Tự hào được giới thiệu văn hóa Sơn La đến với bạn đọc

Trong hoạt động nghề nghiệp, mỗi phóng viên có sở trường riêng và say mê các đề tài theo sở thích. Với tôi, viết về đề tài văn hóa luôn mang lại những cảm xúc thật đặc biệt bởi được tìm hiểu về truyền thống văn hóa của các dân tộc với bản sắc độc đáo, trao truyền qua các đời, hòa quyện trong dòng chảy đương đại.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai biểu diễn đàn tính.

Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống lâu đời và quần tụ thành những cộng đồng dân cư ở những vùng miền khác nhau. Mỗi dân tộc khác nhau về tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng và trang phục. Khi tìm hiểu và viết những bài báo về lĩnh vực văn hóa, tôi càng bị cuốn vào những câu chuyện về văn hóa, những phong tục truyền đời, những tri thức dân gian vô cùng phong phú. Những câu chuyện luôn có sự gắn kết liền mạch, giải thích về sự hình thành của một cộng đồng người, sự ra đời của những con sông, con suối, về văn hóa, tín ngưỡng truyền đời như gốc rễ cho sự phát triển của mỗi dân tộc vùng Tây Bắc.

Đôi khi xuất phát từ một đề tài nhỏ, tôi bắt đầu tìm hiểu những kiến thức văn hóa liên quan của cả một dân tộc, gắn liền với miền đất mà cộng đồng dân tộc ấy hình thành và phát triển. Ở Sơn La, các dân tộc: Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, La Ha, Sinh Mun... mỗi cộng đồng người được hình thành từ một nền văn hóa lâu đời, đặc sắc, độc đáo, mang nét đặc trưng riêng khác biệt cả về ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng. Trong đó, dễ nhìn thấy nhất chính là trang phục truyền thống với sự khác biệt về kiểu dáng, hoa văn, cách thức hoàn thiện. Có thể tìm thấy trong những đồ án hoa văn của khăn piêu, trong nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục dân tộc Mông, nghệ thuật vẽ sáp ong của dân tộc Dao... những giá trị chứa đựng cả tâm tư, khát vọng của những người phụ nữ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đó.

Trong kho tàng tri thức dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc có từ lâu đời cho đến nay vẫn được gìn giữ và phát huy để làm giàu đẹp đời sống tinh thần ở mỗi cộng đồng dân cư nơi vùng cao. Những di sản vô giá của mỗi dân tộc được tái hiện trong những kho sách cổ, viết bằng chữ viết cổ của đồng bào Thái, Dao mà chứa đựng trong đó những câu chuyện từ nhành cây, ngọn cỏ cho đến chuyện khai thiên, lập địa, sự hình thành và quá trình phát triển của cả một cộng đồng người.

Để viết về đề tài văn hóa, tôi tìm gặp các nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân, già làng uy tín, những người cao niên, am hiểu văn hóa dân tộc tại các bản làng. Tôi càng thêm nể phục những con người dành tâm huyết cả đời mình cho việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa. Đó là Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, ở phường Tô Hiệu, Thành phố với bộ sưu tập đồ sộ gồm 27 tập, hơn 3.000 bài, gần 17.000 trang viết bằng chữ Thái, phiên âm tiếng Thái nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái. Hay Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức ở xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ với kho sách cổ dân tộc Dao được chép lại bằng chữ Nôm Dao trên nền giấy dó. Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai không chỉ am hiểu sâu sắc văn hóa Thái mà còn giỏi hát then và chế tác đàn tính điêu luyện... Cùng rất nhiều những nghệ nhân dân gian tôi có may mắn được trò chuyện, tìm hiểu giúp tôi có được những kiến thức giá trị khi viết về lĩnh vực văn hóa.

Điều mà tôi cảm phục nhất khi nói về các nghệ nhân không chỉ là tâm huyết và sự am hiểu tường tận của họ về văn hóa dân tộc mà còn dành cho những nghệ nhân ấy một sự kính trọng sâu sắc bởi những cống hiến thầm lặng, sự trăn trở để có công trình giá trị lưu giữ truyền thống nguồn cội cho thế hệ con cháu.

Tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa, tôi càng thấy tự hào hơn khi những năm gần đây, văn hóa các dân tộc được các cấp, ngành quan tâm, có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy bằng những giải pháp hiệu quả. Trong đó, đặc biệt phải kể đến việc phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng văn hóa dân tộc thành những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn du khách. Tự hào khi Sơn La có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội truyền thống được phục dựng, những điệu xòe Thái, múa chuông dân tộc Dao, nhảy tha kềnh dân tộc Mông... được tái diễn ở các sự kiện văn hóa, du lịch giúp văn hóa dân tộc được tôn vinh, quảng bá tới du khách gần xa.

Với nghề báo làm công tác tuyên truyền, vinh dự khi được góp sức giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa, con người, mảnh đất Sơn La, tôi càng thêm yêu mến, tự hào và mong muốn những giá trị tốt đẹp ấy mãi mãi được gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả, để văn hóa không chỉ làm đẹp cho đời sống tinh thần mà còn là động lực phát triển du lịch, làm giàu cho quê hương.

Bài, ảnh: Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới