Thế giới tuần qua: Sự ghi nhận và kỳ vọng

Cùng với diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, những dự báo thận trọng về thị trường dầu mỏ và triển vọng kinh tế thế giới..., trong tuần qua (10-16/10), sự kiện Đại hội đồng LHQ bầu 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ mới đã thu hút quan tâm đặc biệt của dư luận. Mỗi là phiếu bầu không chỉ là sự ghi nhận mà còn nhằm gửi gắm kỳ vọng vào vai trò đóng góp của các nước trong sứ mệnh bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Đại hội đồng LHQ bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam tái trúng cử

 Cuộc họp toàn thể lần thứ 17 của Đại hội đồng LHQ được tổ chức để bầu 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: UN

Ngày 11/10, tại Trụ sở Liên Hiệp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ mới sẽ phục vụ trong thời hạn 3 năm, bắt đầu từ tháng 1/2023.

Các thành viên LHQ tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020 (1 nước rút ứng cử vào phút chót).

Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. 

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới (14 thành viên mới). Việc tiếp tục trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.

OPEC lần thứ tư liên tiếp cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới

Ảnh minh họa: Reuters.  

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 12/10 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 và 2023 lần thứ tư liên tiếp kể từ tháng 4/2022, trong bối cảnh các nền kinh tế đang chậm lại, các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 của Trung Quốc gia tăng và lạm phát cao.

Trong báo cáo hàng tháng của mình, OPEC cho biết, nhu cầu dầu sẽ tăng khoảng 2,64 triệu thùng/ngày (2,7%) trong năm 2022, giảm 460.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

OPEC cho hay nền kinh tế thế giới đã bước vào thời kỳ đầy bất ổn và thách thức gia tăng, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao, các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, mức nợ chính phủ của nhiều nước cao cũng như các vấn đề về nguồn cung đang diễn ra.

Triển vọng nhu cầu thấp hơn cung cấp thêm bối cảnh cho động thái tuần trước của OPEC và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, thực hiện cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ năm 2020 để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, ngay cả sau khi thực hiện động thái trên, OPEC vẫn kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ mạnh hơn trong năm nay và năm 2023 so với Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cơ quan đưa ra dự báo mới nhất vào ngày 13/10.

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16 - 22/10

 
 Hình ảnh tại hội nghị trù bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chiều 15/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì hội nghị trù bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XX). Các đại biểu dự hội nghị đã thông qua danh sách gồm 22 thành viên Ban tư cách đại biểu, danh sách 243 thành viên Đoàn Chủ tịch Đại hội XX. Hội nghị đã thông qua việc Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Thứ nhất Ban Bí thư Trung ương Đảng Vương Hộ Ninh sẽ làm Tổng Thư ký của Đại hội XX. Hội nghị trù bị cũng đã thông qua chương trình làm việc của Đại hội XX.

Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX  khai mạc vào 10 giờ sáng 16/10,  dự kiến kéo dài trong vòng từ 7-10 ngày. Tại Đại hội lần này, khoảng 2.300 đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tề tựu tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh để bầu chọn ban lãnh đạo đảng trong 5 năm tới. Kỳ Đại hội này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất”, với việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2021. Đây cũng là kỳ Đại hội của chuyển đổi giai đoạn phát triển, bước sang giai đoạn mới 100 năm tiếp theo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với việc thực hiện mục tiêu “100 năm lần thứ hai”, đưa Trung Quốc phát triển mạnh lên, trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI.

Theo kế hoạch, sau khi Đại hội XX bế mạc ngày 22/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX sẽ tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ nhất (Hội nghị Trung ương 1 khóa XX). Sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 1, Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa mới sẽ gặp mặt các nhà báo Trung Quốc và nước ngoài.

Thận trọng trước những diễn biến của đại dịch COVID-19

 Ảnh minh họa: Reuters

* Trong thông báo đưa ra ngày 12/10, Tổng chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo số ca mắc COVID-19 trên khắp châu lục đang có xu hướng gia tăng. Theo dữ liệu của WHO, châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng trong tuần cuối tháng 9, đầu tháng 10. So với tuần trước đó, số ca mắc bệnh tăng 8%.

Các chuyên gia y tế cảnh báo việc người dân đã quá chán nản với tiêm chủng, cũng như nhầm lẫn về các loại vaccine, có thể làm hạn chế khả năng nâng cao tỷ lệ tiêm mũi vaccine tăng cường tại châu Âu. Trong khi đó, WHO và ECDC cảnh báo hàng triệu người tại châu Âu vẫn chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hai tổ chức y tế kêu gọi các nước châu Âu tiêm đồng thời vaccine cúm và COVID-19 cho người dân trước khi số ca mắc cúm mùa tăng mạnh, điều được dự đoán sẽ xảy ra. Trong đó, các nhóm cư dân dễ bị tổn thương, gồm người trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, nên tiêm đồng thời vaccine cúm và COVID-19.

* Bên cạnh những mối lo về diễn biến dịch bệnh tại châu Âu, trong tuần qua, Giới chức y tế Ấn Độ đã cảnh báo về mối đe dọa mới từ biến thể Omicron BF.7 đột biến nhanh và độc hại hơn khi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước nhiễm biến thể này. Các chuyên gia y tế cộng đồng đã khuyến cáo người dân phải thận trọng vì các biến thể BF.7 và BA.5.1.7 của Omicron được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng mạnh số ca mắc COVID-19 gần đây ở Trung Quốc. Điều này đã khiến giới chức Trung Quốc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa ở nhiều tỉnh. Các biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền mạnh hơn. Giới chuyên gia kêu gọi người dân phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp để tránh sự gia tăng số ca mắc trong bối cảnh Ấn Độ đang chứng kiến xu hướng giảm số ca mắc bệnh và các trường hợp tử vong mới.

Nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái

Ảnh minh họa: KT 

Hai quan chức đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo nguy cơ suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, do lãi suất tăng trong khi các nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng chậm lại.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva ngày 10/10 cho biết trong ba năm qua, thế giới đã phải trải qua những sự kiện khó tin và đang gây ra những hậu quả đáng kể như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng các thảm họa khí hậu. Theo bà, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ một môi trường có lạm phát thấp và lãi suất thấp sang một thế giới "dễ biến động và mong manh hơn."

IMF đã tính toán rằng khoảng 30% trong số các nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm nay và năm sau. Ngoài ra, khoảng 4.000 tỷ USD sẽ bị mất đi vào năm 2026 do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại - con số này gần tương đương với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.

Đồng quan điểm, Chủ tịch WB David Malpass cho biết nền kinh tế thế giới đang đối mặt nguy cơ suy thoái trong năm tới, đồng thời cho biết thêm các nền kinh tế tiên tiến đang tăng trưởng chậm lại. Ông giải thích: "Đồng tiền mất giá có nghĩa là gánh nặng nợ đối với các nước đang phát triển ngày càng trở nên nặng nề hơn. Việc tăng lãi suất cũng sẽ gây thêm sức nặng cho các khoản nợ đó. Và lạm phát vẫn cũng là một vấn đề lớn đối với tất cả người dân, đặc biệt là đối với người nghèo."/.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới