Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng sau thông tin Bình Nhưỡng đã bắn hai tên lửa tầm ngắn ra khu vực ngoài khơi phía Đông của nước này trên biển Nhật Bản.
Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn trong một cuộc tập trận.
Việc Triều Tiên bắn tên lửa tầm ngắn không phải là một thông tin xa lạ, tuy nhiên lại đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa phải đối mặt với Nghị quyết siết chặt trừng phạt thứ 5 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đang “phô trương sức mạnh” để phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận chung thường niên giữa liên quân Mỹ - Hàn Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết: Hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn – nghi là tên lửa Scud, được Triều Tiên phóng vào khoảng 5 giờ 20 phút giờ Hàn Quốc (tức 3 giờ 20 phút theo giờ Việt Nam) ngày 10/3 tại bãi phóng thuộc phía Bắc tỉnh Hwanghae, phía Tây Triều Tiên. Hai quả tên lửa đã bay khoảng 500 km và rơi xuống vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Wonsan, thuộc biển Nhật Bản.
Theo JSC, đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn đầu tiên được các lực lượng Triều Tiên thực hiện trong năm nay. Trước đó, vào ngày 3/3, chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết 2270 với các biện pháp trừng phạt “nghiêm khắc chưa từng có tiền lệ” nhằm vào Triều Tiên, nước này đã bắn 6 vật thể từ các bệ phóng tên lửa đa tầng, với cỡ nòng 300mm về khu vực bờ biển phía Đông. JSC cho biết, hiện quân đội Hàn Quốc đang tiếp tục theo sát tình hình và trong tâm thế “sẵn sàng đối phó” với các hành vi khiêu khích từ Triều Tiên.
Nhật Bản phản đối mạnh mẽ các "hành vi khiêu khích" của Triều Tiên
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vào sáng 10/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố cơ quan này đã “hoàn toàn sẵn sàng” ứng phó với các hành vi khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên. Ông Nakatani cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục thu thập, phân tích thông tin, cũng như giám sát tình hình dựa trên cơ chế phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản.
Theo nhận định của ông Nakatani, Triều Tiên có khả năng sẽ thực hiện thêm các hành vi khiêu khích mới nhằm phản đối bản nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ - Hàn. Ngoài ra, quan chức trên cũng cho rằng, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên có nguy cơ sẽ “đe dọa nghiêm trọng” tới lãnh thổ và các vùng hải phận lân cận của Nhật Bản nếu như Bình Nhưỡng đạt được tiến bộ trong khả năng phát triển tên lửa đạn đạo.
Trong phiên họp cấp cao được triệu tập sáng 10/3 tại Văn phòng Nội các Nhật Bản, các quan chức Nhật Bản đều tỏ rõ quan điểm phản đối cứng rắn các hành động của Triều Tiên, xem đây là một sự vi phạm rõ ràng các bản nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời gây nguy hiểm cho các máy bay và tàu thuyền qua lại trong khu vực.
Về phía Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị các quan chức chính phủ thu thập và phân tích các thông tin tình báo liên quan tới vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại khu vực có khả năng ảnh hưởng bởi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời chỉ thị sớm công bố thông tin chính xác cho người dân được biết.
Đại diện Hàn Quốc sang Mỹ để tìm kiếm “phản ứng chung” trước vấn đề Triều Tiên
Được biết, ngay trong sáng 10/3, Đặc phái viên về vấn đề an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên Kim Hong-kyun đã lên đường sang Mỹ nhằm tìm kiếm “một phản ứng phối hợp giữa hai nước đồng minh” trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ kéo dài 3 ngày này, ông Kim Hong-kyun sẽ tham gia vào một loạt các cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của nước chủ nhà nhằm thảo luận về cách thức đối phó với các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Kim Hong-kyun cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung thảo luận về cách tiếp cận tổng quan nhằm kêu gọi Triều Tiên thay đổi cách hành xử, dựa trên lập trường chung của Mỹ và Hàn Quốc là phản ứng cứng rắn trước các hành vi khiêu khích cũng như phát triển hạt nhân của Triều Tiên… Hiện không phải là thời điểm để nói về việc nối lại đối thoại mà thay vào đó, cần tập trung vào việc thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên… Đây cũng chính là lập trường chung mà cả Mỹ và Hàn Quốc đang theo đuổi”.
Dự kiến, vào ngày mai (11/3), ông Kim Hong-kyun sẽ gặp gỡ Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim để trao đổi nhận định về tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên, cũng như đưa ra phương án nhằm bảo đảm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sẽ được thực thi triệt để./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!