Tuần qua, các nước “mạnh tay” chặn đứng sự lây lan của COVID-19

Thế giới tuần qua (16-22/3), diễn biến của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục trở thành tâm điểm dư luận. Ngoài ra, một số nội dung đáng chú ý khác gồm: Cuộc chiến giá dầu chưa có điểm dừng giữa Nga và Ả rập Xê út, sự biến động của thị trường chứng khoán thế giới và thông điệp của Liên hợp quốc nhân Ngày Nước Thế giới (22/3/2020).

Các nước đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm chặn đứng sự lây lan của COVID-19

 Hoạt động vệ sinh khử trùng phòng dịch bệnh tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Mỹ.

Ảnh: AP.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 21 h giờ GMT ngày 21/3 (4h giờ Việt Nam ngày 22/3), hơn 12.000 người đã tử vong trên toàn cầu kể từ khi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra bùng phát vào tháng 12/2019.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 32.485 ca nhiễm mới, khiến tổng số ca nhiễm toàn cầu vượt con số 300.000 (303.001 trường hợp). Số ca tử vong tính tới 4 giờ sáng 22/3 (giờ Việt Nam) là 12.944 người. Trong số này, Italy đã ghi nhận 4.825 ca tử vong trong tổng số 53.758 trường hợp mắc COVID-19 và 6.072 người đã phục hồi. Trong khi đó, Trung Quốc đã ghi nhận 81.008 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 3.225 trường hợp tử vong và 71.740 người đã phục hồi. Những quốc gia có số ca tử vong cao sau Italy và Trung Quốc là Iran với 1.556 ca tử vong, Tây Ban Nha với 1.326 ca tử vong và Pháp với 562 ca tử vong.

Theo hãng tin AFP, việc bị hạn chế đi lại tại 35 quốc gia trên toàn thế giới ảnh hưởng tới khoảng 900 triệu người, trong đó có 600 triệu người do các chính phủ áp lệnh phong tỏa. Dự kiến Colombia sẽ áp đặt lệnh hạn chế đi lại bắt buộc vào tối 24/3, trong khi một sắc lệnh tương tự cũng được áp dụng trên khắp Tunisia vào ngày 22/3. Tại Mỹ, 7 bang đã yêu cầu người dân ở trong nhà gồm California, New York, Illinois, Pennsylvania, New Jersey, Connecticut và Nevada. Trung bình cứ 5 người tại Mỹ thì có 1 người bị ảnh hưởng do lệnh này.

Để kiểm soát sự lây lan, Gruzia và Kyrgyzstan cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Thụy Sĩ, quốc gia cho đến nay vẫn chưa ban bố lệnh cấm đi lại hoàn toàn, đã thông báo sẽ cấm mọi cuộc tụ tập với sự tham gia của hơn 5 người, đồng thời phạt bất cứ ai đứng gần nhau hơn 2m.

Tại Australia, những người đến tắm nắng, lướt ván và du khách đều bị cấm tới bãi biển Bondi nổi tiếng, trong khi một số điểm bơi lội khác trong thành phố cũng bị đóng cửa.

Trong bối cảnh tình tình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cuba, vốn phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch, sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong 30 ngày từ ngày 24/3. Côte d'Ivoire và Burkina Faso đóng cửa biên giới từ cuối tuần này. Về phần mình, Brazil sẽ đóng cửa biên giới từ ngày 23/3 đối với toàn bộ các du khách từ châu Âu, Australia và một số nước châu Á…

Mỹ sẽ can dự vào cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả rập Xê út

 Ảnh minh họa: AFP

Mỹ đang xem xét tiến hành các nỗ lực ngoại giao để Ả Rập Xê út hạn chế nguồn cung dầu mỏ, đồng thời sử dụng những biện pháp đe dọa trừng phạt đối với Nga để nước này phải cắt giảm sản lượng.

Ngày 21/3, hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho hay nước này dự kiến điều một quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng đến Riyadh (Ả Rập Xê út) để đẩy mạnh nỗ lực ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.

Động thái trên diễn ra giữa lúc Ả rập Xê út và Nga đang trong cuộc chiến tranh giành thị trường dầu mỏ toàn cầu, sau khi OPEC+ (gồm OPEC và các nước khác trong đó có Nga) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Sau khi thỏa thuận thất bại, Ả Rập Xê út tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu lên mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày và đã thuê nhiều tàu chở dầu để vận chuyển dầu đến khắp nơi trên thế giới, khiến giá dầu thô ở mức đáy trong gần 20 năm.

Giới chức Mỹ cho rằng quyết định của Riyadh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Giá dầu giảm sâu còn gây thiệt hại cho các nhà sản xuất dầu ở Mỹ do chi phí sản xuất cao hơn những đối tác ở Ả rập Xê út và Nga, với một số hãng đã bắt đầu cắt giảm nhân sự.

Tổng thống D.Trump đã từng tuyên bố Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê út và Nga trong thời điểm thích hợp. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, mức giá xăng dầu thấp hiện nay có lợi cho người tiêu dùng Mỹ song lại gây tổn hại đến ngành sản xuất dầu mỏ.

FED cắt giảm lãi suất xuống mức kỷ lục, chứng khoán thế giới vẫn lao dốc

 Phố Wall đang trải qua những ngày giao dịch đầy biến động. Ảnh: Getty Images.

Các loại cổ phiếu của Mỹ tiếp tục giảm giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/3, hứng chịu ngày tồi tệ nhất kể từ sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày “Thứ Hai Đen” vào năm 1987.

Không chỉ tại Mỹ, tình hình tại thị trường chứng khoán châu Á cũng không sáng sủa hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ lãi suất.

Đầu phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,92%, tương đương 159,97 điểm, xuống còn 17.271,08 điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 0,95% (tương đương 11,97 điểm) xuống mức 1.249,73 điểm.

Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm giảm 0,86% (15,18 điểm) xuống còn 1.756,26 điểm, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Sydney giảm giảm 6,71% (371,50 điểm) xuống 5.167,80 điểm.

Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,27% (545 điểm) xuống còn 23.487,91 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,15% (4,19 điểm) xuống còn 2.883,24 điểm.

Các thị trường chứng khoán đồng loạt lao dốc sau khi FED ngày 15/3 thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 (xuống biên độ mục tiêu từ 0-0,25%) trong vòng chưa đầy hai tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh tại Mỹ. Theo đánh giá của giới quan sát, việc chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy gói kích thích kinh tế mà FED vừa công bố vẫn chưa đủ mạnh để có thể trấn an tâm lý của giới đầu tư tài chính, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế thế giới “chao đảo”.

Liên hợp quốc đề cao vai trò của mỗi cá nhân trong bảo vệ tài nguyên nước

 Ảnh minh họa. Ảnh: Filter Butler.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, thế giới hiện có 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch, cho thấy một chặng hành trình còn khá dài và trắc trở của cộng đồng thế giới để có thể tiến tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6, đó là đảm bảo nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030. Ngày Nước Thế giới 22/3 năm nay, với chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” đã chỉ rõ rào cản lớn nhất đối với việc bảo đảm nguồn nước cho thế giới.

Tháng trước, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thông báo dòng chảy của sông Colorado giảm 20% so với thế kỷ trước. Đây là dòng sông hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ USD hoạt động kinh tế mỗi năm và theo USGS cảnh báo “Nếu mất đi dòng sông này, các thành phố của Mỹ ở Tây Nam sẽ khô cạn và biến mất".

Hồ Poopó của Bolivia vào đầu năm 2016 đã cạn kiệt gần như hoàn toàn sau nhiều năm mực nước liên tục suy giảm, kéo theo một thảm họa đối với động vật hoang dã và hoạt động đánh bắt cá của người dân lân cận. Hồ Chad, một trong những hồ lớn nhất trên thế giới, cũng biến mất sau nhiều thập niên cạn dần nguồn nước, đẩy khoảng 30 triệu người ở Chad, Cameroon, Niger và Nigeria rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các nguồn nước, bao gồm cả yếu tố con người và tự nhiên, nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng biến đổi khí hậu là tác nhân chủ yếu. Tình trạng thiếu nguồn nước còn dẫn tới một nguy cơ đáng sợ, đó là sự gia tăng các cuộc xung đột bạo lực bắt nguồn từ an ninh nguồn nước.

Chủ đề của Ngày Nước thế giới 2020 – Nước và Biến đổi khí hậu - đã được lựa chọn để phản ánh kịp thời tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước và cả mối liên hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố này và tác động của chúng đối với con người và xã hội. Ngày Nước thế giới năm nay diễn ra vào một thời điểm đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến nhiều sự kiện đánh dấu bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Tuy nhiên, với khẩu hiệu “Mọi người đều có vai trò của mình”, chiến dịch năm nay muốn nhấn mạnh đến thông điệp rằng ngay trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều hành động để chúng ta góp phần tạo ra sự thay đổi./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới