Bên cạnh những lý do như người lao động yêu cầu chủ sử dụng tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi... thì một trong những nguyên nhân dẫn tới ngừng việc tập thể là do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là nợ bảo hiểm xã hội), khiến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.
Trên thực tế, từ nhiều năm trước đây, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đã trở thành một vấn đề gây bức xúc đối với người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng mà trực tiếp là ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tổng số nợ các loại bảo hiểm trong cả nước đã lên tới hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 5% số phải thu, tăng gần 4,6% so cùng kỳ năm 2021.
Tính riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố, trong bảy tháng năm 2022, trên địa bàn có tới 75.866 đơn vị, doanh nghiệp nợ với tổng số nợ lên tới hơn 4.900 tỷ đồng, chiếm 8,68% tổng số phải thu. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, danh sách nợ đóng bảo hiểm xã hội trên một tháng tính, đến cuối tháng 6/2022 cũng lên đến 46.414 đơn vị với tổng số nợ lên đến 3.873 tỷ đồng, tăng 2.241 tỷ đồng so năm 2021, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 700 nghìn lao động.
Còn tại Bình Dương, tổng số nợ của các doanh nghiệp tính đến cuối tháng 6/2022 cũng hơn 1.000 tỷ đồng... Việc các đơn vị, doanh nghiệp để nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là những người có nhu cầu hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp hay khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Theo phân tích của cơ quan bảo hiểm xã hội, ngoài những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và giá nguyên, nhiên vật liệu leo thang, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng trong những tháng gần đây là do không ít đơn vị đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để cố tình không thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động, thậm chí còn lạm dụng nguồn kinh phí mà người lao động đã đóng để sử dụng vào mục đích khác mà không nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Để giải quyết tình trạng này, cơ quan bảo hiểm xã hội trong cả nước đã áp dụng những biện pháp cần thiết, như thường xuyên đối chiếu, đôn đốc thanh toán nợ; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng và phối hợp thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm... Tuy nhiên, do mức xử phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe, kết quả thu hồi nợ chưa triệt để. Trong khi đó, giải pháp tổ chức công đoàn kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa lại khó triển khai do những vướng mắc về thủ tục; còn biện pháp cứng rắn nhất là xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn chưa được áp dụng, chưa có chủ sử dụng lao động nào bị khởi tố, xử lý do quan điểm về hành vi “trốn đóng bảo hiểm xã hội” chưa có sự thống nhất cao giữa các cơ quan tố tụng. Có thể thấy, nếu những vướng mắc nêu trên chưa được giải quyết rốt ráo thì việc giải quyết, ngăn ngừa tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!