Những năm qua, Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều nước trên thế giới, trong đó có 5 nước là đối tác chiến lược toàn diện gồm Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ. Kết quả này có được từ quá trình xây dựng, bồi đắp dựa trên lòng tin giữa Việt Nam và các nước. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cố tình xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm mục đích phá hoại công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước.
Những ý kiến phiến diện, một chiều
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đã sáng suốt và kịp thời có những thay đổi tư duy về công tác đối ngoại, tạo nền tảng quan trọng giúp công tác đối ngoại có những bước phát triển đột phá. Trong suốt quá trình đó, chúng ta chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [1]. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn chú trọng đưa quan hệ với các nước trên thế giới, khu vực đi vào chiều sâu, ổn định và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tạo sự đan xen lợi ích nhằm củng cố vị thế của nước ta và bảo đảm lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế. Có thể nhận thấy, đây là một thông điệp đối ngoại phù hợp vì việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ tin cậy lẫn nhau góp phần đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định của quan hệ giữa các nước.
Tuy vậy, đi ngược lại chính sách vì lợi ích, quốc gia dân tộc, vẫn còn có những ý kiến cố tình xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm phá hoại công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước. Chúng rêu rao rằng, đối ngoại của Việt Nam là “gió chiều nào theo chiều ấy”, uốn kiểu nào cũng được, từ đó bôi nhọ rằng “ngoại giao cây tre” là không có lập trường, không đáng tin cậy. Với thủ đoạn lợi dụng những phát ngôn, những hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, rồi cắt xén, thêm thắt, bình luận, làm sai lệch nội dung, bản chất vấn đề, cố tình thổi phồng theo hướng kích động chia rẽ “kiểu bắt tay bên này để chống bên kia”, từ đó lấy cớ xuyên tạc, bóp méo đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động thường tìm cách "cường điệu hóa" khi đặt Việt Nam trong mối quan hệ với những cường quốc lớn, từ đó đưa ra quan điểm “khuyên” Việt Nam nên chọn theo nước này, chống nước kia và ngược lại; thậm chí còn “khuyến cáo” Việt Nam nên bỏ chính sách đối ngoại “bốn không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”, xem đây là giải pháp để “bảo toàn chủ quyền lãnh thổ”. Từ đó, cổ súy, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, làm “ngòi nổ” để truyền bá tư tưởng chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị về ngoại giao, gây sự hiểu nhầm đối với người dân trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Gần đây nhất, lợi dụng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (từ ngày 10 đến 11/9/2023), trên một số trang mạng phản động: “Daploisongnui”, “Đài Á Châu tự do”, “Thongluan”, “Baotiengdan”... các thế lực thù địch, phản động lại ra sức đưa ra những luận điệu phiến diện, một chiều. Chúng cho rằng, “Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia”; “Việt Nam đang ngả về phương Tây”; “sẽ có một vận hội mới với phong trào dân chủ ở Việt Nam sau chuyến thăm của Biden”;… Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, lộ rõ âm mưu hòng phá hoại lòng tin, sự tin cậy, của các nước đối với Việt Nam. Thực chất là nhằm hướng đến mục tiêu gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hạ thấp vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tiến tới đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thành công từ việc xây dựng lòng tin trong đối ngoại
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” [2]. “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình” [3]. Nói về lòng tin, sự tin cậy trong quan hệ ngoại giao, Người viết: “Tôi chắc chắn rằng, với thiện ý chung và sự tin cậy lẫn nhau, chúng ta sẽ rất nhanh chóng đi đến một sự thoả thuận có lợi cho cả hai dân tộc chúng ta” [4].
Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới. Ảnh: TL. |
Kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng ta luôn “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” [5]. Đồng thời, tăng cường những biện pháp xây dựng lòng tin với các đối tác. Theo đó, Việt Nam đã từng bước tạo dựng và gia tăng mức độ đan xen lợi ích với các đối tác, nhất là các đối tác lớn, đối tác quan trọng đối với lợi ích an ninh và phát triển của mình. Thực hiện minh bạch hóa chính sách, quy trình hoạch định và triển khai chính sách, trong đó có việc định kỳ công bố Sách Trắng quốc phòng, Sách Xanh ngoại giao, nguyên tắc “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Đồng thời tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế lớn và nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế. Những biện pháp này đã giúp Việt Nam có những đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển của khu vực, thế giới; đồng thời, là cơ sở để các đối tác ngày càng tin tưởng Việt Nam hơn.
Thực tiễn cho thấy, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chiến lược sáng suốt, đúng đắn trong công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố.
Với những chính sách tạo được lòng tin, sự tin cậy đối với các tổ chức và các nước trên thế giới, hiện nay mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện tiếp tục được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, đan xen lợi ích được tăng cường; thúc đẩy ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc). Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Chúng ta được bạn bè quốc tế tin tưởng, tín nhiệm đề cử đăng cai, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025; Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017; Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018…
Những thành tựu đã đạt được cũng như thực tiễn sinh động về hoạt động đối ngoại của Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ đó, củng cố sự tin cậy của các nước đối với Việt Nam; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước./.
Chú thích:
[1] [5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.162; 161.
2] [3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.256; 39.
[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.321.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!