Nguy cơ gia tăng bất ổn ở Trung Đông, Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit lần thứ ba, công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia, đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài trong nhiều tháng... Đó là một số tin tức thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới trong tuần qua.
Nguy cơ gia tăng bất ổn ở Trung Đông
Ngày 26/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Trung Đông Nickolay Mladenov kêu gọi Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine chấm dứt các hành vi khiêu khích nhằm vào bên còn lại.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Palestine, ông Mladenov bày tỏ quan ngại rằng, những gì diễn ra trong 2 ngày qua đã cho thấy tình hình khu vực đang đứng trước “miệng hố chiến tranh”. Ông Mladenov cảnh báo các vụ phóng tên lửa bừa bãi do phong trào Hamas thực hiện về phía lãnh thổ Israel có nguy cơ làm gia tăng nguy cơ leo thang bạo lực và kêu gọi các bên thể hiện sự kiềm chế.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích hành vi của phong trào Hamas đang nắm quyền kiểm soát dải Gaza vì đã thực hiện các vụ phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ Israel.
Tình hình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi trong một tuyên bố đưa ra ngày 26/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào phong trào Hamas tại dải Gaza.
Cũng tại phiên họp, nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Thậm chí các nước Liên minh châu Âu (EU) còn bày tỏ quan điểm cho rằng, các hành vi đơn phương nhằm thay đổi đường biên giới là đi ngược lại trật tự thế giới vốn được hình thành dựa trên những nguyên tắc nhất định.
Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Cao nguyên Golan, sáng 28/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã bị cô lập khi 14 nước thành viên còn lại đều tỏ rõ quan điểm phản đối việc Washington công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng lãnh thổ tranh chấp này. Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vladmir Safronkov chỉ trích Washington đã vi phạm các bản nghị quyết của Liên hợp quốc và cảnh báo hành động này có nguy cơ làm gia tăng bất ổn ở Trung Đông.
Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit lần thứ ba
Ngày 29/3, với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống, Hạ viện Anh lần thứ 3 đã bác bỏ thỏa thuận Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với các nhà lãnh đạo EU hồi cuối năm ngoái. Động thái trên của Hạ viện Anh đã mở đường cho việc trì hoãn Brexit, hoặc có thể là dẫn tới kịch bản "thảm họa" Anh rời EU không có thỏa thuận.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp vào ngày 10/4 để thảo luận về vấn đề Brexit. Trên trang twitter của mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết rằng “do quyết định từ chối Thỏa thuận rút lui của Hạ viện Anh, tôi đã quyết định triệu tập cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 10/4”.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra thời hạn mới cho Thủ tướng Anh Theresa May với hy vọng tìm được sự ủng hộ cho thỏa thuận rút lui. EU cho biết nước Anh sẽ phải rời khỏi khối này vào ngày 12/4 nếu như bỏ phiếu ngày 29/3 tại Hạ viện lại thất bại. Trường hợp thỏa thuận Brexit được thông qua thì EU mới đồng ý để Anh lùi ngày rời khối này đến ngày 22/5.
Công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia
Ngày 29/3, các nhà điều tra vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia làm 157 người thiệt mạng hôm 10/3 đã công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ tai nạn. Qua phân tích các dữ liệu hộp đen, kết quả sơ bộ cho thấy, hệ thống an toàn tự động (MCAS) đã được kích hoạt trước khi máy bay bị rơi.
Chiếc máy bay Boeing 737 MAX vỡ vụn sau khi rơi xuống cánh đồng ở Addis Ababa, Ethiopia ngày 10/3/2019 (Ảnh: Getty Images)
Các nhà điều tra đã tập trung vào phân tích các vấn đề liên quan đến MCAS. Hệ thống này được Boeing lắp đặt trên mẫu 737 MAX – được cho là nguyên nhân chính dẫn tới hai vụ máy bay thảm khốc của hãng Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng và vụ tai nạn vừa qua của Ethiopian Airlines làm 157 người thiệt mạng. Cả hai vụ tai nạn máy bay nói trên đều xảy ra vào ít phút sau khi cất cánh.
Một báo cáo điều tra sơ bộ chính thức về vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia dự kiến sẽ được công bố vào đầu tuần tới.
"Gã khổng lồ hàng không” Boeing đã phải chịu nhiều sức ép sau khi xảy ra hai vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay 737 Max của hãng này. Ngày 27/3, Boeing đã mời hàng trăm phi công và phóng viên tới dự sự kiện công bố những thay đổi đối với hệ thống MCAS. Tập đoàn đã thực hiện chiến dịch nhằm thuyết phục dư luận rằng Boeing đang giải quyết vấn đề của dòng 737 MAX, trong đó có hệ thống MCAS.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài trong nhiều tháng
Ngày 28/3, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow nhận định các vòng đối thoại thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài trong nhiều tháng. Đây được xem là một tín hiệu mới nhất cho thấy sự “chững lại” trong tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhận định trên được ông Kudlow đưa ra trong bối cảnh đang xuất hiện những bình luận trái chiều về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Cùng ngày, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tới thủ đô Bắc Kinh để nối lại vòng đàm phán thương mại mới với các đại diện Trung Quốc. Đây là vòng đàm phán cấp Bộ trưởng đầu tiên giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, kể từ sau thời điểm Mỹ lùi thời hạn chót 1/3 để tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Vòng đàm phán này sẽ được tiếp nối bởi một sự kiện tương tự khác diễn ra ở Washington vào tuần tới.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan bất ngờ công bố kết quả bầu cử
Chiều 28/3, Ủy Ban bầu cử Thái Lan (EC) đã bất ngờ công bố kết quả kiểm phiếu của cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 vừa qua.
Theo EC, đảng Palang Pracha Rath giành được 8.433.060 phiếu, đảng Pheu Thai giành được 7.920.561 phiếu, đảng Tương lai mới giành được 6.265.918 phiếu, đảng Dân chủ giành được 3.947.702, đảng Niềm tự hào Thái (BJT) giành được 3.732.940. Tỷ lệ cử tri đi bầu là 74,69%, tỷ lệ phiếu hỏng là 5,57%, tương đương cuộc bầu cử năm 2011. Tỷ lệ phiếu "Không" là 1,58%.
Như vậy, đảng Palang Pracha Rath ủng hộ đương kim Thủ tướng Prayuth Chanocha liên nhiệm là đảng giành nhiều phiếu bầu nhất trong khi Pheu Thai, đảng giành nhiều ghế hạ nghị sỹ theo khu vực nhất, về thứ hai.
Tuy nhiên, theo EC, kết quả cuộc bầu cử sẽ chưa được phê chuẩn tới ngày 9/5 vì cơ quan bầu cử cần thời gian xử lý các khiếu kiện liên quan. Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết đã có 186 khiếu nại về cuộc bầu cử được gửi tới cơ quan này.
Ngày 29/3, EC cho hay sự cố phần mềm vi tính được cho là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn về số phiếu và chậm trễ trong công tác kiểm phiếu.
Các hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng
Báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 28/3 cho thấy các biểu hiện vật lý của biến đổi khí hậu đang gia tăng, tác động kinh tế xã hội của nó ngày càng nghiêm trọng và mức khí nhà kính kỷ lục đang đẩy nhiệt độ toàn cầu lên đến mức đáng lo ngại.
Báo cáo của WMO về tình trạng khí hậu toàn cầu đã được đưa ra trong cuộc họp báo chung tại Trụ sở Liên hợp quốc với sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc María Fernanda Espinosa và Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, bên lề cuộc họp cấp cao về "khí hậu và phát triển bền vững cho tất cả mọi người".
Báo cáo của WMO nhấn mạnh tình trạng mực nước biển dâng cao kỷ lục và nhiệt độ cao bất thường trong 4 năm qua trên bề mặt của đất liền và đại dương. Xu hướng ấm lên toàn cầu đã không dừng lại kể từ đầu thế kỷ này và sẽ tiếp tục diễn ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!