Thế giới tuần qua (17-23/2) đã diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý: Tình hình chiến sự tại Syria; cuộc tổng tuyển cử diễn vào thời điểm then chốt ở Iran; cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Libya; những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19; châu Âu "tuyên chiến" với nạn tin giả...
Chiến trường Syria lại “tăng nhiệt”
Khoảng 900.000 dân thường– phần lớn là phụ nữ và trẻ em – đã phải đi lánh nạn từ khi chiến dịch của chính phủ Syria bắt đầu tháng 12/2019. Ảnh: AFP |
Một thảm họa nhân đạo đang có nguy cơ xảy ra ở Tây Bắc Syria khi chính phủ của Tổng thống Assad đang tìm cách giành lại Idlib từ lực lượng nổi dậy. Các cuộc không kích cùng chiến dịch trên mặt đất ở Tây Bắc Syria đã khiến gần 1 triệu dân thường phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 12/2019 – con số lớn nhất trong 9 năm nội chiến kéo dài ở Syria.
Tháng 4/2019, Quân đội Syria tiến hành chiến dịch nhằm vào phía Bắc Hama và phía Nam Idlib. Liên hợp quốc cho biết, 500 dân thường đã thiệt mạng và 400.000 người mất nhà ở trong 4 tháng sau đó trước khi một lệnh ngừng bắn được tuyên bố.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 900.000 dân thường– phần lớn là phụ nữ và trẻ em – đã phải đi lánh nạn từ khi chiến dịch của chính phủ Syria bắt đầu tháng 12/2019. Chỉ riêng trong tháng 2/2020, có khoảng 300.000 người mất nhà ở.
Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 21/2, người đứng đầu tổ chức này - ông Antonio Guterres đã phát đi thông điệp rằng “cơn ác mộng nhân đạo do con người gây ra đối với người dân Syria” cần phải chấm dứt ngay lập tức. Theo ông Guterres thì thông điệp mà ông muốn phát đi rất rõ ràng, đó là không hề tồn tại một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria mà giải pháp duy nhất vẫn là thông qua con đường chính trị.
Iran bắt đầu tổng tuyển cử
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Ảnh: IRNA |
Ngày 21/2, các cử tri Iran đi bỏ phiếu bầu 290 đại biểu Quốc hội khóa mới trong số hơn 7 ngàn ứng viên, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và bất ổn xã hội do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Trong cuộc bầu cử lần này, hơn 57 triệu người dân có đủ điều kiện để bỏ phiếu tại hơn 54.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước trong đó có khoảng 40.000 điểm phiếu cố định. Bộ Nội vụ Iran đảm bảo rằng các cuộc bầu cử được tổ chức trong một bầu không khí an toàn và lành mạnh.
Cuộc bầu cử lần này một lần nữa là cuộc đua tranh quyết liệt của phe cải cách ủng hộ Tổng thống Hassan Rouhani và phe bảo thủ trung thành với Đại giáo chủ Ali Khamenei. Trước đó, ngày 20/2, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamemei kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh đây là một “nghĩa vụ tôn giáo”.
Cuộc bầu cử lần này chính là phép thử đối với Tổng thống Rouhani. Kết quả bầu cử sẽ báo hiệu triển vọng chính trị của ông khi năm tới Iran sẽ bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, thật khó để dự đoán cuộc bầu cử Quốc hội lần này có phải là cơ hội để giúp Iran thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị hay không.
Các bên tham chiến tại Libya nối lại đàm phán
Lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại Salah Al-Din, Tripoli, Libya, ngày 13/2/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN) |
Các bên tham chiến tại Libya ngày 20/2 đã trở lại các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm cứu vãn lệnh ngừng bắn mong manh tại quốc gia Bắc Phi này.
Trước đó, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tuyên bố rút khỏi đàm phán để phản ứng với vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) nhằm vào cảng biển ở thủ đô Tripoli. Vụ tấn công nói trên là vi phạm mới nhất đối với thỏa thuận ngừng bắn hiện nay giữa GNA và LNA đạt được ngày 12/1 do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Đây là một phần nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho Libya sau nhiều năm nội chiến. Tuy nhiên, tình hình chiến sự tiếp diễn đã đe dọa các nỗ lực hòa bình. Thỏa thuận ngừng bắn hiện nay đạt được hôm 12/1, do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, song đã liên tục bị các bên vi phạm.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA ở thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi lực lượng LNA của Tướng Khalifa Hafta ở miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Bạo lực tại Libya gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Trả lời truyền thông ngày 20/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng cuộc khủng hoảng tại Libya thiếu những giải pháp để có thể ngăn ngừa xung đột.
Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản
Nhân viên một ngân hàng ở Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: Reuters |
Ngày 20/2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm thêm 0,1%, xuống 4,05%. Lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm giảm 0,05% xuống 4,75%. Mục tiêu của giới chức nước này là giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế đang chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh bùng phát.
Việc PBOC hạ lãi suất cho vay cơ bản nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, vượt qua khó khăn là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay hai kỳ hạn được cắt giảm khác nhau là việc ngoài dự báo của các chuyên gia trước đây.
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, động thái trên của PBOC là phù hợp với nhận định trước đó về tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế Trung Quốc là "tạm thời" và "ngắn hạn". Nên trọng tâm hỗ trợ lần này sẽ tập trung vào các khoản vay ngắn hạn. Còn đối với các khoản vay dài hạn vẫn không giảm nhiều, nhằm tránh bong bóng bất động sản.
Dịch COVID-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, do nhiều nhà máy và doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa. Vài tuần gần đây, giới chức Trung Quốc liên tục tung kích thích để duy trì tăng trưởng.
Châu Âu yêu cầu các hãng công nghệ kiểm soát tin giả
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 17/2, phát biểu ý kiến trước báo giới sau buổi làm việc với nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg tại Brussels (Bỉ), Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên hiệp châu Âu (EU) Thierry Breton nêu rõ, nếu tất cả các "ông lớn" công nghệ hoạt động tại châu Âu không tuân thủ các điều kiện do ông soạn thảo mới đây, nhà chức trách "lục địa già" sẽ "buộc phải can thiệp với cách thức nghiêm ngặt hơn".
Ủy viên Breton cũng cho biết, vào cuối năm nay, ông sẽ quyết định việc ban hành các quy định mới chặt chẽ hơn trong khuôn khổ Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số nhằm kiểm soát các nền tảng trực tuyến, cũng như nâng cao trách nhiệm của các nhà điều hành những nền tảng này. Theo ông, những quy định mới có thể mang tính ràng buộc để ngăn chặn việc phát tán các phát ngôn thù địch và tin giả.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourova cũng đã gặp CEO Facebook. Quan chức EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát các phát ngôn thù địch, thông tin giả trên các nền tảng công nghệ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!