Tuần đầu tiên của năm mới 2021 (4 – 10/1) có nhiều sự kiện đáng chú ý. Bên cạnh những căng thẳng trong nội bộ nước Mỹ do cuộc bầu cử Tổng thống, quyết định gia tăng trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Trung Quốc, hay diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực trong việc hóa giải bất đồng giữa các quốc gia Vùng Vịnh.
Nước Mỹ khép lại cuộc bầu cử trong bạo loạn
Ngày 6/1 được xem là một “ngày đen tối” trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ khi hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã xông vào Điện Capitol làm gián đoạn phiên họp của lưỡng viện, nhằm cản trở việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Người biểu tình trèo vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: AP) |
Các cuộc biểu tình biến thành bạo động khi nhóm người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội, khiến lực lượng chức năng đã phải phong tỏa toàn bộ tòa nhà Quốc hội, hàng loạt văn phòng trong khu tổ hợp Quốc hội đã được sơ tán, đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán người biểu tình. Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1.100 thành viên Vệ binh Quốc gia Đặc khu Columbia được huy động để hỗ trợ thực thi pháp luật tại Điện Capitol.
Theo số liệu do cảnh sát Mỹ công bố, các cuộc bạo loạn tại trụ sở Quốc hội đã khiến 4 người thiệt mạng, 50 cảnh sát bị thương và hơn 70 người bị bắt giữ.
Cuộc bạo loạn là nguyên nhân dẫn đến việc Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger cùng một số quan chức khác đã từ chức và Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien cũng đang cân nhắc từ chức.
Tuy nhiên, tối 6/1, Quốc hội Mỹ đã hoàn tất quá trình kiểm phiếu đại cử tri, xác nhận ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden là Tổng thống hợp hiến thứ 46 của Mỹ. Theo công bố của Phó Tổng thống Mike Pence, ông Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, vượt qua mốc 270 phiếu cần thiết để trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng. Đương kim Tổng thống Donald Trump chỉ nhận được 232 phiếu. Như vậy, ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Ngày 7/1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi yêu cầu phế truất Tổng thống D.Trump trước cáo buộc ông có liên quan đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol cũng như những hành động xâm nhập trụ sở Hạ viện một ngày trước đó. Bà Pelosi đã yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án số 25, vốn cho phép ông và Nội các tước bỏ quyền lực của Tổng thống D.Trump, cùng với cảnh báo đi kèm rằng, nếu ông Pence không thực hiện bước đi trên, bà và các thành viên khác trong Quốc hội sẵn sàng thúc đẩy luận tội Tổng thống D.Trump lần thứ 2.
Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng đã gửi thư tới Phó Tổng thống Pence yêu cầu viện dẫn Tu chính án 25 trước khi Tổng thống D.Trump kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 tới. Một thành viên đảng Cộng hòa là Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, cũng ủng hộ dùng Tu chính án 25 đối với Tổng thống D.Trump.
Mỹ trừng phạt thêm nhiều doanh nghiệp Iran và Trung Quốc
Chính quyền Mỹ, ngày 5/1, đã bổ sung vào danh sách trừng phạt 1 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất các vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất thép, 12 nhà sản xuất kim loại và thép của Iran và 3 đại lý bán hàng tại nước ngoài của một công ty cổ phần khai thác mỏ và kim loại lớn của Iran.
Nhiều doanh nghiệp Iran vào danh sách trừng phạt của Mỹ. (Ảnh: aljazeera) |
Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, Washington đã liệt vào danh sách trừng phạt Công ty TNHH công nghệ vật liệu carbon mới Kaifeng Pingmei do doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp hàng nghìn tấn vật liệu cho các công ty sản xuất thép của Iran trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2020. Trong số các công ty của Iran bị đưa vào danh sách có Pasargad Steel Complex và Gilan Steel Complex, bị trừng phạt theo Sắc lệnh hành pháp 13871 do hoạt động trong ngành thép của Iran.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 5/1 cũng đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công dân hoặc doanh nghiệp Mỹ sử dụng hoặc giao dịch tài chính với 8 ứng dụng Trung Quốc. Đây tiếp tục là một động thái cứng rắn của chính quyền ông Trump với Bắc Kinh trong những tuần cuối nhiệm kỳ.
Những ứng dụng bị liệt vào “danh sách đen” lần này gồm: Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office. Sắc lệnh của Tổng thống Trump đã giao cho Bộ Thương mại Mỹ xác định hình thức giao dịch nào sẽ bị cấm và phải có kế hoạch hành động trước ngày 20/1, thời điểm chính quyền mới nhận chuyển giao quyền lực.
Phát biểu trước báo giới ngày 5/1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố ông ủng hộ "quyết tâm bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người Mỹ trước những mối đe dọa từ Trung Quốc".
