Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân ngày càng được chú trọng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân. Để đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng, các loại hình nghệ thuật được đầu tư bài bản cả về chất và lượng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, một số loại hình nghệ thuật, nổi lên là hoạt động điện ảnh đang bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần được chấn chỉnh kịp thời.
Tháng 9/2022 nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" đã đưa ra lời xin lỗi Giáo sư Michiko - "nàng thơ" một thời của Trịnh Công Sơn - vì khai thác đời tư không xin phép. Trong ảnh: Poster phim "Em và Trịnh". |
Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo (Nghị định số 128). Điểm đáng chú ý của Nghị định số 128 đó là tập trung điều chỉnh những quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh.
Nhằm giúp nhận diện các vi phạm, Nghị định số 128 phân loại thành 6 nhóm, bao gồm: Vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Vi phạm quy định về sản xuất phim; Vi phạm quy định về phát hành phim; Vi phạm quy định về phổ biến phim; Vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ phim, liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim.
Theo đó các vi phạm tương ứng sẽ có những chế tài xử phạt cụ thể, theo hướng nghiêm khắc hơn. Thí dụ các vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (như: xuyên tạc lịch sử dân tộc; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; kích động bạo lực; gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; truyền bá tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội; kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật…) sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trước đó, theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi sản xuất phim có nội dung tiết lộ bí mật đời tư của người khác chỉ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; các hành vi như xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; làm phương hại đến chủ quyền quốc gia; xúc phạm dân tộc; kích động bạo lực; khiêu dâm, đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Đồng thời, theo Nghị định số 128, đơn vị, cá nhân vi phạm có thể phải chịu hình thức phạt bổ sung đó là bị đình chỉ các hoạt động sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh tại Việt Nam từ 1 đến 3 tháng. Đối tượng vi phạm cũng đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo hành vi vi phạm cụ thể như: cải chính thông tin sai sự thật, buộc xin lỗi cá nhân bằng văn bản, buộc tiêu hủy phim hoặc buộc xóa bỏ phim hoặc buộc gỡ bỏ phim trên không gian mạng hoặc buộc loại bỏ nội dung vi phạm trong phim và những vật phẩm liên quan đến phim.
Ngay khi ban hành, Nghị định số 128 đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của dư luận. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động điện ảnh nói riêng và lĩnh vực văn hóa nói chung là cần thiết, giúp ngăn chặn, tiến tới loại bỏ dần các biểu hiện tiêu cực, phản cảm đang có chiều hướng gia tăng.
Thực tế cho thấy những năm qua các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực điện ảnh. Như năm 2019, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà sản xuất bộ phim Ròm, với số tiền phạt là 40 triệu đồng vì nhà sản xuất chưa cắt bớt những cảnh phim quá bạo lực trong phim theo yêu cầu của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện nhưng đã tự ý gửi dự thi Liên hoan phim Busan ở Hàn Quốc.
Đồng thời nhà sản xuất phim phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là hủy tang vật vi phạm (bản phim gửi tham gia liên hoan phim). Trước đó, bộ phim "Bẫy cấp 3" (năm 2012), "Bụi đời Chợ Lớn" (năm 2013) cũng không được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến do có quá nhiều cảnh sex và bạo lực. Tương tự, năm 2019, phim "Vợ ba" đã bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và cấm chiếu vì sử dụng diễn viên chỉ mới 13 tuổi thực hiện các cảnh quay nhạy cảm. Năm 2021, phim "Vị" bị cấm chiếu vì lý do "cảnh nude kéo dài, quay trực diện và không phù hợp với văn hóa của Việt Nam"...
Không chỉ các nhà sản xuất phim trong nước mà các đơn vị nhập khẩu, phát hành phim nước ngoài tại Việt Nam cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu phim có nội dung không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, mô tả sai lệch về xã hội Việt Nam, vi phạm chủ quyền quốc gia, xuyên tạc lịch sử... cũng sẽ bị cắt, hoặc bị từ chối phổ biến.
