Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng, dân tộc Việt Nam chịu nhiều gian khổ, hy sinh để chống lại sự xâm lược và ách đô hộ của ngoại bang, nhất là thực dân, đế quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Vì vậy, chúng ta luôn khát khao hướng đến một xã hội tốt đẹp, không còn bóc lột, không còn áp bức bất công.
Tại sao Việt Nam không chọn con đường chủ nghĩa tư bản?
Chủ nghĩa tư bản luôn rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện, đặc biệt là về kinh tế. “Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”(1). Hậu quả tất yếu là càng tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, phân hóa giàu nghèo, càng khắc sâu mâu thuẫn xã hội.
Nói như vậy để khẳng định xã hội tư bản chủ nghĩa không phải là “thiên đường” và làm sáng tỏ cho những ai còn băn khoăn, thắc mắc, dao động “Tại sao Việt Nam không chọn con đường đi theo chủ nghĩa tư bản?”.
“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” (2).
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn là con đường đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử, phù hợp với quy luật và khát vọng về xã hội tiến bộ, giải phóng con người. “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân, vì nhân dân. "Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả cho con người. Làm cho quần chúng hiểu chủ nghĩa xã hội đúng hơn" (4).
Xuyên suốt các kỳ đại hội, nghị quyết của Đảng đều nhất quán quan điểm chỉ đạo: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước” (5).
Vẫn biết rằng, bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường còn có mặt trái, như: Gia tăng tình trạng thất nghiệp, lạm phát; bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách giàu nghèo... Nếu như đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa “lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”, không quan tâm khắc phục mặt trái của thị trường.
Còn với Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện các chủ trương, chính sách khắc phục “khuyết tật” của thị trường, vì tiến bộ, công bằng xã hội. “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn” (6)
Nỗ lực vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân
Thực tiễn chứng minh từ khi có ánh sáng của Đảng soi đường, có Bác Hồ chỉ lối, Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã giành được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình; luôn phấn đấu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mọi thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đều vì hạnh phúc của nhân dân, vì mục tiêu không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Minh chứng sống động, không thể phủ nhận là Đảng và Nhà nước ta xác định xóa đói, giảm nghèo là một mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu trong bảo đảm quyền con người. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ cho người nghèo. Đảng, Nhà nước quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo.
Các chính sách kể đến là: Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng: Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm. Năm 2021 giảm xuống còn 2,23%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,65%/năm.
Dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt trên toàn thế giới, làm phơi bày sự thật về những bất công xã hội ở các nước tư bản chủ nghĩa. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội bằng các chính sách: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ ngày 24/9/2021 của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 74.102 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 741.930 lượt người sử dụng lao động; trên 43,77 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Còn nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng về quyền hưởng thụ các thành tựu phát triển kinh tế.
Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở còn phát động, triển khai các phong trào, cuộc vận động vì an sinh xã hội. Tiêu biểu là phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 và Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động Cuộc vận động "Ngày Vì người nghèo" trên phạm vi cả nước và quyết định lấy ngày 17/10 hàng năm là "Ngày Vì người nghèo"... Các phong trào, cuộc vận động được triển khai sâu rộng từ trung ương tới cơ sở, đã phát huy truyền thống đạo lý "Tương thân, tương ái" cao đẹp của dân tộc; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, vì an sinh xã hội.
Ánh sáng xã hội chủ nghĩa nơi vùng sâu, vùng xa
Với những địa bàn miền núi, vùng hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mức sống thấp... Đảng, Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt bằng các chính sách đặc thù, để giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, để miền ngược tiến kịp miền xuôi, miền núi tiến kịp đồng bằng, đảm bảo cho nhân dân các vùng đều được ấm no, hạnh phúc, như: Quyết định số 135/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị quyết số 88/2019/QH14, các cấp tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...
Tỉnh miền núi Sơn La với điều kiện khó khăn cũng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Cách đây 64 năm, ngày 7/5/1959, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái- Mèo, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn công tác của Trung ương đã về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La. Tại cuộc mít tinh ở Thuận Châu, Sơn La ngày 7/5/1959, Bác đã căn dặn: “... Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc yên vui”.
Từ vùng đất gặp vô vàn khó khăn, giao thông cách trở, kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống bà con các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu… Sơn La những năm đầu bước vào thực hiện công cuộc đổi mới có khoảng 40 ngàn người bị đứt bữa. Song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La đoàn kết một lòng, một dạ theo Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đúng như Bác Hồ hằng mong, dưới ánh sáng các chính sách của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền Sơn La tập trung triển khai thực hiện các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Sơn La đã hoàn toàn khác xưa, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Sơn La trở thành trung tâm thủy điện lớn nhất toàn quốc, là điểm sáng phát triển nông nghiệp của cả nước. Các công trình bệnh viện, trường học được xây dựng ở khắp nơi. Mỗi con đường, mỗi công trình, mô hình kinh tế đều mang dấu ấn từ các chương trình, dự án, như: "Tuyến đường 135", "bò 30a", gạo cứu đói ấm lòng những hộ gia đình đang khó khăn khi giáp hạt.
“Giặc đói, giặc dốt” được đẩy lùi. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên. GRDP bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 48,96 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm; hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 còn 17,83%; có 3 huyện được công nhận thoát nghèo (Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ).
Những chính sách của ý Đảng, lòng dân
Không chỉ có các chính sách của Trung ương mà Đảng bộ, chính quyền địa phương của Sơn La cũng có các chính sách chăm lo phúc lợi xã hội. Một trong những chính sách tiêu biểu thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa ngay tại địa phương là chính sách nấu ăn cho học sinh bán trú. Tỉnh Sơn La có địa bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt. Nhiều xã, bản trong tỉnh giao thông đi lại khó khăn, nhiều em nhà cách xa trường từ 5, 10 có khi 20km. Con đường đến trường cách trở, phải băng rừng, lội suối, vượt đèo nên các phụ huynh học sinh dựng lều lán tạm cho con, gửi nhờ nhà người quen, thuê trọ, cho con ở bán trú để tiện đi học. Những bữa cơm đạm bạc với muối trắng, rau rừng, nơi ở thiếu thốn. Ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học vào thời điểm mùa vụ hay mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra.
Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sơn La vẫn quyết tâm chăm lo cho học sinh, trong đó chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 12/12/2013, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Sơn La. Qua 5 lần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết, đến ngày 3/9/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 140/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh.
Chính sách của tỉnh ban hành rất phù hợp thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đến trường, đi học bán trú là niềm vui, những bữa cơm ở trường đủ đầy dinh dưỡng, thậm chí ngon hơn cơm ở nhà. Tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm hơn 60% so với khi chưa tổ chức nấu ăn tập trung bán trú; cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú, La Ha. Mỗi năm học, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hàng chục nghìn học sinh được thụ hưởng chính sách. Chỉ riêng năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 224 cơ sở giáo dục có bếp ăn nội trú, bán trú với trên 63.100 học sinh, đa số là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Một chính sách nữa của tỉnh Sơn La cũng đóng vai trò quan trọng vào trụ cột của công tác an sinh xã hội, đó là lĩnh vực BHXH, BHYT: Ngày 19/11/2021, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND về ban hành một số nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 (Tại Điểm 4.1.2, Khoản 4, Điều 6, Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND quy định ngoài mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật BHYT, ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHYT. Hay như Nghị quyết số 49/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh khóa XV ban hành quy định chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025. Đây thực sự là các chính sách nhân văn, tạo cơ hội cho hàng nghìn người nghèo, cận nghèo, người làm nông nghiệp, ngư nghiệp được hưởng chính sách ưu việt về BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước, giúp nhân dân được chăm lo an sinh xã hội.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La còn triển khai thực hiện tốt Đề án "Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025"; năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 2.035 nhà xây mới và sửa chữa 178 nhà với tổng số kinh phí 156 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa; đến hết năm 2022, đã hoàn thành việc hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 6 huyện (Vân Hồ, Sốp Cộp, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên).
Những chính sách: Nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2012 của HĐND tỉnh Sơn La quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND ngày 10/9/2015 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã..., như luồng gió mới làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dễ dàng nhận thấy là điện, đường, trường, trạm y tế, kênh mương được từng bước đầu tư đồng bộ, nổi bật là dấu ấn của “Những con đường ý Đảng, lòng dân” nối dài tới những bản làng xa xôi...
Thay lời kết
Bằng cả lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định rằng: Việt Nam theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội luôn gắn phát triển kinh tế với quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xây dựng xã hội tốt đẹp. Bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không những phù hợp mà còn nhân lên giá trị văn hóa truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau “bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc.
Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bao phủ toàn diện tới các lĩnh vực, địa bàn, “dọc – ngang thống nhất và thông suốt”, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Chế độ xã hội chăm lo cho nhân dân là minh chứng sinh động, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sáng tỏ cho những ai thiếu hiểu biết, hay đang lung lay tư tưởng, hoài nghi về chế độ bởi các thế lực lôi kéo, xúi giục, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Lên án, cảnh tỉnh những kẻ được hưởng thành quả của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhưng khi đồng tiền mua chuộc, bất mãn lại quay lưng lại nói xấu chế độ, bôi nhọ Đảng, Nhà nước. Nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trân trọng môi trường sống tốt đẹp, thành quả của con đường đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tăng cường lạc quan, tin tưởng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), (2), (3) Trang 21, 22; (6), (7) Trang 26, 27: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(4): Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, CTQG, 1996, T 8, tr. 272.
(5): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.134-135.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!