Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến LHQ cảnh báo về hàng thập kỷ khó khăn phía trước; ASEAN, EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược; NATO hoan nghênh Nga, Mỹ nối lại đối thoại về gia hạn START mới… là một số sự kiến quốc tế đáng chú ý trong tuần từ (30/11 - 6/12).
Tổng Thư ký LHQ cảnh báo về hàng thập kỷ khó khăn phía trước do COVID-19
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị cấp cao của LHQ về dịch bệnh COVID-19. (Photo: UN) |
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 6/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 66.743.743 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.532.539 ca tử vong và 46.149.488 ca phục hồi.
Trong nhiều ngày qua, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày, trong đó đứng đầu là Mỹ. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 14.651.470 ca nhiễm COVID-19, trong đó 284.232 ca tử vong vì dịch bệnh.
Ngày 3/12, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới có thể phải đương đầu với các tác động của dịch COVID-19 trong hàng thập kỷ tới kể cả khi các vaccine phòng bệnh được thông qua nhanh chóng để đưa vào sử dụng. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao của LHQ về dịch bệnh COVID-19 dưới hình thức trực tuyến, ông Guterres đã hoan nghênh những tiến bộ khoa học nhanh chóng đạt được, song cảnh báo rằng tiêm chủng không phải là "liều thuốc tiên" đối phó với dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới.
Ông Guterres nêu rõ: "Một vaccine không thể xóa bỏ những thiệt hại sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí trong hàng thập kỷ tới. Tình trạng nghèo cùng cực đang gia tăng. Nguy cơ của nạn đói kém đang thấp thoáng. Chúng ta đang đương đầu với cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong 8 thập kỷ". Theo ông Guterres, đại dịch COVID-19 đến nay cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên thế giới, đã làm trầm trọng thêm những thách thức dài hạn khác, trong đó có bất bình đẳng và biến đổi khí hậu…
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa lắng xuống, những dấu hiệu khả quan từ cuộc đua phát triển vaccine phòng ngừa đang đem lại nhiều hy vọng cho cuộc chiến ngăn ngừa đại dịch. Nhiều nước hiện đã lên kế hoạch triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng.
ASEAN, EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược
Đại diện các nước và tổ chức tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23. (Ảnh: Bộ Ngoại giao) |
Ngày 1/12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh.
Tại Hội nghị, hai bên đã đưa ra quyết định quan trọng chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược sau quyết định về nguyên tắc được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 22 vào tháng 1/2019. ASEAN và EU tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp và thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-EU về Kết nối, trên cơ sở thúc đẩy gắn kết Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Chiến lược kết nối Á-Âu của EU; nhất trí tiếp tục nghiên cứu xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) ASEAN-EU, sớm hoàn tất Hiệp định Vận tải Hàng không Toàn diện (CATA)... Hai bên hoan nghênh việc Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN vừa chính thức đi vào hoạt động với sự hỗ trợ của chương trình thuận lợi hóa thương mại của EU, đóng góp tích cực cho khôi phục kinh tế, duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại trong khu vực.
NATO hoan nghênh Nga, Mỹ nối lại đối thoại về gia hạn START mới
Một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của quân đội Nga. (Ảnh: INSIDER) |
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoan nghênh Nga và Mỹ nối lại đối thoại về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) trong bối cảnh văn kiện này chỉ còn hiệu lực trong vòng 2 tháng nữa.
Phát biểu sau Hội nghị trực tuyến các Ngoại trưởng NATO, ngày 1/12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi hoan nghênh Nga và Mỹ đối thoại để tìm kiếm con đường tiến về phía trước, bởi chúng tôi không muốn bị đẩy vào một tình huống mà ở đó, không tồn tại thỏa thuận nào về số lượng đầu đạn hạt nhân”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo NATO cũng khẳng định quan điểm ủng hộ việc các bên đưa ra một cơ chế kiểm soát vũ khí toàn diện hơn.
Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi Hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cùng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược.
