Bên cạnh những diễn biến dai dẳng của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, thế giới tuần qua (31/8-6/9) đã diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý, từ tranh chấp biên giới Trung-Ấn, bức tranh kinh tế ảm đạm tại nhiều nước châu Âu, thương chiến Mỹ-Trung, cho tới diễn biến mang tính "hàn gắn lịch sử" trong quan hệ Israel - UAE và việc các nước G20 tăng cường hợp tác vượt qua đại dịch COVID-19...
Tổ chức y tế thế giới cảnh báo thảm họa nếu mở cửa thiếu kiểm soát
Các tình nguyện viên phân phát thức ăn cho những người dân gặp khó khăn sau khi các biện pháp hạn chế kéo dài cả tuần được áp dụng để kiềm chế dịch COVID-19 ở Kathmandu, Nepal ngày 31-8 . Ảnh: AFP |
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 31/08, người đứng đầu WHO thừa nhận rằng, nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát trước sự lây lan của SARS-CoV-2 là "cách làm dẫn tới thảm họa".
Người đứng đầu WHO cũng nhận định, đại dịch lần này sẽ “xóa sổ” nhiều thành tựu phát triển y tế, trong bối cảnh hơn 90% các nước trên toàn cầu chứng kiến các dịch vụ y tế cơ bản bị gián đoạn.
Ngoài ra, WHO cho rằng mặc dù mọi quốc gia đều có quyền cấp phép lưu hành các loại thuốc mà không cần trải qua đầy đủ mọi giai đoạn thử nghiệm, nhưng hoạt động cấp phép khẩn cấp đối vắc-xin COVID-19 cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, với một sự nghiêm túc và cân nhắc thận trọng.
Theo số liệu thống kê do wordometers.info công bố sáng sớm 6/9, thế giới đã ghi nhận 27.043.179 ca nhiễm COVID-19, với 882.986 ca tử vong.
Trung, Ấn lại căng thẳng về biên giới
Phái đoàn Ấn Độ (phải) và Trung Quốc gặp nhau bàn về căng thẳng biên giới tại Moskva hôm 4/9. Ảnh: ANI. |
Ngày 5/9, Ấn Độ và Trung Quốc đã cáo buộc lẫn nhau gây căng thẳng dọc khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở phía Tây dãy Himalaya. Động thái trên được đưa ra sau cuộc hội đàm cấp cao nhất, giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước, kể từ khi xảy ra các cuộc đụng độ gây thương vong hồi tháng 6 khiến 2 bên đều có động thái tăng cường lực lượng tới khu vực biên giới.
Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ vào tối 4/9, bên lề Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Moskva, Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã đưa ra các tuyên bố đổ lỗi cho nhau về việc làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, tại cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn về tranh chấp và mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho rằng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết đối đầu thông qua đàm phán.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn tới căng thẳng là do Ấn Độ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, hai bên cần nghiêm túc thực hiện đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được và tiếp tục cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn.
Kinh tế nhiều nước châu Âu suy giảm trầm trọng
Một quán bar đóng cửa do dịch COVID-19 tại Turin, Italy ngày 16/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 31/8, Cơ quan Thống kê Italy (ISTAT) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2 năm 2020 giảm 12,8% và đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1995.
Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, một tháng sau khi ghi nhận lạm phát âm lần đầu tiên kể từ năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức 0% trong tháng 8/2020.
Dự báo, GDP của Đức sẽ giảm hơn 6% trong cả năm 2020. Theo biểu tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), gọi là Chỉ số Giá tiêu dùng hài hòa (HICP), lạm phát năm 2020 của Đức sẽ giảm 0,1% so với năm 2019.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm kỷ lục - tới 40% trong quý 2 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới doanh thu của ngành du lịch.
Phát biểu với báo giới sau khi những số liệu trên được công bố, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cho biết: "Đây là một sự đình trệ thảm hại chưa từng có mà quốc gia thành viên Khu vực đồng euro này từng gặp và đây có thể vẫn chỉ là một phần của tảng băng chìm."
Không ngoại lệ, Nga cũng đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga thông báo lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm chỉ còn 1/25 so với cùng kỳ năm ngoái khi giá dầu và khí đốt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Mỹ gia hạn miễn thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc
Ảnh minh họa: CNBC. |
Ngày 01/9, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã thông báo sẽ gia hạn việc loại trừ thuế quan đối với một loạt sản phẩm Trung Quốc bao gồm cả đồng hồ thông minh và khẩu trang y tế đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020, một động thái cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thực hiện đúng lời hứa nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một, sau cuộc điện đàm cấp cao ngày 25/8.
Các quy định loại trừ ban đầu trong một năm đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ mức thuế "Mục 301" do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đã hết hiệu lực vào ngày 01/9. USTR đã gia hạn các loại trừ thêm bốn tháng lần này. Các sản phẩm trong danh sách bao gồm đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi thể dục và thiết bị liên lạc không dây, một số trong số đó có thể được nhập khẩu bởi các công ty công nghệ Mỹ bao gồm Apple và FitBit. Ngoài ra, các sản phẩm y tế như khẩu trang, mặt nạ và các mặt hàng y tế khác cũng được miễn thuế cho đến cuối năm.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức vào tháng 11 và một cuộc chuyển giao quyền lực, nếu có, sẽ diễn ra vào tháng 1 năm sau. Vì vậy, việc gia hạn loại trì thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc lần này được các nhà phân tích coi là một lựa chọn thực dụng cho chính quyền Trump khi chỉ kéo dài thời hạn miễn thuế thêm 4 tháng cho đến hết năm 2020. Thông báo từ phía Mỹ là một cử chỉ tích cực cho thấy việc triển khai thỏa thuận thương mại giai đoạn một đang đi đúng hướng.
Chuyến bay thương mại lịch sử từ Israel đến UAE
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner (thứ tư từ phải sang) và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên phái đoàn Mỹ và Israel, trước khi lên máy bay thương mại của Hãng hàng không quốc gia Israel El Al Airlines chở họ từ Tel Aviv (Israel) tới Abu Dhabi (UAE) ngày 31-8-2020. Ảnh: TTXVN |
Israel và UAE khởi động bay thương mại đầu tiên hôm 31/8 chở theo phái đoàn cấp cao Mỹ, Israel và được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa.
Chuyến bay khởi hành từ sân bay Ben-Gurion đến Abu Dhabi được hãng hàng không El Al khai thác, mang số hiệu LY971. Phát ngôn viên Stanley Morais của El Al cho biết máy bay được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa, một tính năng tiêu chuẩn và cũng là yêu cầu cho chuyến bay này. Sau khi dừng bay do COVID-19, đây là chuyến bay đầu tiên của El Al kể từ ngày 1/7.
Chuyến bay đánh dấu thỏa thuận lịch sử do Mỹ làm trung gian, nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE. Điều này sẽ khiến UAE trở thành quốc gia Arab thứ ba có quan hệ toàn diện với Israel, sau Ai Cập và Jordan. Chuyến bay này được thực hiện được thực hiện theo thỏa thuận giữa UAE và Israel nhằm từng bước hiện thực hóa thỏa thuận hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương đạt được hôm 13/8. Phái đoàn Mỹ do ông Jared Kushner, Cố vấn cấp cao cũng là con rể của Tổng thống Trump và Cố vấn anh ninh quốc gia Robert O'Brien dẫn đầu, có mặt trên chuyến bay này.
Tổng thống Donald Trump hôm 13/8 thông báo thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Việc UAE và Israel đạt được thỏa thuận hòa bình lịch sử dưới vai trò trung gian của Mỹ không chỉ giúp làm tan băng ở khu vực Trung Đông mà còn được xem là chiến thắng ngoại giao cho ông D.Trump trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
G20 hợp tác nới lỏng hạn chế đi lại và thúc đẩy kinh tế
Các ngoại trưởng tham gia hội nghị trực tuyến. (Ảnh: Twitter/Vietnamplus). |
Các ngoại trưởng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 3/9 đã tham dự một hội nghị trực tuyến đặc biệt do Saudi Arabia chủ trì, nhằm thảo luận biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại và tăng cường hợp tác xuyên biên giới, sau nhiều tháng áp dụng các lệnh phong tỏa do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các ngoại trưởng G20 thừa nhận tầm quan trọng của mở cửa biên giới và xúc tiến các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn thảo luận về công tác phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xuyên biên giới nhằm bảo vệ tính mạng và sinh kế của người dân.
Việc nhiều quốc gia áp dụng các lệnh phong tỏa với mức độ và thời gian khác nhau đã ảnh hưởng tới sinh kế của người dân, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm và hàng triệu lao động bị mất việc làm. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan cho biết, tái mở cửa biên giới bên cạnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, đem lại sự thịnh vượng và niềm tin hợp tác cùng vượt qua đại dịch COVID-19./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!