Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, đến 6 giờ sáng ngày 12/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 4.246.795 ca nhiễm COVID-19, 286.740 ca tử vong và 1.522.034 ca bình phục. Dịch bệnh hiện đã lan ra 214 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong 24 giờ qua, Nga vượt qua Italy và Anh, trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha về số ca mắc COVID-19. (Ảnh: aa.com.tr) |
Châu Âu vẫn tiếp tục là “điểm nóng” về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới. Hiện, Tây Ban Nha là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi ghi nhận 268.143 ca nhiễm và 26.744 ca tử vong vì COVID-19. Tiếp theo sau là Anh, Nga, Italy, Pháp, Đức… với số ca nhiễm COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại lần lượt là 223.060; 221.344; 219.814; 177.423; 172.576 trường hợp.
Với số ca nhiễm mới là 11.656 ca trong 24 giờ qua, Nga đã vượt qua Italy và Anh, trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha về số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Con số thống kê trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi thông điệp tới người dân Nga đề cập đến tình hình dịch bệnh tại nước này. Hiện số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này là 2.009 ca. Hơn một nửa trong số ca nhiễm và tử vong đều tập trung tại thủ đô Moskva.
Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ngày 11/5 ông sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể để nền kinh tế vận hành trở lại sau khi các nỗ lực của ông nhằm đưa kinh tế thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa do dịch COVID-19 đã gây ra sự phản đối của các đảng đối lập và nhiều người dân trên khắp nước Anh.
Theo ông Johnson, kể từ ngày 13/5 tới, người dân Anh sẽ được phép luyện tập thể dục thể thao nhiều hơn, còn một số công nhân có thể trở lại làm việc trong các dây chuyền sản xuất, trong khi một số trẻ em có thể trở lại trường học vào đầu tháng 6 tới.
Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải vạch ra kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đã chứng kiến hơn 32.000 người tử vong vì COVID-19 - mức cao nhất châu Âu và thứ 2 thế giới.
Châu Á trong 24 giờ qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về tình hình dịch bệnh. Ngày 11/5, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Mễ Phong cho biết Trung Quốc không ghi nhận thêm ca tử vong nào do dịch COVID-19 trong 26 ngày liên tiếp tính đến ngày 10/5.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất châu lục, với 139.771 ca, trong đó 3.841 ca tử vong. Iran là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trong khu vực, với 6.685 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là quốc gia có số ca lây nhiễm vì COVID-19 tăng kỷ lục với 3.607 ca, trong đó 82 ca tử vong mới, nâng tổng số ca lây nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 70.768 trường hợp, trong đó 2.294 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan tại một số quốc gia Đông Nam Á. Ngày 11/5, Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei, Myanmar không ghi nhận ca mắc mới nào. Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia vẫn tiếp tục gia tăng. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia trong 24 giờ qua tăng cao nhất khu vực với 18 ca, trong đó số ca lây nhiễm đã lên tới 14.265 trường hợp.
Tính đến nay, châu Phi ghi nhận có 67.160 ca lây nhiễm, trong đó 2.342 ca tử vong. Ngày 11/5, châu lục này cũng có thêm 2.417 ca nhiễm mới và 41 ca tử vong. Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục với 10.652 ca lây nhiễm và 206 ca tử vong. Ai Cập, Morocco, Algeria, Ghana, Nigeria… lần lượt là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm nhiều nhất tại “Lục Địa Đen” sau Nam Phi.
Châu Đại dương đến nay ghi nhận có 8.549 ca nhiễm bệnh, trong đó 118 trường hợp tử vong. Australia vẫn là quốc gia chịu nhiều tác động nhất do dịch bệnh khi số ca lây nhiễm tại nước này lên tới 6.948 ca, trong đó 97 ca tử vong.
Tại Bắc Mỹ, Mỹ là quốc gia có số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực cũng như trên thế giới. Nước này ghi nhận đã có 1.384.033 ca nhiễm, trong đó 81.703 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 16.395 ca nhiễm mới và 916 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, Brazil là quốc gia ảnh hưởng nặng nhất với 166.162 ca lây nhiễm, trong đó 11.343 ca tử vong. Xếp sau Brazil về số ca nhiễm và tử vong là Peru, Chile, Ecuador, Colombia, Argentina…/.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!