Cùng với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do các biến thể phụ BA.4 và BA.5, gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, nắng nóng kỉ lục ở khu vực châu Âu, thế giới tuần qua (10 - 17/7) cũng chứng kiến những biến động trong đời sống chính trị, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka và cuộc chạy đua mới vào chiếc ghế Thủ tướng Anh, Tổng thống Italy bác đơn xin từ chức của Thủ tướng,…
Biến thể phụ BA.4 và BA.5 gây ra làn sóng dịch bệnh mới
Tuần qua, nhiều nước chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do sự hoành hành của hai biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, BA.5 có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 gấp 4 lần so với các biến thể phụ khác của Omicron là BA.1, BA.2, BA.3 và BA.4. Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu. Nghiên cứu khẳng định biến thể này có khả năng kháng lại các loại vaccine RNA bao gồm cả vaccine của Pfizer và Moderna.
Hiện biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 chiếm tới hơn 80% ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ (Ảnh minh họa: RNZ) |
Theo báo cáo do Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hiện biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 chiếm tới hơn 80% ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này.
Trong khi đó, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan khẳng định, số ca mắc COVID-19 thông báo lên tổ chức này đã tăng 30% trong hai tuần qua. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do sự hoành hành của biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, cũng như việc các nước dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch. Quan chức này của WHO lưu ý, những thay đổi mới đây trong chính sách xét nghiệm của nhiều nước đang cản trở việc phát hiện các ca nhiễm và giám sát sự phát triển của virus.
Trước sự lây lan đáng lo ngại của các biến thể phụ BA.4 và BA.5 tại Mỹ, các chuyên gia nhấn mạnh người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế công cộng, gồm đeo khẩu trang trong không gian kín, tránh đám đông và tiêm liều vaccine tăng cường. Những biện pháp này vẫn được chứng minh là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm biến thể BA.4 và BA.5 chuyển nặng, nhập viện và tử vong. Những người từ 50 tuổi trở lên hoặc bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng được khuyến cáo nên tiêm liều vaccine tăng cường thứ 2.
Khủng khoảng nghiêm trọng ở Sri Lanka
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ngày 13/7 đã rời khỏi đất nước chỉ vài giờ trước khi ông từ chức theo kế hoạch, trước sức ép từ các cuộc biểu tình của người dân vì khủng hoảng kinh tế tồi tệ.
Người biểu tình xông vào dinh thự của Tổng thống Sri Lanka hôm 10/7/2022. (Ảnh: AFP) |
Động thái này của Tổng thống Sri Lanka diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát vào cuối tuần trước. Hàng trăm nghìn người chiếm các tòa nhà chính phủ quan trọng ở Colombo, đổ lỗi cho Tổng thống Rajapaksas và các đồng minh về tình trạng lạm phát, tham nhũng và thiếu nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.
Theo giới quan sát, sự quản lý yếu kém của chính quyền Sri Lanka đã làm suy yếu sức khỏe tài chính của đất nước. Chi tiêu công vượt quá thu nhập, trong khi sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước không thể đáp ứng nhu cầu. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng sau khi chính quyền ông Rajapaksa ban hành các đợt cắt giảm thuế mạnh tay. Đại dịch COVID-19 đã xóa sổ các nguồn thu lớn của Sri Lanka, nhất là từ ngành công nghiệp du lịch. Trong khi đó, kiều hối do những công dân làm việc ở nước ngoài gửi về cũng giảm mạnh, một phần do tỷ giá hối đoái không linh hoạt.
Các cơ quan xếp hạng đã cảnh báo về tình hình tài chính công và khả năng trả nợ nước ngoài của Sri Lanka. Kể từ năm 2020, họ liên tục hạ xếp hạng tín nhiệm của đảo quốc. Cuối cùng, Sri Lanka bị loại bỏ khỏi thị trường tài chính quốc tế.
Sri Lanka đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ, sau khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục, cạn kiệt đồng USD để trả cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka ngày càng nghiêm trọng khiến hàng triệu người phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và thiếu lương thực.
Ngày 15/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này từ chức. Chủ tịch Quốc hội Abeywardana cho biết Quốc hội sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 tới sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19/7.
Xuất hiện nhiều ứng viên cho ghế Thủ tướng Anh, Thủ tướng Italy xin từ chức bất thành
*Ngày 10/7, Ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo sẽ tham gia cuộc đua cho cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng Anh sau khi ông Boris Johnson tuyên bố từ chức. Như vậy cho đến nay, số ứng cử viên tham gia cuộc đua tranh cử chức vụ Thủ tướng Anh đã lên tới 11 người. Trong đó, ít nhất 8 Bộ trưởng và cựu Bộ trưởng Anh thông báo ứng cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, bao gồm Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Penny Mordaunt, Bộ trưởng Tư pháp Suella Braverman, cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch, cựu Bộ trưởng Y tế và Tài chính Sajid Javid và cựu Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt.
Ngày 7/7 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ trong bối cảnh nhà lãnh đạo này vướng phải một loạt bê bối không thể chống đỡ. Ông Johnson sẽ vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo Chính phủ Anh cho đến khi đảng Bảo thủ cầm quyền bầu lãnh đạo mới vào mùa Thu tới.
