Nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước

Ngay từ những ngày thành lập, Đảng ta đã xác định chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, là một yếu tố mang tính quyết định góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) học nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) học nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc không ngừng được Đảng, Nhà nước ta quan tâm bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đặc biệt trong những năm gần đây các nguyên tắc, vấn đề cơ bản về vấn đề dân tộc tiếp tục được khẳng định và bổ sung nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vừa qua, lợi dụng sự việc một nhóm đối tượng gây mất an ninh trật tự ở Đắk Lắk, các tổ chức, cá nhân chống phá, thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam lập tức khai thác triệt để nhằm vu cáo chính quyền, xuyên tạc các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đáng chú ý, chiêu bài vu cáo “Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền” tiếp tục được các đối tượng chống phá triệt để sử dụng như cho rằng nguyên nhân của vụ việc là do “người dân tộc không khuất phục, không quy thuận người Kinh”, “do căng thẳng sắc tộc, tôn giáo”. Có thể thấy, đây là một trong những chiêu trò quen thuộc của chúng nhằm cố tình xuyên tạc bản chất của vụ việc, hướng lái dư luận theo những ý đồ đen tối.

Trong khi đó, dựa trên những kết quả điều tra thực tế, cơ quan chức năng đã đánh giá đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các đối tượng rất man rợ, mất nhân tính, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.

Lực lượng công an đã có tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố. Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Thông tin về vụ việc đã được công bố kịp thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân chủ động nắm bắt, hiểu rõ bản chất vấn đề, tuyệt đối không tin, nghe theo những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu.

Vụ việc nêu trên một lần nữa cho thấy các thế lực thù địch, phản động luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách dân tộc ở Việt Nam.

Thực tế, nhiều năm qua, mỗi khi xảy ra vấn đề nào có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số thì các đối tượng này đều tìm cách triệt để lợi dụng với mục đích kích động mâu thuẫn, xung đột, làm căng thẳng tình hình, từ đó tìm cách mua chuộc, lôi kéo những người thiếu hiểu biết, bất mãn thực hiện các hành vi chống phá, gây rối theo sự điều hành, dẫn dắt của chúng. Bằng cách này chúng âm mưu tạo ra những mầm mống ly khai, chia rẽ nội bộ từ bên trong, gây bất ổn về chính trị, làm suy yếu chính quyền địa phương.

Thí dụ việc một số đồng bào dân tộc thiểu số do chưa nắm rõ thông tin nên chưa đồng tình với một vài chính sách ở các địa phương, đã được các đối tượng phản động lập tức xuyên tạc thành “chính quyền đàn áp người dân tộc thiểu số, vi phạm quyền tự do tôn giáo, nhân quyền của đồng bào du canh du cư”, nhằm kích động người dân bất hợp tác, chống đối cơ quan chức năng, hủy hoại tài sản của Nhà nước, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh đó các đối tượng chống phá thường xuyên khai thác sự chênh lệch về mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần giữa các vùng miền để khoét sâu những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh từ đó xuyên tạc rằng “Đảng, Nhà nước ta thiếu quan tâm”, “đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”...

Chưa kể, lợi dụng một số yếu kém, sai phạm trong công tác quản lý, điều hành ở một số địa phương, các đối tượng chống phá lập tức lu loa, biến thành vấn đề chính sách dân tộc của Việt Nam là thiếu bình đẳng, không công bằng. Mưu đồ sâu xa là từ việc gây ra những “đốm lửa nhỏ” như vậy các đối tượng chống phá hy vọng sẽ thổi bùng lên thành những “đám cháy” lớn để kích động lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế nhằm “quốc tế hóa” các vấn đề nội bộ, từ đó lật đổ chế độ, cản trở sự phát triển của Việt Nam.

Cần khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về chủ trương, chính sách dân tộc, theo nguyên tắc đã được xác định trong Hiến pháp 2013 đó là: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước (Điều 5).

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước ta còn thường xuyên có những chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, định hướng đối với công tác dân tộc nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc đều bình đẳng, được tôn trọng như nhau, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tiêu biểu có thể kể đến Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta đã ban hành nghị quyết riêng về công tác dân tộc (Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 12/3/2003). Quốc hội đã ban hành các luật khung và luật chuyên ngành nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền cũng như chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thống kê sơ bộ cho thấy từ năm 2010 đến 2022 Chính phủ đã xây dựng, ban hành 118 văn bản chính sách; 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Trong đó có các nhóm chính sách: về giảm nghèo bền vững; giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, miền núi và nhóm chính sách, cơ chế đặc thù về truyền thông và tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật,...

Đáng chú ý, ngày 28/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm kiên trì và nhất quán thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển; phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng.

Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Đảng, Nhà nước, những chính sách dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30/10/2019 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới ghi nhận: công tác dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.

Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét.

Sự nghiệp giáo dục-đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Đảng ta khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, tập trung vào nhóm, hộ nghèo nhất.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm hơn 1,4%/năm. Kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Trong suốt các chặng đường phát triển của đất nước, Đảng ta luôn đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách và biện pháp quan trọng để tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, chú trọng chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, động viên nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Tuy vậy trong quá trình thực hiện có lúc, có nơi vẫn còn một số hạn chế, bất cập, một vài chính sách dân tộc chưa thật sự phát huy hiệu quả, vẫn còn những mâu thuẫn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Từ đây đòi hỏi hệ thống chính quyền cơ sở, các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kịp thời khắc phục những yếu kém, khuyết điểm. Không phủ nhận những hạn chế, nhưng chúng ta cũng kiên quyết phản bác những luận điệu xuyên tạc thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc.

Sự phát triển của đất nước về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện và nâng cao, niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được củng cố... là minh chứng thuyết phục về sự đúng đắn trong những chủ trương chính sách của Đảng ta về công tác dân tộc, tạo nền tảng quan trọng để đất nước tiếp tục vững bước tiến về phía trước.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới