Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng thấp nhất hằng tháng, tương đương 99.000 đồng/tháng. Khi đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu với người tham gia thuộc đối tượng này phải đóng tháng là 231.000 đồng, trong khi các đối tượng bình thường sẽ đóng 330.000 đồng.
Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu 99.000 đồng/tháng với người thuộc hộ nghèo
Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo.
Năm 2021: Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mạnh, đạt hơn 1,4 triệu người, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Theo đó, mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thay đổi.
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là: 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng. Số tiền này tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng).
Đồng thời, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng lên.
Theo đó, đối với người tham gia thuộc: hộ nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); hộ cận nghèo - số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng); đối tượng khác - số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Tuy nhiên, hiện trong năm 2022, do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là: 1.490.000 đồng x 20 lần = 29.800.000 đồng/tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng lưu ý, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:Được hưởng lương hưu hằng tháng khi về giàĐược cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưuĐược Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham giaLương hưu được điều chỉnh theo Chỉ số giá tiêu dùngĐược lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thânTrường hợp không tiếp tục tham gia, nếu có yêu cầu, được hưởng bảo hiểm xã hội một lần tính theo số năm đã đóngThân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tuất khi người tham gia qua đời.
Đề xuất sửa đổi một số chính sách với bảo hiểm xã hội tự nguyện
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, trong thời gian tới, Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, một số nội dung đáng quan tâm về bảo hiểm xã hội tự nguyện được đề xuất sửa đổi trong dự án Luật quan trọng này.
Rủi ro khi không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:Mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng thángMất cơ hội được tăng lương hưu khi Chính phủ điều chỉnhKhông có thẻ bảo hiểm y tế và phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi về già.Khi hết tuổi lao động phải sống phụ thuộc vào con cái và người thânThân nhân không được hưởng chế độ tử tuất nếu không may người tham gia qua đời.
Thứ nhất, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt.
Cụ, thể, đề xuất bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội, để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tần. Hệ thống này gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; Bảo hiểm xã hội cơ bản (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện); Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần theo hướng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Điều này nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản.
Thứ hai, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong đó, có đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể như: Tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thứ ba, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm. Định hướng này nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, quy định lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!