Ngoại trưởng Anh Lizz Truss tuyên bố tranh cử Thủ tướng. (Ảnh: Reuters) |
*Trong khi đó, tại Italy, ngày 14/7, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết ông sẽ từ chức, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát do Phong trào 5 Sao (M5S) từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bác đơn xin từ chức của Thủ tướng Mario Draghi và yêu cầu Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội để đánh giá tình hình chính trị.
Theo giới phân tích, sự rút lui của M5S khiến chính phủ Italy đứng trước nguy cơ sụp đổ thực sự và có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm do trước đó ông Draghi đã tuyên bố sẽ không lãnh đạo một chính phủ nếu thiếu sự tham gia M5S.
WHO triệu tập cuộc họp thứ hai của ủy ban tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 14/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo triệu tập họp ủy ban chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 21/7 tới để quyết định liệu căn bệnh này có cấu thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay không.
Đây sẽ là cuộc họp thứ hai của ủy ban trên, được triệu tập trong bối cảnh WHO đã ghi nhận 9.200 ca mắc căn bệnh này tại 63 quốc gia trên thế giới tính đến ngày 12/7. Sự gia tăng ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận từ đầu tháng 5 bên ngoài các nước Tây Phi và Trung Phi, nơi căn bệnh này từng bùng phát thành dịch bệnh.
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại trung tâm cách ly ở Zomea Kaka thuộc vùng Lobaya (Cộng hòa Trung Phi), ngày 18/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trước đó, ủy ban trên của WHO đã nhóm họp ngày 23/6 để quyết định liệu đậu mùa khỉ có cấu thành cái gọi là Tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng quốc tế (PHEIC) hay không. Đây là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố. Tuy nhiên, đa số thành viên ủy ban đã khuyến nghị Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus rằng hiện tại tình hình chưa đến mức đó.
Cuộc họp thứ hai sẽ được tổ chức vì số ca mắc đang liên tục gia tăng. Thông báo của WHO nêu rõ: "Ủy ban tình trạng khẩn cấp sẽ trình bày quan điểm của mình với Tổng giám đốc WHO về việc liệu tình hình hiện nay có được coi là PHEIC không. Nếu có, ủy ban sẽ đưa ra các khuyến cáo tạm thời về cách phòng tránh tốt hơn và giảm sự lây lan của bệnh cũng như quản lý hoạt động ứng phó y tế cộng đồng toàn cầu". Dự kiến sau cuộc họp, WHO sẽ đưa ra tuyên bố chính thức.
Theo WHO, đến nay, hầu hết ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở nam giới, có quan hệ đồng tính, tuổi trẻ và ở khu vực đô thị. Ủy ban trên sẽ dựa trên các xu hướng, các biện pháp phòng bệnh hiệu quả và đưa ra khuyến cáo cho quốc gia và cộng đồng để ứng phó với dịch.
Châu Âu trải qua tuần nóng như đổ lửa
Tính đến ngày 15/7, đợt nắng nóng khắc nghiệt ở khu vực Tây Nam của châu Âu đã kéo dài suốt 5 ngày và làm bùng phát nhiều đám cháy rừng, buộc hàng nghìn người phải sơ tán cũng như làm hỏng kế hoạch nghỉ hè của nhiều người dân nơi đây.
Tại Bồ Đào Nha, 5 vùng ở miền Trung và miền Bắc nước này có nền nhiệt trong ngày 14/7 lên tới 47 độ C. Tính đến cuối ngày 14/7, cháy rừng tại Bồ Đào Nha đã khiến 1 người thiệt mạng, 60 người bị thương, gần 900 người phải sơ tán và hàng chục nhà dân bị hư hại hoặc cháy rụi hoàn toàn.
Ngày 15/7, Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì nắng nóng (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tại nước láng giềng Tây Ban Nha, nhiệt độ vào 7h sáng ngày 14/7 đã lên tới 37 độ C và trong ngày có lúc lên tới 45,4 độ C, gần mức cao kỷ lục 47,4 độ của tháng 8 năm ngoái. Cháy rừng đã bùng phát tại Công viên quốc gia. Cơ quan chức năng nước này cho biết hiện đang có 20 đám cháy chưa thể khống chế, trong đó có một đám cháy ở thủ phủ Malaga của vùng Mijas buộc hơn 2.300 người dân địa phương phải sơ tán.
Tại Tây Nam nước Pháp, cháy rừng đã thiêu rụi 7.700 ha đất và khiến 11.000 người sơ tán. Trong ngày 15/7, khu vực miền Nam nước Pháp trải qua nhiệt độ nắng nóng lên tới 40 độ C. Dự báo trong tuần tới, nhiệt độ tại khu vực này sẽ còn tăng cao và có 16 khu vực đã phát đi cảnh báo nghiêm trọng về nắng nóng.
Trong khi đó, ngày 15/7, Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cảnh báo đỏ "nắng nóng đỉnh điểm" tại nhiều vùng ở xứ England trong đầu tuần tới khi nhiệt độ được dự báo có thể lên đến các mức cao kỷ lục.
Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng các đợt nắng nóng hiện nay là do biến đổi khí hậu. Các hoạt động đốt than đá, khí đốt và dầu mỏ của con người đã khiến thời tiết nóng hơn, các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!