Thế giới tuần qua: Lễ Phục sinh đẫm máu ở Sri Lanka

Hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên, nguy cơ giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka

Ngày 21/4, đúng vào Lễ Phục sinh, Sri Lanka đã phải trải qua một ngày Chủ nhật đẫm máu với một loạt vụ nổ nhằm vào các nhà thờ và khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo và một số thị trấn. 

Hiện trường một trong các vụ đánh bom ở Sri Lanka ngày 21/4. Ảnh: CNA

Theo nhà chức trách Sri Lanka, các vụ tấn công đã khiến 253 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương (con số đưa ra trước đó là 359 người thiệt mạng, được cho là do trùng lặp về kết quả giám định ADN), trong số những người thiệt mạng có 38 người nước ngoài. 7 trong số 8 vụ nổ đã được xác định là đánh bom liều chết. Đây được cho là loạt vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở quốc gia Nam Á này kết thúc một thập niên trước đây.

Sau các vụ tấn công, an ninh được tăng cường trên đường phố ở thủ đô Colombo. Lực lượng an ninh có thể dùng quyền đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp. Giới chức an ninh đã bắt giữ hơn 100 đối tượng tình nghi liên quan đến các vụ đánh bom. 

Ngày 26/4, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cho biết cảnh sát nước này đang nỗ lực truy tìm 140 đối tượng được tin là có liên quan tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức đã thừa nhận gây ra các vụ đánh bom liều chết hôm 21/4. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã xin lỗi toàn thể người dân vì ban lãnh đạo đất nước và lực lượng an ninh đã không thể bảo vệ các nạn nhân trong các vụ đánh bom liều chết. Ông cam kết về các biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong cuộc đấu súng với các phần tử tình nghi tại một thị trấn ở miền Đông tối 26/4, các lực lượng an ninh Sri Lanka đã tiêu diệt ít nhất 4 tay súng cực đoan. Các đối tượng bị tiêu diệt được cho là các phần tử chuẩn bị thực hiện các vụ đánh bom liều chết và có mối liên hệ với IS. 

Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Hemasiri Fernando là quan chức đầu tiên xin từ chức do không thể ngăn chặn loạt vụ đánh bom kinh hoàng vừa xảy ra. Tuy nhiên, ông Fernando vẫn tuyên bố khẳng định các nhà chức trách Sri Lanka đã liên tục hành động để ứng phó sau khi được Ấn Độ cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công.

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” 

Từ ngày 25 đến 27/4, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, ngày 26/4. Ảnh: Reuters.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra lần đầu tiên vào năm 2013 trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục là xu thế lớn trong đời sống kinh tế quốc tế.

Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, diễn đàn lần này do Trung Quốc chủ trì là hoạt động đa phương có quy mô lớn và chương trình nghị sự gồm nhiều lĩnh vực. Khoảng 5.000 đại biểu từ 150 quốc gia và hơn 90 tổ chức quốc tế và 800 doanh nghiệp nhiều nước đã tham gia các hoạt động của Diễn đàn. Đặc biệt Diễn đàn có sự tham dự của Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 37 quốc gia, trong đó có 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn là Hội nghị Bàn tròn Thượng đỉnh – cuộc đối thoại chính sách giữa 37 Nguyên thủ và các nhà lãnh đạo thảo luận về ba chủ đề lớn là thúc đẩy kết nối, tăng cường cộng hưởng chính sách, và phát triển xanh và bền vững.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai. Chuyến công tác của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về song phương và đa phương và trên nhiều khía cạnh hợp tác khác nhau.  

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên

Ngày 25/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok (thuộc miền Viễn Đông của Nga). Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở thành phố Vladivostok, ngày 25/4. Ảnh: TASS

Cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim Jong-un và ông Putin diễn ra tại Đại học tổng hợp liên bang Viễn Đông trên đảo Russky ngoài khơi thành phố Vladivostok trong điều kiện an ninh thắt chặt. Cuộc hội đàm diễn ra theo hai thể thức: Hội đàm kín giữa hai nhà lãnh đạo và hội đàm mở rộng có sự tham gia của các lãnh đạo chính phủ trong thành phần đoàn đại biểu.

Trong tổng cộng khoảng 3 giờ đồng hồ, hai bên đã tập trung thảo luận vấn đề giải quyết hồ sơ hạt nhân của Bán đảo Triều Tiên, đàm phán liên Triều cũng như hợp tác song phương Nga-Triều Tiên trên nhiều lĩnh vực. Sau đó hai bên tham dự buổi chiêu đãi chính thức. 

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, hai bên đã không có tuyên bố chung, cũng không ký kết văn kiện chung.

Giới phân tích đánh giá, việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin là một nỗ lực ngoại giao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm thúc đẩy 3 mục tiêu bao gồm: Phá vỡ thế bế tắc ngoại giao trong tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ, nới lỏng sức ép trừng phạt quốc tế và tạo động lực phát triển kinh tế Triều Tiên.

Nguy cơ giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao

Ngày 22/4, Nhà Trắng thông báo: Bắt đầu từ tháng 5/2019, chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran. 

Một tàu chở dầu của Iran. Ảnh: PressTV

Phát biểu trước phóng viên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định biện pháp này được đưa ra nhằm mục đích chặn đứng hoàn toàn cơ hội xuất khẩu dầu mỏ của Iran, từ đó có thể ngăn cản Iran tiếp cận với những dòng tiền được sử dụng để gây bất ổn khu vực Trung Đông, đồng thời khuyến khích Iran theo đuổi một lối hành xử “thông thường”.

Hiện dư luận đang quan tâm tới việc các nước sản xuất dầu mỏ sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể gì nhằm cân bằng nguồn cung dầu mỏ ra thị trường sau động thái mới nhất của Mỹ.

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố lệnh siết lệnh trừng phạt Iran. Trong phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu Brent tăng 2,9%, lên mức 74,04 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2018.

Một số nhà phân tích lại dự báo về khả năng giá dầu sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới với nguyên nhân không chỉ xuất phát từ các biện pháp gây sức ép mới nhất do Mỹ vừa đưa ra mà còn bởi các cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Venezuela và Libya. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho rằng, Mỹ sẽ khó đạt được mục tiêu đưa mức xuất khẩu dầu mỏ của Iran về ngưỡng 0 bởi nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn có thể áp dụng các phương thức để né tránh các lệnh trừng phạt.

Mỹ rút khỏi Hiệp ước Thương mại Vũ khí của Liên hợp quốc

Ngày 26/4, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ rút lại chữ ký của Mỹ khỏi Hiệp ước Thương mại Vũ khí (ATT), văn bản được Liên hợp quốc thông qua năm 2013 nhằm điều chỉnh hoạt động thương mại vũ khí quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy tài liệu được chính ông ký từ chối ATT trong bài phát biểu tại Indianapolis trước NRA, ngày 26/4/2019. Ảnh: AFP


Phát biểu tại Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) ở thành phố Indianapolis thuộc bang Indiana, ông Trump cho hay Liên hợp quốc sẽ sớm nhận được “bản thông báo chính thức rằng Mỹ từ chối phê chuẩn hiệp ước ATT”. "Chúng tôi sẽ không bao giờ phê chuẩn hiệp ước này" – ông nói và một lần nữa cho thấy sự không tin tưởng vào các điều ước quốc tế và tổ chức đa phương Liên hợp quốc.

Đánh giá về quyết định của Mỹ, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ: Hiệp ước "là công cụ toàn cầu duy nhất để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm trong thương mại vũ khí quốc tế”. Theo ông, "điều này đặc biệt quan trọng hiện nay, khi chúng ta chứng kiến căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng và mối quan tâm mới trong việc mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí".

Ngày 27/4, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo việc Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi ATT sẽ cản trở cuộc chiến chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới.

Tổng thống đắc cử Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga

Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 28/4 tuyên bố sẵn sàng đàm phán và thảo luận những điều kiện mới về cùng tồn tại giữa Ukraine và Nga. 

Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Ảnh: Getty Images

Trên trang mạng cá nhân, ông Zelenskiy nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng vào các động thái của Nga trong cuộc họp sắp tới của Nhóm Normandy. Tổng thống đắc cử Ukraine viết: “Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng thảo luận những điều kiện mới về cùng tồn tại giữa Ukraine và Nga”. Ông Zelenskiy cho rằng không nên gây áp lực đối với Ukraine và đây là con đường tốt nhất để ngừng bắn và thực thi các thỏa thuận Minsk về miền Đông Ukraine.

Trước đó một ngày, trả lời báo giới bên lề Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” tại Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ Moskva muốn biết quan điểm của ông Zelenskiy về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, các thỏa thuận Minsk có vai trò thiết yếu đối với khu vực miền Đông Ukraine. Ông Putin cũng không loại trừ khả năng gặp ông Zelensky. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ giảm 25% giá khí đốt bán cho Ukraine nếu chính quyền Kiev nhất trí cho phép Moskva trung chuyển khí đốt sang châu Âu.

Hôm 25/4, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga sẵn sàng khôi phục quan hệ toàn diện với Ukraine. Ông Putin nêu rõ: "Chúng tôi muốn và sẵn sàng khôi phục quan hệ đầy đủ với Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không thể đơn phương thực hiện điều đó"./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới