Đảng trong trái tim tôi

Đó là những suy nghĩ, lời tri ân, sự tin yêu của đảng viên Giàng Khánh Ly – Nghệ nhân ưu tú dân tộc Mông, tại tiểu khu 2, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, với Đảng, với Bác Hồ. Với 34 tuổi Đảng, trải qua nhiều vị trí công tác, nay đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn ra sức cống hiến vì Đảng, vì dân, nguyện trung thành với Đảng, với chế độ bằng những hành động, lời nói và bằng chính bài viết “Đảng trong trái tim tôi”, đạt giải C Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022.

Bà Giàng Khánh Ly nhận giải C Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022

Theo ánh sáng của Đảng

Bà Giàng Khánh Ly sinh năm 1960 tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Những lời tự sự qua bài viết “Đảng trong trái tim tôi” thật sự xúc động: 6 tuổi, tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với anh trai và chị dâu. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in, khi đó cán bộ của Đảng đã mang cho tôi những bát gạo, những chiếc áo ấm,… để chống chọi với cái rét sương muối mùa đông quê tôi như cắt da cắt thịt. Thời đó, tôi có người chị họ công tác ở tỉnh. Thi thoảng chị về tết Mông. Tôi có nghe chị kể rằng: “Đảng tốt lắm. Bác Hồ tốt lắm. Người Kinh tốt lắm”. Khi ấy dù còn rất nhỏ, tôi đã khát khao được đi đến nơi có Đảng, có Bác Hồ, có người Kinh ấy. Tôi muốn thoát khỏi nơi sương mù dày đặc, tăm tối như không có ánh mặt trời. Mãi sau này khi trốn nhà được đi học, được đến với thầy cô giáo, bạn bè, đến với ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ, tôi thấy cuộc sống của mình như sang một trang mới và có ý nghĩa hơn. Được sống trong tình yêu thương của Đảng, của thầy cô, bạn bè, tôi thấy hạnh phúc vô cùng.

Khi học đến lớp 8 hệ 10/10 ở Thuận Châu, Khánh Ly về nghỉ hè thì gia đình ép gả chồng cho một người chưa hề quen biết. Bao nhiêu mơ ước, dự định của cô học trò bỗng chốc bị dập tắt bởi những trói buộc từ hủ tục của dòng tộc. Cô nhiều lần trốn, thậm chí có lần tự tử nhưng không thành vì luôn có người nhà chồng canh bên cạnh. Tưởng chừng rơi vào vòng luẩn quẩn như bao phụ nữ dân tộc Mông cùng thời: Tảo hôn - cam chịu - lạc hậu - nghèo đói, thì cô gái Khánh ly luôn tìm cách thoát ra, đó là tích cực hoạt động phong trào ở xã, bản, trở thành nhân tố tích cực ở địa phương. Chính từ phong trào xóa mù chữ, năm 1980, lãnh đạo xã, trường học đặt vấn đề, giao nhiệm vụ cho cô lên mở lớp ở bản Lũng Xá xa xôi nhất, đường khó khăn nhất xã. Cô kiên trì đến từng nhà vận động cho con ra lớp học chữ, ban đầu lèo tèo vài em một lớp, sau nhân lên thành 3 lớp ghép. Nhận thấy Khánh Ly có tố chất trở thành giáo viên, lãnh đạo nhà trường tin tưởng cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học.

Với niềm tin yêu Đảng, nỗ lực phấn đấu rèn luyện, con đường của cô gái dân tộc Mông vào Đảng như đến với lẽ sống, niềm tin, hướng về tươi sáng. Bà tâm sự: Ngày 20/12/1989 là dấu mốc quan trọng nhất đời tôi, khi được kết nạp Đảng tại Đảng ủy xã Lóng Luông, thỏa mơ ước, khát khao từ nhỏ. Dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc, tôi nguyện một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu.

Giữ lời thề với Đảng

Vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, chị Khánh Ly càng thêm động lực vươn lên, hoàn thành chương trình phổ thông, được tín nhiệm làm Hội phó Hội Phụ nữ xã, tiếp đó là Hội trưởng (sau này gọi là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã), Hiệu phó Trường PTCS xã Lóng Luông. Sáng đi dạy học, chiều đi làm nương, tối đi đến các bản gây dựng phong trào Hội Phụ nữ phát triển. Khánh Ly vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác hội, góp phần thực hiện tốt các mặt công tác do Chính phủ chỉ đạo ở địa phương từ năm 1990-1994; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích đóng góp cho phong trào phụ nữ tỉnh Sơn La 5 năm 1992-1996.

Với những thành tích nổi bật ở cơ sở, đến năm 1999, cô được chuyển lên huyện công tác, làm chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy; rồi được bổ nhiệm Phó ban Dân vận Huyện ủy; rồi Phó Chủ tịch UBND huyện từ năm 2009 đến 2015 nghỉ hưu. Phát huy tinh thần người đảng viên, bà nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2010, bà vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua tỉnh Sơn La, đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2011 đến năm 2013.

