Vạch trần những mưu đồ độc ác

(Tiếp theo và hết) (★)

Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðắk Lắk trao xe đạp tặng học sinh nghèo.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðắk Lắk trao xe đạp tặng học sinh nghèo.

Bài 2: Cảnh giác và chủ động trước âm mưu, thủ đoạn chống phá

Tìm cơ hội để bóp méo, xuyên tạc sự thật, kích động chia rẽ; dùng các chiêu bài tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị bằng những luận điệu nham hiểm, dối trá - đó là những thủ đoạn không có gì mới của các tổ chức phản động lưu vong và những kẻ xấu đang hiện hữu trong các buôn làng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng, bằng sự đấu tranh kiên quyết của nhân dân, nhiều tổ chức của chúng đã bị phá vỡ, nhiều đối tượng đã chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và dựng lên các tổ chức đội lốt để thực hiện mưu đồ là phương thức mà bọn phản động Fulro lưu vong đã và đang sử dụng và chúng coi đây là các chiêu bài hữu hiệu, đắc lợi. Thời kỳ trước, chúng dùng “Tin lành Ðêga” hay “Quỹ người Thượng” để tập hợp lực lượng, kích động tâm lý ly khai, xúi giục, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ gây nên các cuộc bạo loạn và điểm nóng chính trị. Gần đây, vẫn tiếp tục âm mưu thành lập “nhà nước Tây Nguyên tự trị”, chúng lập mới các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo mang tên “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam” rồi “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.

Theo tài liệu do cơ quan công an công bố: Cái gọi là “Tin lành đấng Christ” là một tổ chức do cựu đại tá-Bộ trưởng Ngoại giao Fulro 3 Y Hin Niê đang lưu vong tại Mỹ lập ra. Tổ chức này có trụ sở chính tại bang North Carolina (Mỹ) và chi nhánh ở vài quốc gia khác. Tên trùm Fulro này thông qua tổ chức đội lốt tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động đồng bào tư tưởng ly khai, tự trị nhằm hướng đến mục đích thành lập “nhà nước riêng” và “tôn giáo riêng”.

Vô cùng nguy hiểm là từ nước ngoài, chúng thò nọc độc về Việt Nam và dựng nên các chân rết trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác ở trong nước. Với tinh thần cảnh giác cao độ, đấu tranh tích cực, từ năm 2017 đến nay, chúng ta đã bóc gỡ và xử lý theo pháp luật hàng chục đối tượng cốt cán của tổ chức phản động này. Tuy nhiên, mầm độc của chúng vẫn gieo rắc khắp nơi.

Dù hình thức, tên gọi khác nhau, nhưng bản chất của các tổ chức phản động lưu vong đều giống nhau. Nhóm “Người Thượng vì công lý” cũng là một thí dụ. Tổ chức này do tên Y Phíc Hdok (lưu vong tại Mỹ), Y Quynh Bdăp (lưu vong tại Thái Lan) cùng 15 đối tượng phản động, lưu vong khác nhóm lại. Tại nước ngoài, chúng câu kết với các tổ chức Fulro lưu vong (MHRO, MRO…) và “Ủy ban cứu trợ người vượt biển”-BPSOS.

Thông qua mạng xã hội, các đối tượng tìm cách liên lạc, kích động những người trong nước thiếu hiểu biết, thu thập thông tin sai sự thật nhằm mục đích xuyên tạc, vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào. Chúng đã dùng những thông tin dối trá ấy làm các bản “báo cáo nhân quyền”, “nạn nhân tôn giáo bị đàn áp”,… nhằm phục vụ những âm mưu đen tối.

Dù luận điệu, hành vi của các phần tử chống phá chế độ, chống phá cuộc sống bình yên của miền đất đại ngàn có xảo trá đến đâu thì cũng không thể che đậy được bộ mặt của chúng, bộ mặt của những kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội buôn làng và đồng bào ruột thịt. Rất đáng tiếc, một số tổ chức và cơ quan truyền thông quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam lại tích cực “cổ vũ”, “đồng hành” và bênh vực cho cái xấu, kẻ ác.

Ví như, trong khi nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đang cực lực lên án vụ tấn công khủng bố tại huyện Cư Kuin (Ðắk Lắk) thì một tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại ngày 23/5/2023 đăng bài “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc núi rừng trong lòng tôi”. Nội dung bài viết này cố tình đưa ra những luận điểm xuyên tạc sự thật, như “người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân”; hay “có quá nhiều người sắc tộc ở Tây Nguyên nói họ không được phép thực hành niềm tin tôn giáo họ chọn”.

Hoặc đưa ra góc bình luận bóp méo, đầy tính thù địch rằng: “Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đi ngược lại chính sách đại đoàn kết dân tộc và giờ đây lại còn đổ vấy trách nhiệm về biến cố xả súng ở huyện Cư Kuin”. Tác giả bài viết này còn kích động sự chia rẽ cộng đồng các dân tộc bằng sự xảo ngôn, đánh lái nguy hiểm: Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên “không chịu được sự áp đảo hiện nay bởi sự thống trị của người Việt đến từ đồng bằng”. Hay ở một bài viết khác thì cố tình đưa ra nhận định xuyên tạc rằng: “người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ”…

Với những cách truyền thông sai lệch, bóp méo trên, các bài viết nhằm hướng dư luận của cộng đồng quốc tế về phía bất lợi cho Việt Nam; cố tình khoét sâu mâu thuẫn, tạo sự bất ổn và kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam…

Có thể thấy các thế lực phản động, thù địch luôn rêu rao rằng, đồng bào Tây Nguyên bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, bị đàn áp và bị xóa nhòa bản sắc văn hóa! Thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Hiện thực Tây Nguyên hôm nay với những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, về sự tiến bộ trong vấn đề bảo đảm nhân quyền, sự khởi sắc vượt bậc trong đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu đồng bào là minh chứng rõ ràng và thuyết phục về những đổi thay kỳ diệu trên xứ sở đại ngàn.

 

Ngày xưa, dù sống giữa vùng đất Tây Nguyên với kho tàng tiềm năng giàu có nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số trên miền thượng du này mãi đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Hai cuộc xâm lăng, giày xéo của kẻ thù lên đất nước ta, người Tây Nguyên cũng cùng chung thân phận nô lệ như các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Ðánh Pháp, đuổi Mỹ thành công, nước nhà thống nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thực sự được giải phóng; được làm công dân của một nước độc lập; được phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc anh em.

Từ ngày hết chiến tranh, Ðảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Nhất là từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng vùng Tây Nguyên”, nguồn lực tập trung đầu tư ngày càng cao, từng bước khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa bàn chiến lược này.

Gần đây, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển vùng Tây Nguyên, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn…

Ðường lối nhất quán của Ðảng ta là bảo đảm quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người. Cũng như các dân tộc anh em, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có quyền tự do quyết định vị thế xuất thân, quyền sử dụng ngôn ngữ, khẳng định sự bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thành tựu về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trong nhiều năm qua rất đáng ghi nhận. Ở Tây Nguyên không có sự kỳ thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn, phát huy và lan tỏa các hệ giá trị.

Các đối tượng chống phá rêu rao rằng, chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo. Chúng luôn cáo buộc Nhà nước ta không bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Lập luận của chúng đã cố tình phớt lờ thực tế, xuyên tạc sự thật; dùng xảo ngôn để che đậy những hành vi lợi dụng, đội lốt tôn giáo thực hiện chống phá. Thực tế, Tây Nguyên là một không gian sinh hoạt lý tưởng của các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Theo thống kê, vùng Tây Nguyên là một địa bàn có nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài với tổng số 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Trong đó, Công giáo có trên 1,1 triệu tín đồ, khoảng 1.000 chức sắc, trên 2.500 chức việc và 500 cơ sở thờ tự; Phật giáo có 670.000 tín đồ, khoảng 1.900 chức sắc, 2.800 chức việc và khoảng 570 cơ sở thờ tự. Ðạo Tin lành có khoảng 580.000 tín đồ thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt…

Các cấp ủy và chính quyền ở Tây Nguyên luôn phát huy vai trò, thế mạnh, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Cổ vũ mặt tích cực nhưng chúng ta cũng không dung thứ việc lợi dụng các hoạt động tôn giáo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những kẻ giả hiệu tôn giáo để chống phá cuộc sống bình yên của buôn làng chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quốc gia. Không ai muốn nhớ lại những câu chuyện buồn từng xảy ra và vừa mới xảy ra trên vùng đất tươi đẹp này. Nhưng vì sự phát triển thịnh vượng vùng đại ngàn phía tây Tổ quốc, chúng ta cần phải lưu tâm sâu sắc các sự kiện này như một phần ký ức đáng phải suy nghĩ, những bài học thấm thía và đau lòng. Muốn giữ gìn sự bình yên, Tây Nguyên phải xây dựng cho mình sức mạnh nội sinh, tạo nên nguồn kháng thể mạnh mẽ trước mọi khó khăn, biến động.

Bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư, cấp ủy và chính quyền các tỉnh trong khu vực cần phát huy trí tuệ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; có những điều chỉnh phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp phát triển quê hương và nâng cao đời sống nhân dân, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới