Người lao động trong khu vực nhà nước đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, sau đó chuyển sang ngành nghề không có phụ cấp này thì lương hưu khi nghỉ hưu được tính thế nào?
Nguyễn Anh Hoài (Thanh Hóa)
Trả lời:Ngày 7/7/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH đã sửa đổi khoản 4 Điều 20 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, lương hưu của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề có hoặc không có phụ cấp thâm niên nghề rồi mới nghỉ hưu, được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối trước khi nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề cao nhất (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí để làm cơ sở tính lương hưu.
b) Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều này.
c) Đối với trường hợp trong tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối để tính lương hưu vừa có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề, vừa có thời gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề thì tính theo quy định tại điểm b khoản này. Trường hợp trong quá trình đóng BHXH có khoảng thời gian đóng bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề cao hơn tiền lương tháng đóng BHXH của những năm cuối thì được lấy tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề tương ứng với số năm quy định tại khoản 1 Điều này (được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí) để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
* Được hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Vợ tôi tham gia BHXH từ tháng 2/2021. Dự kiến sinh con vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, vợ tôi dự định sẽ chấm dứt hợp đồng lao động vào cuối tháng này. Với điều kiện như vậy, vợ tôi có được hưởng chế độ thai sản?
Trần Văn Minh (Phú Thọ)
Trả lời:Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!