện sự đổi mới tư duy lý luận về văn hóa của Đảng, nhưng nghị quyết này cũng bộc lộ tính ôm đồm, nội dung dàn trải khi coi văn hóa bao hàm cả 3 lĩnh vực là giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; hệ thống thông tin đại chúng.

So sánh nêu trên không nhằm mục đích khen-chê, nhưng soi chiếu vào thực tế gần đây cho thấy, tổ chức đảng các cấp ban hành nhiều nghị quyết mới, có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội, thế nhưng các nghị quyết này có không ít nội dung được cho là trùng lắp, nhắc lại ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều nghị quyết có độ dài đến hàng chục trang A4, kết cấu cứng nhắc và tên gọi nghị quyết cũng na ná như nhau. Điều đó mang đến sự trăn trở, băn khoăn về tính khả thi, dễ dẫn đến chồng chéo về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, gây khó cho việc triển khai thực hiện.

Vì sao nhiều chỉ tiêu “không chịu” đi vào cuộc sống?

Một điều đáng suy ngẫm là trong nhiều nghị quyết của Đảng, các quan điểm đưa ra đều rất đúng, rất ý nghĩa, nhưng khi xác định mục tiêu, chỉ tiêu lại không sát và không đạt được trên thực tế. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng (ban hành năm 1996) xác định mục tiêu: Đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt ra mục tiêu như vậy là chủ quan, duy ý chí, vì thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước tư bản phải trải qua hàng trăm năm xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường mới có thể trở thành nước công nghiệp; trong khi Việt Nam khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) từ điểm xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, thấp hơn cả điểm xuất phát của nhiều nước tư bản, thì không thể có chuyện CNH-HĐH “rút ngắn” trong khoảng 25 năm mà trở thành nước công nghiệp được.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), tư duy xây dựng nghị quyết trong “phòng lạnh”, “ngồi ghế sa lông” để xác định phương hướng, xác định mục tiêu là căn nguyên sâu xa khiến một số nghị quyết còn “tràng giang đại hải”, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, nghị quyết rất khó đi vào cuộc sống.

Điển hình cho nghị quyết “vẽ ra” nhiều mục tiêu, giải pháp hay có lẽ phải kể đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ CNH-HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000”, ban hành năm 1996. Một trong những giải pháp đó là: “Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đặc biệt đối với tiền lương. Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Thế nhưng, giải pháp đó vẫn nằm trên giấy và “không chịu”... đi vào cuộc sống suốt 27 năm qua.

Một trong những mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” đặt ra là: “Đến năm 2020, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc”. Nghị quyết đưa ra mục tiêu rất tốt đẹp. Tuy vậy, theo đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay đa số các khu công nghiệp trong cả nước chưa có quy hoạch về xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao của công nhân lao động hầu như chưa có; mức hưởng thụ về văn hóa của đối tượng này rất thấp. Vì thế, năm 2020, giai cấp công nhân chưa thể trở thành đại diện “tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc” như Nghị quyết 20 của Đảng đề ra.

Cũng trong năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%”. Tuy nhiên, theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2020, lực lượng lao động của khu vực nông thôn vẫn chiếm 67% lực lượng lao động xã hội; trong khi đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo mới đạt 24%. Như vậy, cả hai chỉ số mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra đều chưa đạt 50% mục tiêu mà Đảng đã xác định. 

Không chỉ cấp Trung ương mà ở cấp tỉnh cũng vậy. Ví như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2005-2010 xác định đến năm 2010 sẽ xây dựng huyện Bắc Quang trở thành thị xã. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện này chưa thể đáp ứng đủ tiêu chí nên gần 3 nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã trôi qua, mục tiêu đó vẫn chỉ dừng lại trên nghị quyết!

Ở cấp cơ sở, việc đề ra chỉ tiêu chưa sát với thực tế không phải là hiếm. Mới đây, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu trong một số nghị quyết không phù hợp, cho nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví như Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 20-4-2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu về tỷ lệ trung cấp lý luận chính trị đối với cấp ủy viên cấp cơ sở đến năm 2025 đạt 92% là cao so với thực tiễn. Hoặc chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết này về tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia ban thường vụ các cấp đến năm 2025 là khá cao, khó thực hiện do chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Những hệ lụy không thể xem thường

Trên thực tế, có nhiều con số, mục tiêu, giải pháp rất “đẹp”, rất hay được xác định trong nghị quyết lãnh đạo các cấp, nhưng không đi vào cuộc sống, trở thành nghị quyết “treo”, nghị quyết bị “đắp chiếu”, chủ trương “cất tủ” do các chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra theo lối lạc quan “tếu”. Nguyên nhân của thực trạng trên là do những người có trách nhiệm mắc bệnh duy ý chí trong xây dựng nghị quyết. Đó là khi đánh giá tình hình thường chỉ dựa vào một nhóm người có quyền quyết định (ban thường vụ, cấp ủy, ban cán sự đảng, các bộ phận tham mưu giúp việc như cán bộ tổ chức, tuyên giáo, văn phòng cấp ủy...) mà không nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tế, nên ban hành những chủ trương, quyết sách không phù hợp. GS, TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: “Khi đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu cho hay, không sát thực tế thì nghị quyết sẽ sớm trở nên lạc hậu, thậm chí “chết yểu” là tất yếu”.

Theo nhận định của một số chuyên gia văn hóa, nguyên nhân sâu xa của việc ban hành nhiều nghị quyết, nội dung dàn trải, ôm đồm, trau chuốt câu chữ bởi chúng ta chưa thoát khỏi bệnh hình thức, ưa sự chỉn chu, cầu toàn bên ngoài. Điều này ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý văn hóa tiểu nông, thích khoa trương, đôi khi sa vào bệnh lý luận suông, giáo điều.

Nghiêm túc nói ra điều này để thấy rằng, nếu không có thái độ khách quan, nhận thức khoa học và bám sát tình hình thực tiễn để xây dựng, ban hành nghị quyết, đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp, thì không chỉ có cấp vi mô bị “tư duy nhiệm kỳ” chi phối mà đôi khi cấp vĩ mô cũng có thể mắc lỗi “tư duy nhiệm kỳ” trong việc ban hành chủ trương, chính sách. Hệ lụy của vấn đề này được V.I.Lenin chỉ ra: “Đối với một chính đảng vô sản, không có sai lầm nào nguy hiểm hơn là định ra sách lược của mình theo ý muốn chủ quan”. Quả đúng vậy, trong mọi cái sai, cái sai đáng quan ngại nhất là sai về chủ trương, chính sách. Khi “nghị quyết chỉ hay” mà không trúng, không thiết thực với cuộc sống, không đi vào lòng dân, thì nó không những không làm tròn sứ mệnh “soi đường dẫn lối”, mà có thể tạo ra những “góc khuất, điểm mù” làm cản trở tiến trình phát triển của đất nước, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nguy hại hơn nữa, nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục thì có thể làm suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

  “Một số nghị quyết có nội dung còn dàn trải, chưa thể hiện đầy đủ, đúng đắn quy luật vận động khách quan của tình hình thực tế, đặt ra mục tiêu quá cao mà lại chưa xác định nguồn lực, điều kiện để thực hiện. Khi không đưa “thực tiễn cuộc sống vào nghị quyết” thì nghị quyết rất khó đi vào cuộc sống. Đó là biểu hiện áp đặt chủ quan, duy ý chí-một căn bệnh mà chúng ta từng mắc phải trong thời kỳ quan liêu bao cấp, nên rất cần phải khắc phục triệt để” (PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản).

 

Phải có kế hoạch tỉ mỉ, chắc chắn. Xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết phải hết sức thiết thực, không được chủ quan, khô mắc bệnh: “Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

 

(còn nữa)

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Thể thao -
    Qua 2 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24-11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024, do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chủ trì và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Đồng Xoài, Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức, Tập đoàn Trường Tươi là nhà tài trợ chính của giải, đã diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông; khoảng đêm 25/11 được tăng cường mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ít thay đổi. Thời tiết: Nhiều mây, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trời lạnh, vùng núi cao trời rét.
  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).