Thế giới tuần qua: WHO cảnh báo chủ nghĩa dân tộc về vaccine

Thế giới tuần qua (3-9/8) đã diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, từ những diễn biến cùng tác động của đại dịch COVID-19 và các vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut của Li-băng, sự kiện kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN cho tới việc Trung Quốc tỏ thiện chí hàn gắn quan hệ với Mỹ…

WHO: "Chủ nghĩa dân tộc về vaccine" không giúp đánh bại virus

 Nhiều nước đang bước vào "cuộc đua nước rút" để điều chế vaccine COVID-19. (Ảnh: Insider)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/8 cảnh báo chống lại "chủ nghĩa dân tộc về vaccine", nhấn mạnh rằng việc các nước giàu hơn dù tìm cách sở hữu vaccine vẫn không thể trở thành những "thiên đường an toàn" trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm virus.

WHO cũng cho biết có thể cần nhiều loại vaccine khác nhau để chiến đấu chống dịch COVID-19. Hiện 26 "ứng viên" vaccine đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó 6 loại đã đến giai đoạn 3 thử nghiệm trên diện rộng.

Tuy nhiên, người phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO Michael Ryan cảnh báo: "Giai đoạn 3 không có nghĩa là đã gần đến đích, mà chỉ là lần đầu tiên loại vaccine này được đưa ra thử nghiệm trên diện rộng để kiểm chứng khả năng bảo vệ con người chống lại sự lây nhiễm tự nhiên…Không có gì đảm bảo rằng cả 6 loại vaccine trên sẽ đưa ra câu trả lời, và chúng ta có thể cần nhiều vaccine cùng lúc để thắng trong cuộc chiến chống dịch".

Những thông điệp trên được WHO đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục tăng nhiệt trong tuần qua, với số ca nhiễm và ca tử vong mới vì dịch bệnh không ngừng tăng lên theo ngày. Theo số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 9/8, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã lên tới 19.785.628 ca, với 728.559 ca tử vong vì dịch bệnh. 

WTO dự báo thương mại toàn cầu giảm 13% trong năm nay

 WTO dự báo thương mại toàn cầu giảm 13% trong năm nay. Ảnh: GTM

 Ngày 4/8, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm 13% trong năm nay do các cú sốc từ cuộc khủng hoảng viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song mức dự báo này đã giảm đáng kể so với kịch bản bi quan - giảm 32% - được đưa ra trước đó.

Theo WTO, các biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp đặt trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động thương mại thế giới. Do đó, ngày càng có nhiều sự quan ngại trong WTO về khả năng các nước sẽ tiến tới tự cung tự cấp như một cách đối phó với dịch bệnh.

Việc tập trung sản xuất ở một quốc gia có thể dẫn tới hàng loạt cú sốc lớn hơn. Các quốc gia nên đa dạng hóa nguồn cung và đại dịch COVID-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu được định hình lại trong những năm tới.

Hiện WTO cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi phải kiềm chế những căng thẳng thương mại toàn cầu cũng như phối hợp các nỗ lực đối phó với COVID-19.

Thế giới hướng về Li-băng sau các vụ nổ thảm khốc

Vụ nổ gây thiệt hại nặng nề cho cảng ở Beirut (Ảnh: Reuters) 

Vào khoảng 18 giờ 10 phút ngày 4/8, 2.700 tấn ammoni nitrate trữ trong nhà kho tại cảng Beirut ở Li-băng đã phát nổ và và khiến thủ đô Beirut rơi vào hỗn loạn. Sự cố nghiêm trọng này đã khiến Tổng thống Li-băng kêu gọi áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần và tổ chức quốc tang vào ngày 5/8 để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ nổ.