Đáp lại, ngày 6/1, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt hành động "ngăn chặn vô lý" các ứng dụng của Trung Quốc, cáo buộc lệnh cấm của Mỹ đi ngược với cạnh tranh công bằng và gây tổn hại tới trật tự thị trường thông thường.
Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn nhiều gian nan
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 6 tháng tới sẽ là một "chặng đường hết sức gian nan và vất vả" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, trước khi các loại vaccine có thể phát huy tác dụng và đảo ngược tình hình.
Số lượng người nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhanh. (Ảnh: Reuters) |
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng Nhóm chuyên gia nghiên cứu về COVID-19 của WHO, cho biết tại nhiều nước, tình hình rất đáng lo ngại, thậm chí đang trở nên tồi tệ hơn. Theo bà, một số quốc gia thực sự đang phải chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh nhanh đáng sợ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, những khu vực hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh, nhập viện và điều trị tích cực tăng chóng mặt.
Trong khi đó, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho rằng đã có rất nhiều kỳ vọng khi một số vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu được tiêm tại một số nước từ tháng trước. Tuy nhiên, người dân không nên mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 5/1 tuyên đã chuyển sang “trạng thái thời chiến” sau khi ghi nhận tổng cộng 117 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng và không triệu chứng chỉ trong 1 ngày. Quyết định này được đưa ra sau khi Thạch Gia Trang thông báo ghi nhận tổng cộng 117 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng và không triệu chứng chỉ trong 1 ngày, mức tăng cao nhất hơn 5 tháng qua.
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy đến sáng 10/1, thế giới có tổng số 90.042.930 ca nhiễm và 1.933.457 ca tử vong vì dịch COVID-19. Chỉ trong một ngày, có tới 711.024 ca nhiễm và 12.297 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Vùng Vịnh hướng tới đoàn kết và ổn định
Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 được tổ chức ngày 5/1 tại Saudi Arabia, các nhà lãnh đạo của 6 nước thành viên GCC đã cùng ký hai văn kiện, bao gồm Tuyên bố Al-Ula và thông cáo báo chí cuối cùng của hội nghị. Tuy nội dung của các văn kiện này hiện chưa được công bố, nhưng hy vọng chấm dứt những bế tắc lâu nay đã được thắp lên khi Saudi Arabia thông báo sẽ mở cửa biên giới với Qatar bất chấp sự thù địch kéo dài nhiều năm qua giữa hai nước láng giềng.
Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh GCC. (Ảnh: Reuters) |
Saudi Arabia cùng 3 nước đồng minh gồm: Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Qatar, mở ra thời kỳ mới đối với khu vực này sau thời gian dài khủng hoảng ngoại giao với Doha.
Diễn biến tích cực này có được sau một thời gian dài, kể từ tháng 6/2017, Saudi Arabia đã đứng đầu một liên minh gồm cả Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và các đường liên kết vận tải với Qatar. Riyadh cáo buộc Doha thân cận với Iran và hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan điều mà chính quyền Doha kiên quyết phủ nhận.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, tuyên bố này sẽ được bảo đảm thực thi “bằng cả ý chí chính trị và niềm tin mạnh mẽ”. Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, sau đó cũng thông báo trên Twitter rằng các nhà lãnh đạo GCC đã “khép lại trang bất đồng... và tìm cách mở ra một trang mới”.
Phát biểu tại hội nghị, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhấn mạnh: "Những nỗ lực đã giúp chúng ta đạt được đồng thuận về Tuyên bố Al-Ula được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh này, nơi chúng ta khẳng định sự đoàn kết và ổn định của khu vực vùng Vịnh, cộng đồng Arab và Hồi giáo". "Tình hình hiện nay rất cần chúng ta đoàn kết các nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của khu vực và đối đầu với những thách thức xung quanh mình, đặc biệt là những mối đe dọa đến từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran" – Thái tử Saudi Arabia nêu rõ.
Giá dầu thế giới tăng gần 8% trong tuần qua
Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất của gần một năm trong phiên ngày 8/1 và đạt mức tăng 8% trong tuần qua, nhờ cam kết cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia.
Giá dầu thế giới đạt mức cao nhất của gần một năm trong phiên ngày 8/1. (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 3% (1,61 USD) và khép phiên này ở mức 55,99 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng cửa ở mức 52,24 USD/thùng, tăng 2,8% (1,41 USD) và cũng là mức tăng cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020.
Saudi Arabia trong tuần này đã cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 2 và tháng 3 tới, như một phần của thỏa thuận mới nhất giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+).
Trước đó, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, ngoài những yếu tố thuận lợi, thị trường dầu thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi trong nửa đầu năm 2021, khiến triển vọng của giai đoạn này rất trái chiều./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!