Đó là điều đã xảy ra với các bộ phim như "Immortals" (Chiến binh bất tử-bị cắt khi phát hành), "The girl with the dragon tattoo" (Cô gái có hình xăm rồng-không chiếu dù đã quảng bá), "The hunger games" (Trò chơi sinh tử-bị từ chối phổ biến dù đã quảng bá), "Operation Red Sea" (Điệp vụ Biển Đỏ-bị rút khỏi rạp sau 10 ngày công chiếu), "Everest: Người tuyết bé nhỏ" (bị dừng chiếu sau 10 ngày ra rạp), hay phim "The Roundup" (Ngoài vòng pháp luật) và "Uncharted" (Thợ săn cổ vật) đều không được phát hành sau khi kiểm duyệt.
Thời gian gần đây, sự phát triển của các nền tảng phát hành phim trực tuyến cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý sai phạm. Nhiều vụ việc nổi cộm thời gian qua khiến dư luận không khỏi bức xúc, yêu cầu có biện pháp và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hiệu quả các sai phạm.
Cụ thể một số phim của nước ngoài phát sóng gần đây đã có những hình ảnh, lời thoại phản ánh không đúng sự thật lịch sử cũng như làm sai lệch về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, xuyên tạc văn hóa dân tộc,... được chiếu, phát công khai trên các nền tảng trực tuyến đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng. Tiêu biểu như các phim "Put Your Head On My Shoulder" (Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta), "Madam Secretary" (Bà Ngoại trưởng), "Pine Gap" phát hành trên nền tảng trực tuyến của Công ty Netflix đã xuất hiện các hình ảnh bản đồ có hình lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông.
Mới đây, bộ phim Little Women (Ba chị em) khởi chiếu trên Netflix từ ngày 3/9/2022 có những tình tiết xuyên tạc lịch sử Việt Nam khiến khán giả phẫn nộ, đòi tẩy chay. Ngay sau khi phát hiện ra các sai phạm, cơ quan chức năng của Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ các bộ phim vi phạm này trên hệ thống dịch vụ tại Việt Nam.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những hành động tương tự đối với các sai phạm trong hoạt động điện ảnh. Cụ thể là cơ quan chức năng của Philippines cũng đã yêu cầu Netflix xóa một số tập của bộ phim "Pine Gap" vì bản đồ được đưa vào bộ phim đã vi phạm chủ quyền của quốc gia này, do đó "không thích hợp để trình chiếu công khai".
Thực tiễn nêu trên cho thấy, cùng với Luật Điện ảnh, Luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, việc ban hành Nghị định số 128 là hết sức cần thiết. Bởi dù là lĩnh vực nào, trong đó bao gồm hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng cần phải trong khuôn khổ pháp luật.
Đó chính là cơ sở quan trọng để bảo đảm các giá trị đích thực được bảo vệ, những sai phạm bị xử lý nghiêm minh. Không cá nhân, tổ chức nào được phép núp bóng sáng tạo nghệ thuật để xuyên tạc về đất nước và con người Việt Nam. Nhiều khán giả vẫn còn nhớ, năm 2017, bộ phim tài liệu "The Vietnam War" (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sản xuất, được trình chiếu tại Mỹ cùng một số quốc gia khác đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, thậm chí đòi tẩy chay do có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Khi đó, trả lời câu hỏi về bộ phim này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sức mạnh, sự đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ, chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước".
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trước đó, Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ từng chia sẻ: "Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…".
Dư luận mong muốn, từ ngày 15/2/2023, khi Nghị định số 128 chính thức có hiệu lực, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo nói chung, và hoạt động điện ảnh nói riêng sẽ được chấn chỉnh kịp thời, các biện pháp xử phạt đủ sức răn đe, ngăn chặn.
Tuy nhiên cần thấy rằng bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phát hiện, ngăn chặn, không tiếp cận, lan tỏa những sản phẩm điện ảnh có nội dung xấu độc là hết sức quan trọng. Bởi với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng xuyên biên giới, sự rà quét của cơ quan chức năng sẽ khó giám sát, phát hiện hết những sai phạm xảy ra.
Những tác phẩm điện ảnh xúc phạm cá nhân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ chế độ,... nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khó lường, nhất là đối với nhận thức của giới trẻ. Do đó đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải phát huy vai trò người thụ hưởng, đồng thời tham gia giám sát, phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa, vi phạm pháp luật. Đó cũng là cách thức hữu hiệu để chính mình và người thân được thưởng thức những sản phẩm điện ảnh có giá trị đích thực, đồng thời góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!