Thảm kịch kinh hoàng xảy ra tại cảng Beirut khiến ít nhất 158 người chết và hơn 6.000 người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng đã đẩy Li-băng - quốc gia đang gặp muôn vàn khó khăn bởi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế - rơi vào tình trạng tồi tệ hơn. Thị trưởng Beirut, ông Marwan Abboud cho biết tổng thiệt hại sau thảm kịch tại thủ đô của Li-băng có thể lên tới 15 tỷ USD, bao gồm cả thiệt hại trực tiếp và gián tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh. Ông nói thêm rằng lượng lúa mì còn lại hiện nay có hạn và bày tỏ lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu cộng đồng quốc tế không hỗ trợ.

Trước vụ việc mới xảy ra ở Li-băng, các nước và nhiều tổ chức trên thế giới đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết và đề nghị hỗ trợ Li-băng vượt qua khó khăn. Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định sẵn sàng đánh giá thiệt hại và các nhu cầu của Li-băng  sau vụ nổ kinh hoàng và phối hợp với các nước đối tác huy động các nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động tái thiết tại đây. WB tuyên bố sẵn sàng cân đối lại các nguồn lực hiện có và xem xét bổ sung để giúp người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.

Kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN

Lễ thượng cờ kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao Lào - Ảnh: Tapchilaoviet 

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có đóng góp đáng kể cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới trong 53 năm qua. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith trong lễ thượng cờ kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2020) tại trụ sở Bộ Ngoại giao Lào ở thủ đô Viêng Chăn. 

Bộ trưởng Saleumsay nhấn mạnh một trong những thành tựu quan trọng đó là với tư cách là một tổ chức khu vực liên chính phủ, ASEAN tiếp tục tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên, cũng như giữa ASEAN với các đối tác đối thoại của hiệp hội trên các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương ASEAN và Hiệp ước Thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á, thông qua các cơ chế lãnh đạo của ASEAN (các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp; giải quyết tranh chấp hòa bình, các nguyên tắc đồng thuận và cùng có lợi trong khi tính đến sự đa dạng của khu vực).

Bộ trưởng Saleumsay khẳng định trong bối cảnh khu vực và thế giới đang phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - vốn đang đặt ra các mối đe dọa và tác động to lớn tới sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội, ổn định và an ninh, từ đầu năm tới nay, ASEAN và các đối tác đối thoại đã thể hiện sự đoàn kết và năng lực, đảm bảo tiếp tục thực hiện các sáng kiến, biện pháp và hoạt động theo ba trụ cột cộng đồng gồm Cộng đồng Chính trị - an ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa xã hội. ASEAN đã từng bước đạt được các thành tựu như thành lập Quỹ Hợp tác ứng phó với COVID-19, lập Kho Dự phòng vật tư y tế của khu vực ASEAN và soạn thảo Kế hoạch Phục hồi toàn diện ASEAN hậu COVID-19.

Trung Quốc khẳng định thiện chí sẵn sàng nối lại đối thoại với Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tân Hoa, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 5/8. (Ảnh: Xinhua)  

 Trung Quốc bác bỏ các mưu đồ tạo ra điều được gọi là “một cuộc chiến tranh Lạnh” mới và sẵn sàng nối lại đối thoại với Mỹ. Hai bên nên ngừng các ý định đối đầu, thúc đẩy quan hệ thông qua hợp tác và gia tăng trách nhiệm đối với thế giới.

Đây là những thông điệp do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn trên hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc, ngày 5/8, cùng với đánh giá rằng, Trung – Mỹ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Vương Nghị cũng khẳng định rõ lập trường rằng, Trung Quốc không muốn các mối quan hệ song phương với Mỹ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn nữa.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ bước vào các vòng đối thoại mang tính xây dựng với chúng tôi, dựa trên tinh thần bình đẳng… Chúng tôi hy vọng rằng, điều này sẽ có hữu ích trong việc hạ nhiệt những quan hệ căng thẳng, đưa các mối quan hệ trở về đúng quỹ đạo, không có xung đột hay đối đầu, cùng tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi… Điều này không chỉ góp phần mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước mà còn đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng quốc tế ” – ông Vương Nghị nói./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới