Thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam tại Davos, tình hình Venezuela diễn biến căng thẳng, Anh tiếp tục bế tắc với Brexit, chính phủ Mỹ sẽ vận hành đầy đủ trở lại, Nga và Nhật Bản hướng tới ký kết Hiệp ước hòa bình... Đó là một số tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.
Thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam tại Davos
Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 22 đến 25/1/2019, quy tụ khoảng 3.000 chính trị gia và doanh nhân toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hội nghị WEF Davos lần này với thông điệp hết sức mạnh mẽ, thể hiện khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trở thành một “Quốc gia đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định, trên con tàu Cách mạng công nghiệp 4.0 và Toàn cầu hoá 4.0, Việt Nam mong muốn là những hành khách đi đầu, tích cực cùng các quốc gia xây dựng một thế giới thịnh vượng. Với quyết tâm nắm bắt những cơ hội và lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nỗ lực vượt qua thách thức, tạo ra làn sóng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội và thời điểm thuận lợi để các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và xây dựng các trung tâm sản xuất trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thông điệp trên của Thủ tướng đã nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của các bạn bè, đối tác. Chính trên tinh thần đó, Thủ tướng đã cùng với lãnh đạo các nước, các nhà quản trị, nghiên cứu hàng đầu và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn thảo luận chia sẻ ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu; thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ thêm nguồn lực cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam thời gian tới.
Tình hình Venezuela diễn biến căng thẳng
Tình hình chính trị xã hội Venezuela tiếp tục diễn biến căng thẳng sau khi cả những người ủng hộ chính phủ và phe đối lập đồng loạt tổ chức các cuộc tuần hành và biểu tình với sự tham gia của hàng trăm nghìn người trên các đường phố ở thủ đô Caracas.
Ngày 24/1, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chỉ thị đóng cửa Đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự Venezuela tại Mỹ sau khi chính quyền Washington tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát tại Venezuela Juan Guaido – người vừa tự xưng danh là “Tổng thống lâm thời” của Venezuela.
Diễn biến này tiếp tục đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela lên một nấc thang căng thẳng mới khi chỉ 1 ngày trước đó, chính quyền Caracas đã đình chỉ các mối quan hệ ngoại giao với Washington, đồng thời yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao của Mỹ cần rời khỏi Venezuela trong vòng 72 tiếng đồng hồ.
Tổng thống Maduro cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách dàn xếp một cuộc đảo chính chống lại chính phủ của ông và ủng hộ nhà lãnh đạo tự xưng tại Venezuela.
Trước những diễn biến căng thẳng tại Venezuela, nhiều nước trên thế giới trong đó có Nga và Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Tổng thống Maduro và lên án mọi hành vi can thiệp từ bên ngoài vào tình hình quốc gia Nam Mỹ này.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres bày tỏ hy vọng các bên ở Venezuela sẽ tiến hành đối thoại, tránh leo thang dẫn đến xung đột có thể trở thành thảm họa đối với người dân Venezuela và khu vực.
Anh tiếp tục bế tắc với Brexit
Ngày 21/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã trình bày kế hoạch B về Brexit trước Hạ viện sau khi bản thỏa thuận ban đầu do bà đàm phán với các nhà lãnh đạo ở Brussels đã bị bác bỏ tại phiên bỏ phiếu của Quốc hội vào tuần trước.
Trong bài trình bày về phiên bản Brexit thay thế, bà May khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề đường biên giới giữa khu vực Bắc Ireland của Anh với Cộng hòa Ireland, đồng thời nỗ lực tìm kiến những giải pháp có thể được Quốc hội ủng hộ. Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề biên giới, song nhấn mạnh sẽ không đưa ra “sự thay đổi quan trọng nào” trong kế hoạch Brexit.
Thủ tướng Theresa May đã từ chối yêu cầu của các nghị sỹ đưa ra khi loại trừ khả năng đưa Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 3 một cách “mất trật tự” và không đạt thỏa thuận về các điều khoản Brexit cũng như mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. Ngoài ra, bà Theresa May cũng đã bác bỏ đề xuất do một số nghị sỹ Anh đưa ra nhằm tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác về số phận của Brexit vì cho rằng, việc làm này sẽ xóa bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, làm suy yếu niềm tin vào nền tảng dân chủ, gây tổn hại đến sự gắn kết xã hội và có nguy cơ tiếp tay cho những kẻ có âm mưu chia rẽ nước Anh.
Theo dự kiến, bản kế hoạch B về Brexit của bà Theresa May sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội vào ngày 29/1. Hiện vẫn chưa rõ liệu những đề xuất mới của bà Theresa May có thể giúp phá vỡ thế bế tắc và thu hẹp sự bất đồng của các đảng phái chính trị tại Anh về Brexit hay không.
Chính phủ Mỹ sẽ vận hành đầy đủ trở lại
Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động đầy đủ trở lại trong 3 tuần, qua đó chấm dứt tình trạng một phần chính phủ bị "đóng băng" trong hơn một tháng qua.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump và phe Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Tuy nhiên, dự luật này đặt ra thời hạn 3 tuần, tức là đến ngày 15/2 tới, để các nghị sỹ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới.
Dự luật trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo và cũng được Hạ viện Mỹ phê chuẩn ngay sau đó.
Trong những ngày qua, bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico là nguyên nhân khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho năm tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22/12/2018. Đợt đóng cửa chính phủ một phần này là dài nhất trong lịch sử Mỹ và đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương.
Nga, Nhật Bản hướng tới ký kết Hiệp ước hòa bình
Ngày 22/1, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kết thúc mà không mang lại giải pháp mang tính đột phá nào, ngoại trừ việc hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp ước hòa bình trong tương lai.
Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh ở thủ đô Moscow (Nga), Tổng thống Putin cho biết, ông và nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thảo luận về triển vọng của bản Hiệp ước hòa bình và đều tỏ rõ sự lưu tâm tới việc ký kết văn kiện này. Cũng theo Tổng thống Putin thì ngoài vấn đề trên, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Nga và Nhật Bản đã trở thành nội dung ưu tiên trong các vòng đối thoại giữa ông và Thủ tướng Abe vừa diễn ra ở thủ đô Moscow.
Trong khi đó, Thủ tướng Abe cũng cho rằng, việc giải quyết một vấn đề đã tồn tại từ hơn 70 năm qua kể từ sau khi Thế chiến thứ II kết thúc dù không phải là một sứ mệnh dễ dàng song cũng cần phải được hoàn tất. Ông Abe nhấn mạnh tính cần thiết của việc tiếp tục thúc đẩy sự tin tưởng và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Nga và Nhật Bản, cũng như việc đưa ra một giải pháp phù hợp cho cả hai nước. Thủ tướng Abe cho biết, ông và Tổng thống Putin cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi những nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ổn định, song nhiều nguy cơ
Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở ngưỡng 3% trong năm 2019 và năm 2020, trong bối cảnh đang xuất hiện những tín hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đã đạt đỉnh.
Đây là thông tin được Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo Viễn cảnh và Tình hình Kinh tế thế giới (WESP) 2019 từ trụ sở của tổ chức này ở New York (Mỹ), ngày 21/1.
Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, trong hai năm 2019 và 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 3%, tức là không có nhiều thay đổi so với mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2018. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về một “sự kết hợp đáng lo ngại của những thách thức phát triển có thể tiếp tục làm suy yếu tốc độ tăng trưởng”.
Nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris nhận định: “Chúng ta vẫn có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, song chúng ta cũng thấy ngày càng có nhiều nguy cơ rủi ro xuất hiện trên thực tế… Trong số những nguy cơ đang ngày càng trở nên hiện hữu này, thì gia tăng căng thẳng thương mại đã tác động tới vấn đề việc làm và thương mại toàn cầu…”./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!