START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần. START mới duy trì hiệu lực trong 10 năm và sẽ kết thúc vào ngày 5/2/2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026, phụ thuộc vào sự đồng thuận của cả hai bên ký kết.
Ông Joe Biden tiếp tục bổ nhiệm đội ngũ nhân sự mới
Một loạt các nhân sự mới được ông Joe Biden đề cử cho chính quyền mới trong tương lai. (Ảnh: Getty Images/AFP/CNN) |
Tổng thống đắc cử Mỹ 2020, ông Joe Biden đã bắt tay xây dựng bộ máy nhân sự, công bố một số lựa chọn cho các vị trí hàng đầu trong Nội các và Nhà Trắng, nhằm đảm bảo các công việc sẵn sàng được thực hiện sau thời điểm nhậm chức ngày 20/1/2021 tới.
Ngày 3/12, ông Joe Biden thông báo đã chọn ông Brian Deese, 42 tuổi - Giám đốc Điều hành của Tập đoàn BlackRock giữ chức vụ người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC). Quyết định lựa chọn ông Deese làm lãnh đạo NEC được cho là nỗ lực của ông J.Biden nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ hiện đang rơi vào suy thoái do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 cũng như đối phó với mối đe dọa hiện hữu của tình trạng biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, ông J.Biden đã lựa chọn ông Jeff Zients - cựu quan chức dưới chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama làm Điều phối viên công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Đây được xem là bước đi khởi đầu của ông J.Biden trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.
Trước đó, ngày 30/11, ông J.Biden cũng đã lựa chọn cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Janet Yellen, 74 tuổi làm Bộ trưởng Tài chính. Bên cạnh đó, vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính đã được ông J.Biden tín nhiệm giao cho bà Adewale Adeyemo, một quan chức cũng thuộc chính quyền của Tổng thống Barach Obama. Ông J.Biden cũng bổ nhiệm bà Neera Tanden, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ, người cũng từng là cố vấn trong chính quyền của các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama làm Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB). Ngoài ra, ông J.Biden cũng chọn chuyên gia kinh tế Cecilia Rouse của Đại học Princeton làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Ngoài ra, các nhân sự khác được ông J.Biden đề cử gồm: Antony Blinken cho vị trí Ngoại trưởng, Alejandro Mayorkas - Bộ trưởng An ninh Nội địa, Linda Thomas-Greenfield - Đại sứ Mỹ tại LHQ, John Kerry - Đặc phái viên Tổng thống về biến đổi khí hậu, Avril Haines - Giám đốc Tình báo quốc gia và Jake Sullivan - Cố vấn An ninh quốc gia.
OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày
OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày. (Ảnh minh họa: Bloomberg) |
Ngày 3/12, nhiều nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) cho biết OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn từ tháng 1/2021 lên thêm 500.000 thùng/ngày, song không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn và rộng rãi hơn trong thời gian còn lại của năm tới.
Sự điều chỉnh trên có nghĩa là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày - tương đương 7% nhu cầu toàn cầu - từ tháng 1/2021, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Các biện pháp hạn chế đang được thực hiện để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ 3 đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, OPEC+ đã nhất trí nhóm họp hàng tháng, bắt đầu từ tháng 1/2021, để quyết định chính sách của liên minh này.
OPEC+ trước đó được cho là sẽ kéo dài các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3/2021. Tuy nhiên, sau khi những hy vọng và tín hiệu tích cực về một số loại vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép đã thúc đẩy một đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 11 vừa qua, một số nhà sản xuất bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết của yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ theo chủ trương của quốc gia đứng đầu OPEC là Saudi Arabia.
Những cuộc họp hàng tháng của OPEC+ được cho là sẽ khiến giá cả thị trường biến động mạnh hơn và làm phức tạp thêm việc bảo hiểm rủi ro cho các nhà sản xuất dầu của Mỹ. Giá dầu thô ít thay đổi sau quyết định của OPEC+ và duy trì ở mức khoảng 48 USD/thùng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!