WHO chỉ ra lý do số ca mắc COVID-19 tăng trở lại

Tuần qua đánh dấu lần đầu tiên trong bảy tuần số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Theo người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số liệu này gây thất vọng nhưng không ngạc nhiên. Ông chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới đà tăng số ca mắc mới.

Nhân viên y tế tại Scotland thu thập thông tin của người dân trước khi tiêm vaccine. (Ảnh:

Đại dịch sẽ không chấm dứt trong năm 2021

Tuần qua đánh dấu lần đầu tiên trong bảy tuần số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Trước đó, số ca mắc Covid-19 đã giảm trong sáu tuần liên tiếp. Bốn khu vực ghi nhận số ca bệnh tăng gồm châu Mỹ, châu Âu, Đông - Nam Á và Đông Địa Trung Hải.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận số liệu này gây thất vọng nhưng ông không ngạc nhiên. WHO cho rằng, một số nguyên nhân dẫn tới thực tế trên là nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng, sự lây lan của các biến thể và người dân mất cảnh giác. 

Theo thông tin mới nhất, tại khu vực Đông - Nam Á, người phát ngôn đơn vị phòng, chống Covid-19 của Indonesia cho biết, nước này ngày 2-3 ghi nhận hai ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Anh. Chỉ một ngày sau khi kích hoạt chiến dịch tiêm chủng, Philippines hôm nay đã phát hiện các ca đầu tiên nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi. 

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 1-3, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cảnh báo, dù một số quốc gia đang làm chậm đà lây lan của Covid-19 do các biện pháp phong tỏa và chương trình tiêm chủng, nhưng còn “sớm” và “thiếu thực tế” khi cho rằng đại dịch sẽ kết thúc trong năm nay. 

Chỉ dựa vào vaccine là sai lầm

Theo thông báo của WHO, ngày 1-3, Ghana và Côte d’Ivoire bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế tham gia cuộc chiến chống Covid-19. Đây là hai quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine được phân phối trong khuôn khổ chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. 11 triệu liều vaccine nữa sẽ được chuyển đến Ghana và Côte d’Ivoire trong tuần này.

Tổng Giám đốc WHO cho biết, từ nay đến cuối tháng 5-2021, 237 triệu liều vaccine sẽ được phân phối cho 142 nền kinh tế và quốc gia tham gia COVAX. Ngày 2-3, COVAX sẽ triển khai đợt phân phối đầu tiên với đối tượng là phần lớn các nền kinh tế tham gia COVAX Facility.

“Thật đáng khích lệ khi thấy nhân viên y tế ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm chủng, nhưng cũng thật đáng tiếc vì việc này diễn ra gần ba tháng sau khi một số quốc gia giàu nhất bắt đầu chiến dịch tiêm chủng”, ông Tedros nói.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: “Các quốc gia không chạy đua với nhau, đây là cuộc chạy đua chung chống lại virus (SARS-CoV-2)”. Ông Tedros cam kết, WHO và các đối tác trong COVAX sẽ tiếp tục làm việc ngày đêm để hướng tới tầm nhìn chung là tất cả các nước sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng trong 100 ngày đầu năm 2021.

Trong khi vaccine tiếp tục được phân phối, WHO hối thúc tất cả các chính phủ và cá nhân ghi nhớ rằng chỉ riêng vaccine không để bảo vệ an toàn cho chúng ta trước đại dịch Covid-19. 

“Vaccine sẽ giúp cứu sống người dân, nhưng nếu các quốc gia chỉ dựa vào vaccine thì họ đang mắc sai lầm. Các biện pháp y tế cộng đồng vẫn là nền tảng của nỗ lực ứng phó dịch bệnh”, ông Tedros lưu ý.

Ông giải thích rõ hơn, các cơ quan y tế cộng đồng cần làm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly, kiểm dịch và chăm sóc người bệnh; trong khi đó, mỗi cá nhân cần tránh tụ tập đông người, duy trì giãn cách xã hội, rửa sạch tay, đeo khẩu trang và giữ không gian thông thoáng.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới