Là xã vùng III của huyện Thuận Châu, đời sống của bà con xã Phổng Lăng còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, nỗ lực trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho nhân dân.
Cán bộ xã Phổng Lăng tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH cho người dân.
Phổng Lăng hiện có 1.214 hộ, với hơn 5.700 nhân khẩu, trong đó 99,7% dân số trên địa bàn xã thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT, cả xã mới có 41 người tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người dân trong xã còn thấp, việc làm không ổn định. Bà Quàng Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, thời gian qua, xã đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện Thuận Châu tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, giúp bà con hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ xã, nhân viên đại lý thu trên địa bàn xã còn đến tận nhà để vận động người dân tham gia.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách BHXH, BHYT nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng, năm 2021, xã Phổng Lăng đã phát triển được 15 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, năm 2022, xã phấn đấu phát triển thêm 30 người tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Lò Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã, kiêm nhân viên đại lý thu của bảo hiểm xã hội huyện Thuận Châu, chia sẻ: Theo quy định, công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để thụ hưởng những lợi ích to lớn mà chính sách này mang lại. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ đóng BHXH, nhưng đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu nhập bấp bênh thì rất khó để thuyết phục họ tham gia BHXH tự nguyện; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, chưa ý thức được việc tham gia BHXH khi trẻ, để hưởng lương hưu khi tuổi già. Vì vậy, giúp người dân hiểu được lợi ích, chính sách mà BHXH mang lại, mỗi khi ở xã, ở bản, các tổ chức hội đoàn thể tổ chức họp, sinh hoạt, chúng tôi đều có mặt để lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện đến hội viên, đoàn viên và nhân dân. Hay khi người dân đến làm thủ tục hành chính ở xã, tôi cũng tranh thủ phát tờ rơi, giải thích cho bà con hiểu.
Ông Lò Văn Thìn, Bí thư Chi bộ bản Thái Cóng, cho biết: Bản có 98 hộ, 557 nhân khẩu. Hiểu được ý nghĩa của việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, cấp ủy, Ban quản lý bản đã tiên phong tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, cùng cán bộ BHXH đến từng gia đình có thu nhập ổn định để tuyên truyền, tư vấn và trực tiếp giải đáp những vấn đề người dân còn thắc mắc để bà con hiểu và tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2021, chị Quàng Thị Hương, bản Thái Cóng đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 363.000 đồng/tháng. Chị Hương chia sẻ: Năm nay, tôi 30 tuổi, thông qua buổi họp bản, được cán bộ xã đã tuyên truyền những lợi ích của việc tham gia BHXH, tôi đã lựa chọn mức đóng phù hợp cho cả vợ chồng, sau này khi về già sẽ hưởng lương hưu, để ổn định cuộc sống.
Tuy số người tham gia BHXH tự nguyện ở Phổng Lăng chưa nhiều nhưng bước đầu cán bộ, công chức và người dân đã nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, vai trò của BHYT, BHXH là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, đây là cơ sở để xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!