Hồi kể thời thanh xuân sôi nổi, bà chia sẻ: Tôi luôn được Đảng quan tâm thông qua các đồng chí lãnh đạo ở địa phương. Tôi được đi học đại học, học trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, được lãnh đạo địa phương phân công ở nhiều vị trí khác nhau. Dù ở vị trí nào, lĩnh vực nào, hay những khó khăn, thử thách nào chăng nữa thì tôi vẫn chưa bao giờ quên công ơn trời biển của Đảng, của Bác Hồ, của thầy cô, các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ đã thay mặt Đảng chăm lo cho tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Bà Giàng Khánh Ly trao giấy khen của Hội Khuyến học huyện cho các học viên lớp xóa tái mù chữ ở bản Tà Số 1 và 2

Khởi đầu là cô giáo cắm bản, về hưu bà lại có duyên với sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài, nay là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Bà cùng Hội Khuyến học có nhiều đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình khuyến học hiệu quả, như: “Ao cá khuyến học”, “Vườn cam khuyến học”, “Đàn gà khuyến học”, “Vườn rau khuyến học”, “Nương ngô khuyến học”... Riêng gia đình bà được Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2020. Bà vẫn nhiệt tình tham gia các lớp xóa mù cho phụ nữ dân tộc. Cuối năm 2021 đầu năm 2022, bà làm giáo viên xóa mù chữ cho phụ nữ ở bản Tà Số 1 và 2, xã Chiềng Hắc. Mặc dù đã hơn 60 tuổi, bà vẫn đều đặn hằng tuần 3 buổi tối dòng dã suốt 6 tháng trời mùa đông giá rét, đi xe máy hơn 10km đến lớp học, từ 6 giờ tối đến 11 giờ đêm mới về nhà.

Các học viên lớp xóa tái mù chữ ở bản Tà Số 1 và 2

Nặng lòng với văn hóa dân tộc

Bà được nhiều người gọi bằng biệt danh trìu mến “Họa mi” của cao nguyên Mộc Châu. Từ phong trào văn nghệ quần chúng, cô gái dân tộc Mông Khánh Ly nổi danh khi năm 1992, tham dự Liên hoan hát ru các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức tại thành phố Huế và đoạt Huy chương Vàng với bài dân ca Mông “Khống mí nhủa” (Ru con).

Tiếp nối thành công, năm 1996, Khánh Ly tham gia Hội thi hát dân ca và “Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc” của tỉnh đã đoạt giải nhì. Năm 1998, tham gia “Liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc lần thứ nhất” do Đài tiếng nói Việt Nam và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp tổ chức và đoạt Huy chương Bạc với bài hát dân ca dân tộc Mông “Tiếng hát làm dâu”. Năm 2001, tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh đoạt Huy chương Bạc; cùng nhiều giải nhất tiếng hát hay của huyện Mộc Châu.

Bà dày công nghiên cứu, sưu tầm, thể hiện được 100 bài dân ca dân tộc Mông, tự sáng tác trên 40 bài hát theo làn điệu dân ca bằng tiếng Mông. Bà còn truyền dạy dân ca dân tộc Mông cho gần 100 người là con cháu, người yêu thích dân ca dân tộc Mông. Bà là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chuyên ngành văn xuôi, biểu diễn. Hội viên Hội Văn nghệ dân gian của tỉnh, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam… Năm 2019, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Sơn La, đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Khi “Sao còn sáng trên trời”

Giờ bà đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn cháy bỏng trong người đảng viên. Tác phẩm “Đảng trong trái tim tôi”, với hy vọng góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trò chuyện với bà, chúng tôi biết rằng: Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng ta lãnh đạo ứng phó rất tốt, lo cho sự bình an của nhân dân, lo cho cuộc sống của nhân dân. Nhưng các thế lực thù địch vẫn xuyên tạc, chống phá. Bà thường xuyên theo dõi thời sự, thấy phát động Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và giới thiệu cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà tìm đọc, nghiên cứu cuốn sách, càng thấm thía sự đúng đắn con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, cảm xúc viết bằng tâm can người đảng viên.

Bà viết không phải vì giải thưởng, mà là điều trân quý, là niềm tin son sắt với Đảng của người đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số. Bà khiêm tốn: Với khả năng ít ỏi của bản thân, bài viết chủ yếu chỉ nêu lên những suy nghĩ, lời tri ân, sự trung thành, tin yêu của bản thân đối với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Hy vọng bài viết sẽ góp một phần công sức nhỏ bé của tôi vào công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời tới có hiệu quả hơn.

Bà khẳng định khi “Sao còn sáng trên trời” thì người Mông ta còn mãi ơn Đảng như lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng”. Bản thân bà sẽ tiếp tục phát huy vai trò người đảng viên nói đi đôi với làm, gương mẫu, hạt nhân lan tỏa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào các dân tộc, lan tỏa cái đẹp để dẹp cái xấu, đẩy lùi cái tiêu cực.

Tổng kết lớp xóa tái mù chữ bản Tà số 1 và 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu

 

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới