Tuần qua (13/19/7), tình hình Biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi Mỹ ra tuyên bố bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này. Bên cạnh đó là một số thông tin quan trọng khác liên quan tới diễn biến của đại dịch COVID-19 và "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới.
Mỹ tuyên bố bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Hai tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận ở Biển Đông ngày 6/7. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
Trong tuyên bố đưa ra rạng sáng 14/7, Mỹ khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp". Tuyên bố này của Mỹ đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nước trên thế giới và một lần nữa, nhấn mạnh tính cần thiết của việc xây dựng những cơ sở pháp lý trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Tuyên bố nêu rõ, Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hiện Mỹ đang tăng cường chính sách tại một vùng có tranh chấp, có ý nghĩa sống còn tại khu vực đó là Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp.
Tại Biển Đông, Mỹ mong muốn gìn giữ hòa bình và ổn định, duy trì tự do trên biển theo cách nhất quán với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở, và chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam cũng như mọi yêu sách của nước này đối với vùng nước nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Tuyên bố nhấn mạnh, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình. Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của các nước này đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, thống nhất với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Mỹ ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn.
Liên hợp quốc cần thêm 3,6 tỷ USD ứng phó đại dịch COVID-19
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN). |
Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường thêm 3,6 tỷ USD cho Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu của tổ chức này để phục vụ các nỗ lực chống đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo các quốc gia phát triển về "cái giá của sự thờ ơ" nếu các nước nghèo hơn không nhận được hỗ trợ.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 16/7, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách về các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock nhấn mạnh nguy cơ nạn đói sẽ xảy ra tại nhiều nơi thế giới vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau và các nước cần đầu tư ngay từ bây giờ để ngăn chặn nguy cơ này. Ngoài Somalia, Nam Sudan, Yemen và Nigeria, những quốc gia vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thì các quốc gia khác như Sudan, Zimbabwe và Haiti đang ngày càng có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng này. Theo ông Lowcock, nguồn vốn bổ sung sẽ được dùng để ứng phó với nạn đói gia tăng trên toàn cầu, hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, và chi trả cho các dự án hỗ trợ trang thiết bị y tế, các chiến dịch thông tin và thiết lập các cầu hàng không nhân đạo ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Đây là lần thứ 3, LHQ đưa ra lời kêu gọi ủng hộ cho quỹ phản ứng đại dịch mà cơ quan này triển khai từ tháng 3, với mức kêu gọi ban đầu là 2 tỷ USD. Với lời kêu gọi mới, tổng cộng nguồn vốn mà LHQ cần cho kế hoạch này là 10,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tính từ tháng 3 tới nay, LHQ mới nhận được 1,7 tỷ USD tiền ủng hộ. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, với số ca nhiễm đã vượt mốc 14 triệu còn số ca tử vong đã vượt ngưỡng 600.000 người.
Nợ doanh nghiệp toàn cầu dự kiến tăng thêm 1.000 tỷ USD
Một cửa hàng tại Rome, Italy, đóng cửa ngày 12/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN) |
Theo kết quả nghiên cứu từ 900 công ty hàng đầu thế giới được công bố trong tuần qua, tổng nợ doanh nghiệp trên toàn cầu dự kiến ghi nhận tăng kỷ lục, thêm 1.000 tỷ USD trong năm 2020. Tình hình kinh tế tại nhiều quốc gia lao dốc do đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Mức tăng chưa từng có sẽ đưa tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2020 tăng 12% lên khoảng 9.300 tỷ USD - số nợ này tương đương GDP của các quốc gia có quy mô nền kinh tế ở mức trung bình.
Các doanh nghiệp Mỹ chiếm tới xấp xỉ 50% số nợ doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2020, tương đương 3.900 tỷ USD và có mức tăng về nợ nhanh nhất trong 5 năm qua so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác (trừ Thụy Sỹ).
Đức đứng thứ hai với số nợ doanh nghiệp là 762 tỷ USD. Đức cũng là quốc gia có 3 doanh nghiệp thuộc nhóm công ty có mức nợ vay cao nhất thế giới, trong đó có Volkswagen, với 192 tỷ USD nợ vay.
G-20 cam kết sẽ làm mọi cách để giảm thiểu nguy cơ kinh tế thế giới "trượt dốc"
Nhiều nền kinh tế lớn đang lao đao khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
Kết thúc cuộc họp trực tuyến do Saudi Arabia chủ trì, Bộ trưởng Tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 19/7 đã ra tuyên bố chung, trong đó nhận định kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cam kết nhóm sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu những nguy cơ kinh tế "trượt dốc".
Tuyên bố chung nêu rõ G20 sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân; hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường hệ thống tài chính, dù triển vọng kinh tế "vẫn không chắc chắn".
Về chương trình giãn nợ của G20 hỗ trợ các nước chống COVID-19, bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm cho biết đã nhận được yêu cầu giãn nợ đối với các khoản vay tổng cộng 5,3 tỷ USD từ 42 nước đang phát triển.
Để hỗ trợ các nước đang phát triển triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 4 vừa qua, G20 và các nước Câu lạc bộ Paris đã thống nhất giãn nợ cho những nước trong diện nghèo nhất từ ngày 1/5 đến hết năm nay. Tại cuộc họp trực tuyến lần này, G20 nhấn mạnh cả phía vay và cho vay cần thực hiện sáng kiến này một cách đầy đủ và minh bạch.
Lãnh đạo EU nhóm họp thượng đỉnh trực tiếp
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP |
Ngày 17/7, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ với mục tiêu thỏa thuận cho được về ngân sách dài hạn mới của khối và quỹ phục hồi kinh tế. Đây là Hội nghị thượng đỉnh EU trực tiếp đầu tiên kể từ sau đại dịch COVID-19. Các hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trước đó đã không giải quyết được vấn đề, kể cả về ngân sách dài hạn, mà lẽ ra đã phải chốt được từ hồi tháng 2 năm nay.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã đề xuất khoản ngân sách 1.074 tỷ euro để đạt được các mục tiêu dài hạn của EU, cũng như để duy trì kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, các nước hiện vẫn chưa thể nhất trí nhiều nội dung như có phải hoàn lại ngân sách hỗ trợ hay ngân sách phân bổ cho các dự án xanh.
Vấn đề phức tạp gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay là quỹ 750 tỷ Euro để phục hồi kinh tế. Theo đó, Đức đề xuất mỗi quốc gia đóng góp tùy theo quy mô nền kinh tế của mình, sau đó chuyển 2/3 số tiền thu được cho các nước và những ngành bị thiệt hại, bên nhận tiền không phải hoàn lại. Trong khi đó, Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển lại phản đối quan điểm này với lập luận rằng phải cho vay, qua đó các nước nhận tiền chi tiêu một cách có trách nhiệm./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!