Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp mặc dù nhiều nước đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng, Trung Quốc – Ấn Độ đạt “đồng thuận tích cực” về vấn đề biên giới, Nga – Mỹ khởi động đối thoại về kiểm soát vũ khí,… là những sự kiện đáng chú ý trong tuần qua.
Tăng gần 880.000 ca trong vòng một tuần
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và các nước không được tỏ ra "tự mãn" ngay cả khi đã thu được những kết quả tích cực. “Hơn sáu tháng phải đối mặt với đại dịch, giờ không phải lúc để bất kỳ quốc gia nào từ bỏ các nỗ lực đang theo đuổi” – ông Ghebreyesus nói.
Người dân được đo thân nhiệt để phòng ngừa COVID-19 ở Nam Phi (Ảnh:The Guardian/AP) |
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tăng thêm 879.860 ca từ 6.973.243 ca (ngày 7/6) lên 7.853.103 (ngày 14/6). Số liệu cập nhật với nhất tính đến 6 giờ sáng ngày 14/6 cho thấy, trong số 7.853.103 mắc COVID-19 trên toàn thế giới, có 431.621 ca đã tử vong, 4.017.448 ca đã bình phục, 3.404.034 ca đang được điều trị tích cực. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch với 2.141.026 ca, trong đó 117.502 ca đã tử vong. Đứng thứ hai là Brazil với 850.514 ca nhiễm, 42.720 ca tử vong. Đứng thứ ba là Nga với 520.129 ca nhiễm, 6.829 ca tử vong.
Để đối phó với đại dịch, các nước vẫn không ngừng nghiên cứu để tìm ra vaccine phòng COVID-19. Ngày 13/6, các nhà nghiên cứu Chile tuyên bố đã phát hiện kháng thể “mạnh nhất thế giới” có khả năng chống lại SARS-CoV-2. Kháng thể trên do một loài lạc đà không bướu sản sinh ra và có thể đưa vào cơ thể người để trung hòa virus thông qua một ống hít qua đường mũi. Sau khi phân lập thành công kháng thể từ loài lạc đà không bướu, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Austral còn phải chứng minh khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 của loại kháng thể này.
Hiện có hơn 10 loại vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm trên thế giới, trong đó có AstraZeneca của Anh, Sanofi của Pháp, và các công ty của Mỹ như Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và Moderna.
Liên quan đến việc sản xuất và mua bán vaccine, WHO cho rằng cần xem vaccine phòng virus SARS-CoV-2 là một hàng hóa công toàn cầu, và đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận công bằng đối với bất kì loại vaccine nào đang được phát triển. Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại rằng một số quốc gia có thể tích trữ vaccine hoặc thuốc dùng để điều trị COVID-19, khiến các nước nghèo không thể tiếp cận.
Các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dần dần nối lại các hoạt động của chiến dịch tranh cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổng thống Trump ngày 11/6 đã tổ chức một hội nghị bàn tròn theo hình thức là cuộc vận động tại một nhà thờ ở Dallas thuộc bang Texas, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ các cộng đồng thiểu số trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra trên cả nước phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát. Tổng thống Trump cam kết cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp do người thuộc cộng đồng thiểu số sở hữu. Ông Trump cũng phác thảo chi tiết kế hoạch cải cách một số hoạt động của cảnh sát nhưng được cho là chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các nhà hoạt động xã hội sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hồi tháng trước.
Trong khi đó, tại thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania, ứng cử viên Biden đã công bố một kế hoạch mà ông cho rằng có thể khởi động một nền kinh tế đang bị rơi tự do bởi tác động của đại dịch COVID-19. Ông Biden đồng thời khẳng định có thể làm tốt hơn Tổng thống Trump trong việc bảo vệ các doanh nghiệp và nhân viên, cũng như tạo ra việc làm mà không phải chịu rủi ro không cần thiết về sức khỏe.
Theo kết quả một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang nhận được sự ủng hộ từ các cử tri nhiều hơn so với Tổng thống Donald Trump. Cũng tại các cuộc thăm dò, nhiều cử tri thể hiện quan điểm không hài lòng với cách ứng phó của Tổng thống Donald Trump trước cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình đang liên tiếp xảy ra tại Mỹ những ngày qua nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc và đòi lại công lý cho nạn nhân da màu George Floyd – người đã tử vong sau khi bị một cảnh sát da trắng bắt giữ cũng đã khiến uy tín của Tổng thống Donald Trump bị suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được phân định dựa vào số phiếu đại cử tri mà các ứng cử viên giành được, chứ không dựa trên các kết quả thăm dò.
Trung Quốc, Ấn Độ đạt “đồng thuận tích cực” về vấn đề biên giới
Ngày 10/6, Trung Quốc thông báo đã đạt được “đồng thuận tích cực” với Ấn Độ nhằm giải quyết căng thẳng tại khu vực biên giới sau một loạt vụ đụng độ xảy ra giữa binh lính hai bên hồi đầu tháng trước. Trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh xác nhận việc hai nước láng giềng đã đạt được đồng thuận tích cực nhằm giải quyết những căng thẳng mới nhất tại khu vực biên giới, thông qua các cuộc trao đổi hiệu quả bằng các kênh ngoại giao và quân sự.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tiếp tục ra thông báo khẳng định New Delhi và Bắc Kinh sẽ tiếp tục phối hợp về quân sự và ngoại giao để giải quyết tình hình, góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Ảnh: AFP) |
Tại các Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong vòng 2 năm trở lại đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã theo đuổi chủ trương hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng thông qua việc nhất trí cùng thúc đẩy các cuộc tiếp xúc giữa quân đội hai nước liên quan tới vấn đề biên giới.
Cuộc chiến biên giới năm 1962 giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã lùi xa từ vài thập kỷ, song mối quan hệ giữa hai nước láng giềng cũng không vì thế mà trở nên yên ả khi mà những cuộc đụng độ và tranh cãi vẫn tiếp diễn, thậm chí còn có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn trong những năm trở lại đây.
Sau nhiều tuần căng thẳng, tình hình đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi tờ The Diplomat, ngày 9/6 đưa tin, các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Trung Quốc đã rút lui từng phần khỏi LAC thuộc Đông Ladakh. Tuy động thái này không được thông báo công khai và chính thức, song tờ the Hindu dẫn các nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện những bước đi tiếp theo trong những ngày tới.
Nga, Mỹ khởi động đối thoại về kiểm soát vũ khí
Ngày 8/6, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cho biết, ông và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đạt thỏa thuận về thời gian và địa điểm đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Sự kiện này dự kiến diễn ra ngay trong tháng này và Trung Quốc cũng đã được mời tham dự.
Tờ Bloomberg dẫn tin từ một quan chức không tiết lộ tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vòng đối thoại giữa ông Ryabkov và ông Billingslea sẽ diễn ra tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 tới. Cũng theo Bloomberg, Washington đã không loại trừ thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) trong vòng đối thoại sắp diễn ra với Nga.
Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cùng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.
START mới sẽ có duy trì hiệu lực trong 10 năm, tới 2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026.
IMF phê duyệt gói cứu trợ 5 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 9/6, Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: tổ chức này đã phê duyệt gói cứu trợ kéo dài 18 tháng trị giá 5 tỷ USD Ukraine nhằm giúp quốc gia này đối phó trước những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây ra.
Theo đó, chương trình mới này cung cấp hỗ trợ ngân sách cho Ukraine, đồng thời bảo vệ những thành quả đạt được cho đến nay và thúc đẩy một loạt cải cách cơ cấu quan trọng để đảm bảo nền kinh tế Ukraine sẵn sàng tăng trưởng trở lại khi đại dịch qua đi. IMF cho biết, gói cứu trợ sẽ ngay lập tức giải ngân 2,1 tỷ USD cho Ukraine.
IMF cảnh báo: "Sự bất ổn là rất lớn và nền kinh tế của Ukraine dự kiến sẽ suy giảm mạnh trong năm 2020 do doanh thu bị tác động bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus tại quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu - dẫn đến sự sụt giảm đáng kể nhu cầu trong và ngoài nước".
IMF đồng ý gói cứu trợ kinh tế trị giá 5 tỷ USD cho Ukraine. (Ảnh: Reuters) |
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến nay, Ukraine ghi nhận đã có 30.506 ca dương tính với COVID-19, trong đó 880 ca tử vong vì đại dịch.
Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng quốc gia Ukraine dự báo kinh tế nước này trong quý II/2020 sẽ giảm 11% so cùng kỳ năm ngoái, và sẽ giảm 4,8% trong cả năm 2020 do các biện pháp hạn chế được chính phủ ban hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Tấn công bằng dao tại trường học ở Slovakia
Vụ việc xảy ra vào sáng 11/6, tại trường United, thuộc thị trấn Vrutky ở Tây Bắc Slovakia. Đây là ngôi trường dành cho các em trong độ tuổi từ tiểu học đến trung học. Giới chức địa phương cho biết, nạn nhân thiệt mạng là phó hiệu trưởng nhà trường.
Đối tượng thực hiện vụ tấn công được xác định là một nam thanh niên 22 tuổi, đến từ thị trấn Martin ở gần đó. Người này là cựu học sinh của ngôi trường nói trên. Cảnh sát cho biết đối tượng tấn công đã đột nhập vào trường học sau khi phá vỡ cửa kính. Một số nhân viên trong trường đã cố chặn đối tượng, song không thể ngăn tên này dùng dao mang theo mình để thực hiện vụ tấn công. Đối tượng đã bị cảnh sát bắn chết khi đang trên đường chạy trốn.
Trong khi đó, theo lực lượng cứu hộ, có 3 người lớn và 2 học sinh bị thương đang được điều trị tại một bệnh viện ở Maritn.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cho biết, bà rất đau lòng về sự việc vừa xảy ra và gửi lời chia buồn tới gia đình của nạn nhân thiệt mạng, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ những người bị thương.
Hiện vẫn chưa rõ động cơ vụ tấn công bằng dao nói trên. Vụ việc đáng tiếc này xảy ra sau khi các trường tiểu học ở Slovakia bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 1/6 do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!