Thực tiễn đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là minh chứng rõ ràng rằng bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng và đối với Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát huy sâu rộng trong thực tế.
Vẫn những “chiêu trò” cũ rích: Nhân danh đổi mới, dân chủ, các thể lực phản động trong nước và quốc tế ra sức cổ súy, hô hào đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng ra vẻ chân thành “khuyên” chúng ta không muốn theo “vết xe đổ” của Liên Xô thì cần phải theo mô hình của phương Tây. Tuy nhiên, từ lý luận cũng như thực tiễn đã cho thấy, đó chỉ là những luận điệu sáo rỗng, ngụy biện của các thành phần chống đối Đảng, Nhà nước ta.
Việc nhận diện đầy đủ và đấu tranh phản bác, thuyết phục, vạch rõ những điểm giả dối, phản cách mạng, phản khoa học trong luận điệu “đa nguyên, đa đảng đồng nghĩa với dân chủ” là vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
Việt Nam không cần thiết phải đa nguyên chính trị
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của toàn thể nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vừa tuân theo quy luật chung, vừa tuân theo quy luật lịch sử đặc thù của Việt Nam, giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Giai đoạn từ 1930-1945, lịch sử Việt Nam chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản chứ không có bất kỳ tổ chức, đảng phái chính trị nào lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến năm 1946, do bối cảnh tình hình chính trị lúc đó, tại Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản, xuất hiện thêm hai đảng khác là Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng Minh Hội.
Tuy nhiên, về thực chất lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản, còn hai đảng Việt Quốc và Việt Cách “theo đuôi Tưởng” không hề đứng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng ra đi theo quân Tưởng, trên vũ đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự xuất hiện và rút lui của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc cho thấy: Chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân đã bị lịch sử đào thải.
Thời kỳ sau đó, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Thật vậy, Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng, nhưng chính lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ định chế độ đó.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả được lịch sử giao phó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ nevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối vào ngày 30/4/1975. Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (từ 1986 đến nay) đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ngay từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trung thành với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đây là sự lựa chọn của lịch sử.
Thực tế đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Dân chủ không phụ thuộc số lượng các đảng chính trị
Thực tiễn đã chứng minh, dân chủ hay không dân chủ hoàn toàn không phụ thuộc số lượng đảng trong một nước, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mà tất cả phụ thuộc vào chế độ chính trị, cơ chế hoạt động, trình độ, năng lực, bản lĩnh của Đảng cầm quyền, trình độ dân trí và dân chủ của xã hội.
Điển hình như hiện nay, Armenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng... nhưng rõ ràng chúng ta không thể kết luận Armenia dân chủ hơn Hà Lan hay Na Uy. Trên thế giới hiện nay có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng. Điều đó cho thấy rằng, chế độ chính trị do một đảng cầm quyền không phải là đặc điểm chỉ có ở các nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo và không phải các nước theo chế độ một đảng không bảo đảm dân chủ, đất nước không phát triển.
Ngay trong chủ nghĩa tư bản, có những thời kỳ, một số quốc gia và vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển mạnh mẽ. Điển hình như vào cuối những năm 1980, Singapore, Hàn Quốc... vẫn theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng đất nước vẫn phát triển mạnh mẽ và ngược lại, ở một số quốc gia đa đảng vẫn không thực hiện tốt dân chủ.
Đồng thời, trong hệ thống chính trị đa đảng, tại một giai đoạn chính trị nhất định cũng chỉ có một đảng thực chất cầm quyền và thậm chí ngay cả trường hợp khi liên minh đảng cầm quyền để thành lập chính phủ, đảng nào chiếm số ghế nhiều hơn trong nghị viện sẽ có quyền quyết định trong các chính sách phát triển của đất nước.
Ở một số quốc gia khác (điển hình là Mỹ), mặc dù có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ. Những đảng này đại diện cho giai cấp tư sản thì tất yếu phải hướng đến phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản chứ không thể là một “chính quyền của tất cả mọi người”.
Nhìn ra thế giới sẽ thấy nhiều nước theo chế độ đa đảng nhưng dân chủ cực kỳ hạn chế, nội chiến triền miên, đời sống nhân dân ngày một khánh kiệt. Trong khi đó nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất cầm quyền đã được sống tự do trong hòa bình và một nền chính trị ổn định hàng đầu thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại cho nhân dân những quyền cơ bản và quan trọng nhất. Đó là quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu hợp pháp, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương, xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các bản sắc văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người... Vì sao vậy? Vì Đảng Cộng sản Việt Nam, chính Đảng cầm quyền ở Việt Nam như Hồ Chí Minh đã khẳng định và căn dặn: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”.
Chúng ta cũng không phủ nhận rằng, tình trạng vi phạm dân chủ hay dân chủ hình thức còn diễn ra không ít nơi. Song tình trạng đó không bắt nguồn từ bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ chế độ một đảng cầm quyền, mà trước hết do sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức và những sơ hở, thiếu đồng bộ của cơ chế, chính sách, cùng những hạn chế trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Những khiếm khuyết đó đã đi ngược lại bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, trái với bản chất của Đảng.
Tuy nhiên, Đảng ta không giấu giếm thực trạng này mà thẳng thắn thừa nhận trong các văn kiện, nghị quyết của mình, trước nhân dân, đồng thời quyết tâm khắc phục cho bằng được. Hàng loạt các nghị quyết chuyên đề và hành động quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng những nhiệm kỳ gần đây đã nói lên điều đó.
Một đảng duy nhất, cầm quyền vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ trong xã hội
Số lượng các chính đảng, mà nhiều người hay lấy đó làm tiêu chí để xác định xã hội đó có đa nguyên chính trị, dân chủ hay không, không ảnh hưởng gì tới nền dân chủ của một xã hội. Việt Nam hiện nay đang thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang hội nhập ngày càng sâu và đầy đủ hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Với tình hình đó, ở Việt Nam đang có nhiều thành phần kinh tế khác nhau, tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của công dân, tôn trọng quyền con người, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,... Tất cả những điều đó đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được thể chế hóa trong các luật.
Trong xã hội Việt Nam, đã có nhiều ý kiến khác nhau, có tư tưởng phong phú, nhưng đều có chung một véctơ lực để phát triển; số bị lạc chiều véctơ lực là có, nhưng điều này không phản ánh bản chất của chế độ chính trị. Nếu hiểu đa nguyên chính trị là trong xã hội phải có nhiều ý kiến chính trị đối lập nhau và với xu hướng đối lập nhau thì không nhất thiết đa nguyên chính trị theo nghĩa đó.
Ở Việt Nam hiện nay không có đa nguyên chính trị và không có đa đảng đối lập, nhưng xã hội Việt Nam là xã hội đa dạng của các luồng tư tưởng, các luồng ý kiến, thậm chí có cả những luồng ý kiến khác nhau. Việt Nam chấp nhận những ý kiến khác biệt, miễn là những ý kiến và hành động đó với động cơ trong sáng, với cái tâm lành, không trái với hiến pháp và pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục của xã hội Việt Nam và của từng cộng đồng người. Dân chủ gắn liền với thiết chế nhà nước và các định quyền của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm phù hợp nhất đối với Việt Nam: Dân chủ có nghĩa là nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ.
Một đảng duy nhất trong xã hội mà đảng ấy là đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay sẽ là một đảng lãnh đạo để bảo đảm và phát huy dân chủ cho toàn xã hội. Đương nhiên, để làm được điều này thì cần có chất lượng của đảng cầm quyền.
Thực tế trong thế giới hiện nay, có một số nước có nhiều đảng chính trị, nhưng chưa thực sự có dân chủ, thậm chí có lúc tranh giành quyền lực làm cho xã hội có lúc bị rối loạn, mất ổn định chính trị và điều này thì lại làm cho nhịp độ phát triển của dân tộc bị chậm chạp. Lại có quốc gia - dân tộc có nhiều đảng, nhưng thực tế và về bản chất thì chỉ như có một đảng mà thôi, vì các đảng đó tuy khác nhau về tên gọi và cương lĩnh cũng có vẻ khác nhau, nhưng bản chất giống nhau bởi vì các đảng đó cùng bảo vệ quyền lợi cho cùng một giai cấp, cho cùng một cộng đồng, có khi chỉ khác nhau ở phương thức hoạt động mà thôi.
Dân chủ ở Việt Nam - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Thế và lực của đất nước không ngừng tăng lên. Nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, chỉ còn khoảng dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều); diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều đổi mới. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Tháng 6/2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngày 1/1/2020, Việt Nam cùng lúc đảm đương đồng thời hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai vị trí quan trọng này đem đến những trọng trách mang tính khu vực và quốc tế, thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn lao của bạn bè quốc tế vào Việt Nam.
Đặc biệt, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra có lẽ là minh chứng cho những cam kết của Chính phủ về một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Nó cũng đã chứng minh một cách thuyết phục bản chất nhân văn, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân đã lựa chọn.
Tuy Việt Nam chúng ta còn nghèo, nguồn lực còn hạn chế, nhưng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Chính phủ đã tuyên bố: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và sẵn sàng “chấp nhận hy sinh, thiệt hại về kinh tế để bảo vệ người dân”. Nhiều chuyên gia, học giả và người nước ngoài sống tại Việt Nam đã đánh giá cao chiến lược chống dịch Covid-19 của Việt Nam, coi đây là mô hình tham khảo cho các nước khác. Trong đó có những đúc kết về điều có thể học hỏi gì từ Việt Nam: Covid-19 là một phép thử chưa từng có tiền lệ về năng lực nhà nước trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia có khả năng bảo vệ hạnh phúc của công dân. Một trong những yếu tố quyết định chủ chốt của một quốc gia để giảm thiểu bùng phát đại dịch là thông qua huy động rộng rãi các thành phần khác nhau trong xã hội để đối phó với khủng hoảng. Đó là về mức độ mà nhà nước có thể điều phối một cách hiệu quả... Thật tự hào và vinh quang hai chữ Việt Nam.
Điểm qua những thành tựu của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có thể khẳng định rằng, được trang bị bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin theo, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ thắng lợi trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, mà cả trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên bước đường đi lên của dân tộc Việt Nam là không thể thay thế.
93 năm qua là giai đoạn đặc biệt của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là thời gian mà đất nước và dân tộc vượt qua nhiều thách thức, có lúc hiểm nghèo. Mỗi lần vượt qua thách thức, Đảng và dân tộc ta lại trưởng thành, vươn lên tạo dựng những mốc son mới. Những mốc son chói ngời đó chứng minh rõ tài năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng duy nhất có đủ uy tín, năng lực, bản lĩnh để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Việt Nam hiện nay không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng. Đây là quyết định sáng suốt, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, vừa phản ánh bản lĩnh chính trị cũng như trí tuệ sáng suốt của Nhân dân Việt Nam mà Đảng Cộng sản đã nắm bắt, đại diện được.
Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên cường vượt qua những thử thách của lịch sử, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân, luôn biết tự đổi mới, tự chỉnh đốn, luôn đủ sức đảm đương vai trò là lãnh tụ chính trị của xã hội, của dân chủ mà không phải một lực lượng nào khác. Thực tế đó không ai có thể phủ nhận được!
* Tài liệu tham khảo
1. Phan Dương, Dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng, https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/dan-chu-khong-dong-nghia-voi-da-nguyen-da-dang-i639408/
2. Mai Yến Nga, Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Mạch Quang Thắng, Mối quan hệ giữa đa nguyên chính trị và dân chủ, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/3510-moi-quan-he-giua-da-nguyen-chinh-tri-va-dan-chu.html
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!