Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, văn hóa được coi là sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Nhận diện thủ đoạn chống phá
Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi phương thức, thủ đoạn chống phá văn hóa truyền thống, sử dụng không gian mạng để du nhập, cổ xúy cho văn hóa ngoại lai, độc hại; phát tán các tài liệu xuyên tạc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về văn hóa để thực hiện âm mưu thâm độc của chúng.
Các trang mạng phản động đã đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc về công tác bảo tồn văn hóa ở nước ta. Chúng lợi dụng lĩnh vực văn hóa thông qua toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hủy hoại bản sắc, văn hóa của con người, dân tộc Việt Nam. Biểu hiện trong chống phá, như: Chúng xuyên tạc quá khứ, bôi đen lãnh đạo; mị dân, lừa bịp để chúng ta mất cảnh giác, dễ bị cám dỗ, không phân biệt đúng sai, thật giả, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; đưa các loại văn hóa phẩm độc hại, cổ xúy lối sống hưởng lạc, thực dụng, quên quá khứ, bàng quan chính trị, xa rời lý tưởng đối với thế hệ trẻ; mua chuộc cán bộ, móc nối với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng tung tin đồn nhảm, núp dưới chiêu bài “chống tham nhũng”, “bảo vệ tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, đưa ra những lời hứa mị dân làm mất cảnh giác, cả tin của một số người, lôi kéo, kích động những người có tâm trạng bất mãn, những lực lượng xấu trong xã hội để gây bạo loạn lật đổ chính quyền.
Ở các tỉnh miền núi nói chung, Sơn La nói riêng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng lòng tin của nhân dân, chúng có những tổ chức núp bóng đoàn từ thiện đến các xã, bản vùng cao biên giới phát tán các tài liệu, băng đĩa có nội dung xấu độc, thù địch và một số tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản ở nước ngoài có nội dung phản động, chống phá Đảng, Nhà nước; lồng ghép những quan điểm trái chiều, phức tạp để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động nhân dân, gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt khác, chúng còn lợi dụng các trang mạng xã hội, Facebook, blogger và một số báo, đài phương Tây, hệ thống phương tiện truyền thông của lực lượng phản động người Việt lưu vong... để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kêu gọi dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí và cạnh tranh trên lĩnh vực truyền thông, gây nhiễu loạn tư tưởng, mất phương hướng trong đời sống xã hội. Đồng thời, khuyến khích tư tưởng hẹp hòi, tâm lý kỳ thị dân tộc, kêu gọi đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La xây dựng “Vương quốc Mông tự trị”… Ngoài ra, các thế lực thù địch còn tăng cường hoạt động xâm nhập, móc nối, xây dựng nhân tố bên trong để tác động tư tưởng, phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện xâm lăng văn hóa để thúc đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta...
Giữ gìn bản sắc văn hóa, con người Sơn La
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được định hình rõ nét.
Đến nay, tỉnh Sơn La có 89 di tích văn hóa vật thể được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng; gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, những năm qua, đã kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng, theo 7 loại hình, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; nghề thủ công truyền thống; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.
Đồng thời, tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, cuối năm 2021, Sơn La và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái tự hào khi được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới tại tỉnh Sơn La đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa, con người Sơn La. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, nội dung sâu sắc, thiết thực, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2008 - 2022, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều trại sáng tác văn học - nghệ thuật; sáng tác trên 10.000 tác phẩm; trong đó, hơn 300 tác giả, tác phẩm đoạt các giải quốc tế, khu vực, quốc gia, quốc tế, cấp tỉnh, cấp hội.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, với hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên. Đội ngũ văn, nghệ sỹ các dân tộc trong tỉnh, luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, đoàn kết, hăng say nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật. Đến nay, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 12 chi hội và 6 chi hội chuyên ngành của Trung ương sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, với 278 hội viên. Trên địa bàn tỉnh có 2 nghệ nhân nhân dân và 33 nghệ nhân ưu tú. Với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, các các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác các tác phẩm thơ, truyện, tuyên truyền về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chủ trương xây dựng nông thôn mới; gương người tốt việc tốt; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Sơn La đang được bảo tồn và phát huy, khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, tích cực tham gia gìn giữ và phát triển để di sản văn hóa dân tộc sống mãi với thời gian.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Tròn 80 năm qua Đề cương văn hóa năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thảo luận thông qua tại Hội nghị Trung ương Đảng ta vào đầu tháng 2 năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Bản Đề cương chỉ rõ, muốn hoàn thành cách mạng chính trị, Đảng ta phải đồng thời lãnh đạo cách mạng văn hóa; cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện thành công khi Đảng nắm lấy ngọn cờ văn hóa. Những luận điểm cơ bản nêu trong Đề cương đã được thực thi khẩn trương ngay sau khi Đảng ta giành được chính quyền vào tháng 8/1945.
Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập một ngày, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, thông qua sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó có ba nhiệm vụ liên quan văn hóa - đó là diệt giặc dốt; xóa bỏ tệ nạn thuốc phiện và thực hiện chính sách lương - giáo đoàn kết. Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta vừa được 10 tháng, thì ngày 24/11/1946, Bác Hồ đích thân chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc, khẳng định lại những luận điểm trong Đề cương Văn hóa và chỉ rõ những việc cần làm trước mắt với phương châm: “kháng chiến hóa văn hóa” và “văn hóa hóa kháng chiến”.
Nền văn hóa Việt Nam đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc, góp sức khơi thông tư tưởng và nhận thức nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm vượt lên mọi hy sinh gian khó, tạo nên thắng lợi vang dội của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Xuyên suốt các kỳ đại hội Đảng văn hóa luôn được quan tâm đặc biệt. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh: Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Coi trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội. Kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cần tập trung sức nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…
Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, văn hóa truyền thống của dân tộc ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị, hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được khẳng định, được bạn bè thế giới biết đến, tạo động lực cho sự phát triển bền vững ở đất nước Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!