Giáo dục và đào tạo là một trong những yếu tố quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Nội dung, chương trình nặng lý thuyết, nhẹ về thực hành, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. Vẫn còn các vụ bê bối trong thi cử, trong quan hệ của giáo viên, bạo lực học đường... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Chúng lợi dụng triệt để những tồn tại, hạn chế của nền giáo dục và đào tạo, đưa ra những luận điệu phủ nhận rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do sai lầm trong đường lối của Đảng, sự quản lý yếu kém của Nhà nước, cần phải thay đổi nền giáo dục và đào tạo ở nước ta. Xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong giáo dục và đào tạo ở nước ta, hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của chúng là phủ nhận những đóng góp to lớn của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thực tế chứng minh, hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có ở mọi quốc gia, mọi nền giáo dục, ngay ở các nước phương Tây và Mỹ cũng không tránh được những hiện tượng này. Việc vi phạm pháp luật trong tuyển sinh ở một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang những năm trước đã có pháp luật giải quyết, không được lợi dung để bôi nhọ thanh danh của một số đồng chí lãnh đạo và đưa thêm các địa phương khác đang rất nghiêm túc, rất minh bạch trong công tác này.
Xuyên tạc do thể chế chính trị tác động, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và chúng đòi bỏ phần giáo dục lý luận chính trị. Mục đích cao nhất, có tính chiến lược của chúng là nhằm làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xa rời, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tức là làm cho ta từ bỏ nền tư tưởng - vũ khí tinh thần, từ bỏ thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động. Thực chất, bất cứ nền giáo dục nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực có lý tưởng, vì dân tộc, vì quốc gia mình trên cơ sở nắm vững tri thức khoa học của nhân loại.
Chúng còn ra sức tuyên truyền, quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây và Mỹ, coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước”. Thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm, triển lãm du học, tham quan các trường đại học danh tiếng nước ngoài... Từ đó, từng bước nhồi nhét, cài đặt tư tưởng “sùng ngoại, bài nội”. Đối với học sinh, sinh viên, chúng tác động thay đổi tận gốc nhân cách, lôi kéo người có năng lực để tạo ra một tầng lớp tri thức mới với hệ tư tưởng thân phương tây, nhằm sau này sẽ sử dụng vào việc đề cao chủ nghĩa tư bản, lối sống phương tây, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Giáo dục nước ngoài mặt này, mặt khác tiến bộ khi chúng ta nhìn vào, nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong điều kiện cụ thể của nước ta, cho nên chúng ta chỉ có thể tham khảo, tiếp thu những điểm, những cách làm xét thấy phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, chúng ta không đóng cửa mà sẵn sàng giao lưu với các nền giáo dục khác, nhưng cũng không thái quá trong vấn đề mở cửa giáo dục.
Trước tình hình trên, để chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đưa vào nội dung giảng dạy những tri thức cơ bản giúp học sinh, sinh viên nhận thức rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và góp phần đấu tranh với các quan điểm sai trái.
Thứ hai, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, học đi đôi với hành, coi phát triển Giáo dục và Đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với thực tiễn, quy luật khách quan, với tiến bộ khoa học - công nghệ; hội nhập quốc tế theo tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, gắn với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Thứ ba, bảo đảm công tác quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng dân chủ, thống nhất. Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt công tác giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội. Công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Giải quyết dứt điểm, nhanh gọn, không để lan rộng những vấn đề phức tạp trong cơ sở giáo dục, không để các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng vào tuyên truyền phá hoại tư tưởng, lôi kéo, tập hợp lực lượng đối lập.
Thứ tư, đổi mới, toàn diện từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm sai trái, lệch lạc.
Thứ năm, nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Cấp ủy trong các cơ sở Giáo dục và Đào tạo phải thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ dựa vào đội ngũ giáo viên, viên chức và học sinh; phát huy vai trò dựa vào các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để xây dựng nhà trường thực sự trong sạch, vững mạnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!