Thế giới tuần qua: Thông điệp mạnh mẽ

Tuần qua (20-26/2), cùng với sự kiện Tổng thống Mỹ J.Biden đã có chuyến thăm lịch sử đầy bất ngờ tới Ukraine; hay Tổng thống V.Putin đọc thông điệp liên bang thường niên trước hai viện Hội đồng Liên bang Nga, được dư luận đánh giá là mang nhiều thông điệp, thế giới tiếp tục chứng kiến hàng loạt bất ổn đan xen như EU gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga; Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục hứng chịu động đất, hay Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông...

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ thăm Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky khi có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev, ngày 20/2/2023. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images) 

Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ J.Biden đã có chuyến thăm lịch sử đầy bất ngờ tới Ukraine, thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết với Kiev trong bối cảnh sắp tròn một năm Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Chuyến thăm này được giữ bí mật chặt chẽ cho đến phút chót, tái khẳng định cam kết kiên định, không lay chuyển của Mỹ đối với nền dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

Các nhà phân tích nhận định, chuyến thăm của ông J.Biden có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhuệ khí của quân đội Ukraine khi mà cuộc xung đột với Nga đang bước vào giai đoạn mới. Tuy nhiên, chuyến thăm này cũng hướng tới dư luận Mỹ bởi việc duy trì sự ủng hộ trong nước cho Kiev đóng vai trò quan trọng, nhất là vào thời điểm áp lực chiến tranh kéo dài đã khiến người Mỹ bắt đầu chia rẽ về việc Washington nên tiếp tục hỗ trợ Kiev trong bao lâu.

Tại cuộc họp báo ngày 20/2, Tổng thống Zelensky đã đã ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống J.Biden đóng vai trò “quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử mối quan hệ Ukraine và Mỹ". Ukraine hiện đang kêu gọi phương Tây tăng tốc hỗ trợ vũ khí trước dự báo về khả năng Nga tăng cường tấn công để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn hơn vào mùa Xuân năm nay. Nhằm giúp Ukraine trụ vững trong cuộc chiến không cân sức với Moscow trong gần một năm qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã đổ vũ khí, xe tăng và đạn dược tới Ukraine với hy vọng thay đổi cục diện xung đột.

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa biết khi nào sẽ kết thúc, thì rõ ràng, cột mốc tròn 1 năm là thời điểm quan trọng để ông J.Biden củng cố và thể hiện rõ tinh thần đoàn kết với Ukraine. Nhà Trắng hy vọng chuyến thăm của Tổng thống J.Biden đến Kiev và sau đó là Warsaw sẽ củng cố quyết tâm của Mỹ và các đồng minh trong vấn đề Ukraine.

Tổng thống V.Putin khẳng định sức mạnh của nước Nga

Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik) 

Đúng 12h05 giờ Moskva (16h05 giờ Hà Nội) ngày 21/2, tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở thủ đô Moskva, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp liên bang trước hai viện Quốc hội LB Nga. Đây là thông điệp đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2 năm ngoái và là thông điệp liên bang thứ 18 của ông trước nghị viện.

Thông điệp rất được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm này của Tổng thống Nga kéo dài 1giờ 45 phút, đã đề cập đến nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng, trong đó tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (New START) với Mỹ và đề cập chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho người dân nước này nhưng không đạt được mục đích "đánh bại Nga trên mặt trận kinh tế". Ông khẳng định trước Quốc hội rằng nước này có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. 

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ông nêu rõ điều này là do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham gia vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga với mục tiêu gây “thất bại chiến lược cho Nga”. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng ngoài kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, cần phải tính tới kho vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp. Ông yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga và tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom phải sẵn sàng cho các vụ thử hạt nhân trong trường hợp cần thiết, nhưng lưu ý rằng Moskva sẽ không phải là bên đầu tiên thực hiện các hoạt động này. 

Tổng thống Putin nêu rõ người dân Nga được nuôi dưỡng theo tấm gương của tổ tiên vĩ đại và có nghĩa vụ phải xứng đáng với truyền thống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông nhấn mạnh rằng người dân Nga là cội nguồn sức mạnh và các quyền của công dân là bất khả xâm phạm. Cuộc bầu cử vào các cơ quan địa phương và khu vực cũng như các cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức theo đúng luật định.

EU gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga

Kể từ cuối tháng 2/2022, EU đã thông qua 9 gói trừng phạt đối với Nga. (Ảnh: Sputnik) 

Thông báo chính thức của Liên minh châu  Âu (EU) ngày 20/2 nêu rõ, Hội đồng châu Âu đã thông qua việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đến ngày 24/2/2024. 

Kể từ cuối tháng 2/2022, EU đã thông qua 9 gói trừng phạt Nga, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân. Các biện pháp trừng phạt cá nhân của khối này hiện áp dụng với 1.386 cá nhân và 171 tổ chức.

Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell ngày 20/2 nhấn mạnh các nước thành viên EU cần thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga trong tuần này, cụ thể là trước ngày 24/2.

Theo ông Borrell, các biện pháp này sẽ nhằm vào thêm 4 ngân hàng Nga, các mặt hàng nhập khẩu từ Nga, trong đó có cao su, và các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, trong đó có các xe hạng nặng. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố chính sách kiềm chế và làm suy yếu Nga là một phần trong chiến lược dài hạn của phương Tây, trong khi chính các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu và khiến cuộc sống của hàng triệu người trở nên tồi tệ.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục hứng chịu động đất

Người dân tập trung ở những khu vực trống sau trận động đất tối 20/2. (Ảnh: Xinhua) 

Hai tuần sau thảm họa động đất kinh hoàng ngày 6/2, tối 20/2, khu vực miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phải hứng chịu hai trận động đất mạnh 6,4 và 5,8 độ richter khiến hơn 200 người thương vong.

Truyền thông nước ngoài cho biết, trận động đất thứ nhất xảy ra vào lúc 20 giờ 04 phút có độ lớn 6,4 độ richter ở huyện Defne, tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực tiếp giáp với biên giới Syria. Tiếp theo sau, vào lúc 20 giờ 07 phút lại xảy ra trận động đất có độ lớn 5,8 độ richter ở huyện Samandag cũng thuộc tỉnh này, tâm chấn cách Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, khoảng 40km.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những dư chấn của động đất đã được cảm nhận ở Syria, Jordan, Israel và Ai Cập. Các báo cáo cho biết, một số người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát sau hai vụ động đất mới này. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu dẫn số liệu thống kê cho thấy, động đất đã khiến 3 người đã thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương.

Trong khi đó, Trung tâm Động đất Quốc gia Syria cũng báo cáo về một trận động đất mạnh 6,3 độ richter đã được cảm nhận ở một số khu vực của Syria vào đêm 20/2. Báo cáo từ Trung tâm Động đất Quốc gia Syria cho biết trận động đất xảy ra lúc 20 giờ 04 phút tối giờ địa phương (17 giờ 04 phút giờ GMT), đồng thời cho biết thêm rằng tâm chấn của trận động đất là tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Các trận động đất mới xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào đêm 20/2 khiến cho tình hình ở hai quốc gia vốn đã chịu nhiều tổn thất sau thảm họa động đất cách đây 2 tuần càng trở nên bi đát. Theo số liệu thống kê mới nhất, các trận động đất mạnh 7,8 và 7,6 độ richter xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria vào ngày 6/2, đã khiến hơn 47.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa. Ước tính có khoảng 385.000 căn hộ bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong khi nhiều người vẫn mất tích. Thiệt hại kinh tế sau thảm họa dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD.

Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía Đông

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về các vụ phóng tên lửa do Triều Tiên thực hiện vào sáng 20/2. (Ảnh cắt từ bản tin Yonhap)  

Sáng 20/2, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBMs) từ khu vực Sukchon thuộc tỉnh phía Nam Pyongan ra vùng biển phía Đông nước này.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, các vụ phóng tên lửa diễn ra trong khoảng 7 giờ sáng đến 7 giờ 11 phút sáng 20/2. Các tên lửa đã bay lần lượt khoảng cách 390 km và 340 km.

Vài giờ sau vụ phóng tên lửa, Hãng Thông tấn Trung ương chính thức của Triều Tiên (KCNA) xác nhận đơn vị pháo binh của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa từ bệ phóng tên lửa đa nòng 600 mm trong khuôn khổ một cuộc tập trận, nhằm vào các mục tiêu cách đó lần lượt 395 km và 337 km. 

Trong tin nhắn gửi tới các phóng viên, JCS nêu rõ, quân đội Hàn Quốc mạnh mẽ lên án các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, coi đây là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" làm tổn hại đến hòa bình và ổn định không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc coi vụ phóng tên lửa là hành vi vi phạm "rõ ràng" các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi Triều Tiên chấm dứt ngay các hành động khiêu khích tương tự.

Tiếp đó, ngày 24/2, Triều Tiên xác nhận đã tiến hành cuộc diễn tập phóng tên lửa hành trình chiến lược vào rạng sáng 23/2 nhằm thể hiện “trạng thái sẵn sàng chiến đấu” của lực lượng tác chiến hạt nhân nước này.

Những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ, ngày 19/2 đã khởi động tập trận chung với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom chiến lược B-1B. Vụ phóng mới nhất này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa./.

Theo ĐCSĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới