Chuyện “bếp núc” của người làm thư ký biên tập

Nếu những phóng viên được ví như “ong thợ”, thì người làm công tác biên tập, morat của phòng Thư ký tòa soạn không khác gì những người “thợ sửa, gọt chữ”, hằng ngày gọt giũa, trau chuốt từng câu, từng từ trong mỗi tác phẩm báo chí của phóng viên. Rời tòa soạn khi phố đã lên đèn, nhà nhà quây quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng mà lòng vẫn chưa hết lo. Ấy vậy, mỗi sáng, niềm vui lại ngập tràn khi cầm trên tay tờ báo mới còn thơm mùi mực, mang đến cho bạn đọc “món ăn” tinh thần trong hành trình cuộc sống.

Biên tập viên morat và kỹ thuật viên phòng TKTS soát lỗi kỹ thuật các bài báo.

Hơn 20 năm trong nghề, tôi vốn chỉ quen làm công việc của những “con ong thợ”. Đầu năm 2023, Ban biên tập điều động tôi về làm Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, công việc của người “làm dâu trăm họ” nhiều áp lực. Chưa từng 1 ngày làm việc ở phòng TKTS mà nay được giao nhiệm vụ “chế biến cỗ” hàng ngày nên áp lực không hề nhỏ, từ tham mưu xây dựng kế hoạch hằng tháng; công tác biên tập đến lên ma két cho từng số báo...

Áp lực nhất, đó là một số báo định kỳ xuất bản chỉ được sử dụng 8 bài, 20 tin ảnh mới, còn lại lấy từ Báo Sơn La điện tử, thời lượng mỗi trang cũng chỉ hơn 2.000 từ kèm ảnh minh họa, nên để đảm bảo hình thức đẹp, nội dung phong phú thì phải cân đối. Nhiều phóng viên “phóng bút”, số liệu nào, phỏng vấn gì bỏ đi cũng tiếc nên cứ gộp chung lại nên bài viết rơi vào tình trạng thừa chữ, phải “cắt gọt”. Rồi trang báo như “miếng bánh” chỉ có bấy nhiêu đó thôi, vẽ maket mỗi số hàng ngày thì phải chia thế nào để phóng viên đăng ký bài theo kế hoạch đều được đăng, nhưng đảm bảo cơ cấu ngành, lĩnh vực, thông tin vùng miền.

Làm TKTS bị áp lực khi phải chắt chiu, cắt gọt, phải đánh vật, gom từ cả chục sự kiện diễn ra cùng 1 ngày, cùng 1 thời điểm như bầu cử, khai giảng năm học mới, tuyển quân, ngày hội đại đoàn kết dân tộc... từ 7.000-8.000 từ xuống thành 700-800 từ, trở thành 1 cụm tin nhưng vẫn bảo đảm số liệu, nội dung tuyên truyền. Biên tập viên morat phải rà soát từng câu chữ, dấu chấm, phẩy để phát hiện những lỗi chính tả. Kỹ thuật viên thì phải chỉnh sửa từng ảnh sao cho sáng, đẹp...

Những biên tập viên ở Phòng TKTS đều trưởng thành từ phóng viên, có nhiều kinh nghiệm và yêu nghề. Khi được phân công ở vị trí này thường bị gò bó và ít có điều kiện đi thực tế cơ sở để sáng tạo các tác phẩm báo chí. Chúng tôi và các đồng chí trong Ban Biên tập luôn là những người phải về muộn nhất tòa soạn, bởi để hoàn thiện 1 số báo hằng ngày thì sớm nhất cũng là gần 20 giờ; những ngày diễn ra các sự kiện quan trọng thường làm việc đến 23h hoặc sang sáng ngày hôm sau. Những số báo đặc biệt, chúng tôi phân công người trực tại nhà in, chờ các tay báo được ghép xong, từng chồng báo mới được in ra, đọc lại. rồi mới thấy thở phào.

Khó khăn như vậy, vất vả là thế, nhưng chúng tôi vẫn luôn tận tâm, tận tụy với công việc của người “thợ sửa, gọt chữ”, luôn tâm niệm phải tiếp tục trau dồi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và những kỹ thuật làm báo hiện đại; tiếp tục thổi niềm đam mê, góp lửa nhỏ vào bầu nhiệt huyết, lòng yêu nghề của các phóng viên trong sáng tạo các bài viết, để cùng với tập thể tòa soạn đưa đến bạn đọc những tác phẩm báo chí mang tiếng nói, hơi thở của cuộc sống.

Bài, ảnh: Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới